Rải vàng mã trên đường khi đưa tang là sinh hoạt tín ngưỡng được các thế hệ người Việt truyền lại cho con cháu và hiện vẫn phổ biến. Nhiều người cho đó là một hình thức báo hiếu với người đã khuất, chuyện tâm linh phải làm. Còn dưới góc nhìn văn hóa thì đây là một hủ tục, gây lãng phí, ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan nên cần loại bỏ.
Lâu nay, việc rải vàng mã trên đường đưa tang đã trở nên phổ biến và hầu như mọi người đều chấp nhận. Tuy nhiên, dù vô tình hay hữu ý việc làm này đã, đang gây phiền toái đến nhiều người.
Bà Nguyễn Thị Hà, ở tổ 4 phường, Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên) cho biết: Nhà tôi ở mặt tiền đường Quang Trung nên thường xuyên phải lãnh hậu quả từ việc người dân rải vàng mã khi đưa tang qua. Ngày ít thì vài ba đám, ngày nhiều có khi chục đám nên tôi thường xuyên phải quét dọn những tờ giấy vàng mã bị gió cuốn bay vào vỉa hè, cửa nhà.
Khảo sát đoạn đường từ nút giao Thịnh Đán (đoạn rẽ từ đường cao tốc Thái Nguyên - Hà Nội xuống đường Quang Trung) đi về hướng các nghĩa trang lớn trong xã Thịnh Đức, chúng tôi thấy 2 bên đường có vàng mã rải khá nhiều. Một số người tham gia giao thông còn bị vàng mã từ trên xe tang thả xuống bay quấn vào người.
Anh Hoàng Văn Hà nói: Tôi có hiệu cắt tóc trên đường Quang Trung nên thường xuyên phải quét dọn vàng mã bay vào vỉa hè, nhiều khi trời gió mở cửa là bay luôn vào nhà. Sợ nhất là khi đang đi trên đường bỗng có vài tờ vàng mã bay dính vào người.
Điểm có nhiều vàng mã vương vãi trên đường nhất là khu vực giao cắt giữa đường Tân Cương với tuyến đường đi T.P Sông Công. Đây là khu vực tập kết xe tang từ các địa phương trong, ngoài tỉnh về khu hỏa thiêu và 3 nghĩa trang lớn nhất tỉnh nên gần như ngày nào cũng có xe đưa tang qua lại.
Nhìn những tờ vàng mã vương vãi trên đường ai cũng lắc đầu ngán ngẩm vì mất vệ sinh, tiếc của vì sự lãng phí này (theo lời một chủ cơ sở làm dịch vụ mai táng ở T.P Thái Nguyên, mỗi đám tối thiểu phải mất 200.000 đồng tiền mua vàng mã để rải trên đường). Có những đám, gia chủ nhà xa nghĩa trang hoặc những đám gia chủ có điều kiện thì số tiền mua vàng mã để rải trên đường đi, về lên cả triệu đồng.
Bất tiện, lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường thì đã rõ nhưng việc rải vàng mã khi đưa tang đem lại kết quả, ý nghĩa ra sao thì không ai biết. Một số người khi được hỏi về việc làm này cũng chỉ đưa ra những lời giải thích chung chung, như: Phong tục người xưa để lại; báo hiếu với người đã khuất; giúp linh hồn người đã khuất tìm được đường về nhà với con cháu; lấy lòng ma cũ để không bắt nạn ma mới… Nôm na hiểu như vậy và truyền từ đời nay sang đời kia nên dù là trí thức, bình dân, giàu hay nghèo khi gia đình có tang đều mua vàng mã để rải. Lâu dần việc làm này thành thói quen mà không có mấy người lên án và dám loại bỏ.
Khi chúng tôi trao đổi vấn đề này với một số nhà tu hành và chuyên gia tôn giáo thì nhận được thông tin trong các giáo lý tôn giáo không khuyên con người thực hiện việc rải vàng mã khi đưa tang hay đốt đồ mã nói chung. Còn một số sách ghi về sinh hoạt tín ngưỡng dân gian của người Việt có ghi việc đốt vàng mã nhưng chỉ ở phần mộ mới chôn hoặc cải cát.
Như vậy, việc rải vàng mã trên đường không những không đúng cả về mặt tâm linh mà còn mang lại hệ lụy, phiền toái cho những người xung quanh. Do vậy, mỗi người dân cần tự nâng cao nhận thức của mình, không rải vàng mã trên đường khi đưa tang người quá cố. Việc làm này tuy nhỏ nhưng góp phần làm cho xã hội văn minh, từng bước loại bỏ hủ tục.