“Trong cuộc sống, mỗi người có một cách lưu giữ kỷ niệm khác nhau, riêng tôi, tôi lưu những gì chân thực nhất qua mỗi lần bấm máy. Nhiếp ảnh đã cho phép tôi lưu giữ được những khoảnh khắc có thể biến mất ngay tức khắc hoặc dễ dàng bị thời gian bào mòn…” - Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Vương Minh Lập, Hội viên hội Văn học nghệ thuật tỉnh trải lòng như vậy.
Miệt mài lưu giữ những khoảnh khắc
NSNA Vương Minh Lập năm nay đã 70 tuổi nhưng vẫn miệt mài sáng tác. Tình yêu nhiếp ảnh đã đậm đà trong ông từ khi còn là chàng trai trẻ, khi ông là người lính lái xe đoàn 559 Trường Sơn huyền thoại trong những năm kháng chiến.
Ông rủ rỉ: Từng là người lính trải qua năm tháng chiến tranh, đi qua nhiều vùng đất, tôi đã chứng kiến những khoảnh khắc đau thương, mất mát, những giây phút tuyệt đẹp của thiên nhiên, của đời sống thường ngày. Vì vậy, tôi khao khát lưu giữ những khoảnh khắc ấy, chia sẻ cho nhiều người. Mong ước đó thôi thúc tôi đến với nhiếp ảnh khi được một người bạn hướng dẫn chụp bức ảnh đầu tiên vào những năm 1970.
NSNA Vương Minh Lập: "Tôi vẫn mong có sức khỏe để đi và chụp thật nhiều khoảnh khắc của cuộc sống, để chiêm nghiệm và chia sẻ với bạn bè”. |
Sau này, trở về với cuộc sống đời thường, ông tiếp tục được ngắm nhìn những khoảng khắc tuyệt đẹp trong công việc, trong đời sống. Những năm tháng lao động hợp tác ở nước ngoài cũng giúp ông gần hơn với chiếc máy ảnh và môn nghệ thuật ánh sáng đầy cuốn hút. Ông lặng lẽ học, tiếp nhận và làm giàu kinh nghiệm, kỹ năng sáng tác. Vì thế, dù chưa từng qua trường lớp chính quy nào nhưng kiến thức về nhiếp ảnh của ông đạt tới độ dạn dày. Những ngày đầu, ông chụp ảnh chỉ để thỏa thú vui nhưng sau này, khi trau dồi kiến thức về ánh sáng, màu sắc, kỹ năng, bố cục, ý tứ cộng với một tâm hồn yêu cái đẹp, ông Lập đã sáng tác được những bức ảnh chất lượng, sống mãi với thời gian và có giá trị đối với công chúng yêu nghệ thuật.
Nói về những tác phẩm của mình, ông bảo: “Tôi yêu quê hương Thái Nguyên, luôn muốn gửi đến người xem những khoảnh khắc đẹp về phong cảnh, hình ảnh về sinh hoạt đời thường của đồng bào các dân tộc vùng đất xứ Trà. Những hình ảnh đó tạo cho tôi cảm giác về một sức sống mãnh liệt của vùng đất này.
Tác phẩm “Sôi động lòng Moong” được Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vương Minh Lập chụp tại mỏ than Núi Hồng.
Để người xem không vội vã lướt qua
Chia sẻ về tác phẩm ảnh, NSNA Vương Minh Lập cho rằng: Một bức ảnh hoàn hảo bên cạnh khoảnh khắc đẹp, lột tả được nội dung, và các kỹ thuật về bố cục, ánh sáng, còn cần phải níu giữ được người xem dừng lại bởi những chi tiết mới, “đắt”. Để làm được điều đó, trong tác phẩm, người cầm máy cần có sự chân thực, dày dặn kinh nghiệm và trải qua sự tôi luyện theo thời gian.
Dù mới chính thức cầm máy sáng tác trên 10 năm, ông Lập đã thực hiện hàng ngàn tác phẩm. 55 tác phẩm mang lại nhiều cảm xúc và cũng được đông đảo công chúng biết đến nhất được ông chia sẻ trong triển lãm cá nhân “Khoảnh khắc trong tôi” tổ chức vào cuối tháng tháng 11-2021 vừa qua. Với triển lãm này, người xem đã dừng lại trước nhiều bức ảnh và đã thấy được cái nhìn bình dị, chân thật, bao dung nhưng đầy nhiệt thành của một người lính đã đi qua cuộc chiến. Cái nhìn của ông đã cho người xem thấy vùng quê trung du sống động bởi ánh sáng, bố cục và khoảnh khắc bấm máy rất riêng và “đắt”.
Ví như những đồi chè là đề tài không mới nhưng qua ống kính của ông lại có một cái gì đó rất khác lạ, mới mẻ. Hay như tác phẩm “Hoa của thép” gây ấn tượng mạnh với người xem. Vẫn là góc chụp ngang máy, thuận mắt, không tăng thêm mầu sắc hoặc kỹ xảo, nhưng đứng trước bức ảnh của NSNA Vương Minh Lập, người xem thấy rõ sự lung linh huyền ảo và rất thật của những ánh thép trong lò luyện. Muôn vàn hạt lửa thép bung ra, tuôn chảy, tỏa sáng trong không gian với nhiều sắc độ đậm nhạt. Trên nền sáng đó bừng lên thế đứng khỏe khoắn tràn đầy sức sống, nhiệt huyết của người công nhân. Khoảnh khắc bấm máy mộc mạc đó đã lưu giữ được vẻ đẹp gần gũi và chân thực, tạc nên được biểu tượng người thợ trong lao động.
Những tác phẩm được trưng bày tại Triển lãm ảnh nghệ thuật “Khoảnh khắc trong tôi” của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vương Minh Lập mang đến nhiều cảm xúc cho người xem.
Bên cạnh những bức ảnh về quê hương Thái Nguyên, ông còn lưu giữ được khoảnh khắc về những câu chuyện, những số phận, những sắc màu của các vùng miền, nhất là vùng đất biên cương phía Bắc. Đó là những mảng màu trầm của đá núi, của kiến trúc bên phố cổ Đồng Văn trong “Chợ sớm”, Em bé vùng cao ở Mèo Vạc và Xín Mần (Hà Giang), những ruộng bậc thang, những cung đường cua tay áo của Tây Bắc hùng vĩ; hay niềm vui của những cháu học sinh người dân tộc thiểu số…
Trong câu chuyện với tôi về người cầm máy tài hoa Vương Minh Lập, Họa sĩ Hoàng Báu, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật T.P Thái Nguyên chia sẻ: Tôi cảm nhận được ở NSNA Vương Minh Lập niềm đam mê cháy bỏng với nhiếp ảnh. Khoảnh khắc trong ảnh của ông đã khơi gợi, nói hộ tiếng lòng của người xem, là nguồn cảm hứng và xoa dịu những vết thương thường nhật của cuộc sống.
Còn NSNA Trịnh Việt Hùng thì khẳng định: Anh Lập đã làm rất tốt sứ mệnh của người nghệ sĩ, tôn vinh mảnh đất con người Thái Nguyên cũng như quê hương đất nước. Góc ảnh của anh rất thật, chụp trên hiện trường không có sự dàn dựng sắp xếp, không chắp ghép và đây là điểm tốt của nhiếp ảnh cổ điển rất cần tôn vinh.