Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam năm 2021 (VFCD 2021) vừa diễn ra tại Hà Nội, Thừa Thiên Huế và TP Hồ Chí Minh với chuỗi hơn 30 hoạt động phong phú, hấp dẫn về văn hóa và sáng tạo, mang đậm bản sắc Việt.
Là sự kiện thường niên được Đại học RMIT Việt Nam phối hợp Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS), COLAB Việt Nam cùng nhiều đơn vị đồng hành tổ chức, Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam 2021 có chủ đề “Tương lai sáng tạo”. Để phòng, chống dịch Covid-19, phần lớn hoạt động được tổ chức trực tuyến thông qua các kênh mạng xã hội của liên hoan và các nền tảng số khác. Hầu hết các buổi tọa đàm, hội thảo, triển lãm, cuộc thi, chuỗi podcast (chương trình phát thanh)... đều diễn ra song ngữ (tiếng Việt, tiếng Anh) và không thu phí tham dự.
Liên hoan mở màn bằng chiến dịch nghệ thuật cộng đồng trực tuyến mang tên “Tomorrow: Gửi đến tương lai” trên Instagram và website sự kiện. Mang thông điệp “Bạn sẽ kiến tạo điều gì để gửi đến tương lai”, mỗi hình ảnh được gửi đến chương trình là một ý tưởng mà cá nhân đóng góp cho tập thể, được thiết kế thành một mảnh ghép trong tác phẩm nghệ thuật nhiều màu sắc của VFCD 2021. Chiến dịch này sẽ kéo dài đến hết năm 2021.
Một hoạt động khác được chú ý là chuỗi tọa đàm trực tuyến “Sống với văn hóa dân gian” do Trường đại học Việt Nhật và Liên minh sáng kiến văn hóa Việt Nam khởi xướng, với sự tham dự của Chèo 48h, Trung tâm Xúc tiến quảng bá di sản văn hóa Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Câu lạc bộ Văn hóa dân gian Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn...
Tại đó, các chuyên gia nghiên cứu, người thực hành nghệ thuật, làm nghề liên quan đến văn hóa dân gian cùng trao đổi, tìm hiểu mối liên hệ giữa văn hóa dân gian với nền công nghiệp văn hóa, làm rõ vai trò, giá trị của văn hóa dân gian trong đời sống, sinh kế của người dân, đồng thời bàn luận về những khả năng, những thách thức trong việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ của đời sống dựa trên chất liệu văn hóa dân gian cũng như khả năng quảng bá văn hóa dân gian thông qua các sản phẩm, dịch vụ trong ngành công nghiệp văn hóa.
Trong số các hoạt động của VFCD 2021, có hai tua khám phá phố cổ Hà Nội là sự kiện diễn ra trực tiếp. Đây là hai tua đi bộ thu hút các vị khách người Việt Nam và người nước ngoài sống ở Hà Nội cùng đi bộ qua những con phố lâu đời, tìm hiểu một góc văn hóa, di sản của Thủ đô. Bà Stella Ciorra (quốc tịch Anh), Phó Chủ tịch Hội những người bạn của di sản Việt Nam (FVH) và cũng là người hướng dẫn của chuyến tham quan, chuẩn bị sẵn rất nhiều tranh, ảnh, tư liệu về 36 phố phường, những câu chuyện của Hà Nội xưa và nay... để giúp các thành viên có thêm hứng thú, cảm xúc khi trải nghiệm thành phố nghìn năm tuổi và đã được ghi danh vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
Không đứng ngoài những chủ đề nóng và xu hướng tất yếu của thời đại số, nhiều tọa đàm, đối thoại và chuỗi podcast sẽ lần lượt lên sóng để cung cấp thông tin cho khán, thính giả quan tâm, như: “Sáng tạo ơi, mở ra”, “Lưu trữ số văn hóa nghệ thuật”, “Định hướng mỹ thuật trong sản xuất hình ảnh, minh họa trong báo chí” (17/11), “Các biến hóa sáng tạo và thực tế của thời trang bền vững”, “Tương lai của thiết kế bền vững tại Việt Nam”... Ngoài ra, còn có các hội thảo về bản quyền; vấn đề điện ảnh và giáo dục-đào tạo trong góc nhìn thời đại hậu Covid-19; bàn về tầm nhìn, xu hướng, bản sắc văn hóa và cơ hội tương lai cho ngành công nghiệp sáng tạo Việt Nam. Các hoạt động của liên hoan được đăng tải, cập nhật trên trang Facebook “Vietnam Festival of Creativity & Design” hoặc website chính thức https://vfcd.events.
Là đơn vị sáng lập liên hoan, Đại học RMIT Việt Nam chủ trì khoảng 10 sự kiện, trong đó có diễn đàn về việc lưu trữ các tác phẩm nghệ thuật và thiết kế ở Việt Nam, sự kiện mang tên WAVE nhằm kêu gọi cộng đồng cập nhật và nâng cao chất lượng các trang thông tin về văn hóa nghệ thuật Việt Nam trên Wikipedia, cũng như nhiều chương trình về thời trang bền vững và nghệ thuật vẽ. Giáo sư Julia Gaimster, Trưởng khoa Truyền thông và Thiết kế Đại học RMIT, chia sẻ về chủ đề năm nay: “Các ngành sáng tạo đang đối mặt với thách thức mới - thế giới hậu Covid-19 sẽ không như trước và chúng ta đều cần suy nghĩ xem “bình thường mới” sẽ ra sao.
Chúng ta cần những người tư duy sáng tạo và đổi mới để tìm ra các giải pháp đó. Vậy nên, liên hoan VFCD mong muốn sẽ là diễn đàn nơi mọi người có thể thảo luận về các thách thức này và tìm ra những giải pháp khả thi”. Còn bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng ban Văn hóa của Văn phòng UNESCO tại Hà Nội kỳ vọng Liên hoan sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của cả cộng đồng, thậm chí còn đa dạng hơn nữa nhờ tài năng của tất cả những người tham gia, nhất là những người sáng tạo trẻ với sức sáng tạo riêng và những năng lực về truyền thông, kỹ thuật số.