Bộ phim về người khiếm thính “CODA” giành giải Phim hay nhất tại Oscar 2022

16:26, 28/03/2022

Lễ trao giải Oscar 2022 đã tôn vinh "CODA" (Giai điệu con tim) là "Phim hay nhất."

Tác phẩm điện ảnh tình cảm/tâm lý có nội dung xoay quanh một gia đình người khiếm thính, nhân vật trung tâm là con gái Ruby Rossi (Emilia Jones) được sinh ra và có khả năng nghe như người bình thường, từ đó cô trở thành "thông dịch viên" cho bố mẹ mình. "CODA" là phiên bản làm lại từ phim Pháp "La Famille Bélier" (năm 2014). Cái tên "CODA" là viết tắt của "Child of deaf adults," ý chỉ đứa trẻ được nuôi dạy bởi cha mẹ là người khiếm thính.

Chủ đề gia đình chưa bao giờ cũ tại Hollywood, tuy vậy điều khiến "CODA" trở nên đặc biệt khi khai thác những gia đình có khiếm khuyết thường hiếm được đưa lên màn ảnh rộng tại Mỹ một cách nhẹ nhàng, ít bi lụy và đem đến nguồn năng lượng tích cực cho người xem.

Chính vì vậy, phim được kỳ vọng lớn tại giải năm nay. "CODA" là tác phẩm nhận ít đề cử nhất trong 10 tác phẩm trong hạng mục "Phim hay nhất" nhưng lại chiến thắng ở cả 3 đề cử.

* Ngoài ra, giải thưởng năm nay đã vinh danh Nam diễn viên khiếm thính đầu tiên nhận được tượng vàng Oscar.

Troy Kotsur. (Nguồn: Shutterstock)

Đó là nam diễn viên Troy Kotsur, 53 tuổi, bị điếc bẩm sinh và từng có hơn 30 năm cống hiến cho khán thính giả là người khiếm thính. Ông được vinh danh ở hạng mục ''Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất'' cho vai diễn người cha là ngư dân trong phim ''CODA''.

Trước Kotsur, mới chỉ có duy nhất một nghệ sĩ khiếm thính khác từng đoạt Oscar, đó là nữ diễn viên Marlee Matlin - bạn diễn của Kotsur trong phim ''CODA.'' Marlee Matlin từng đoạt giải ''Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất'' cho vai diễn trong bộ phim lãng mạn ''Children of a Lesser God'' (năm 1986).

DANH SÁCH GIẢI OSCAR 2022

Âm thanh xuất sắc nhất: “Dune”

Đề tài phim tài liệu xuất sắc nhất: “The Queen of Basketball”

Phim hoạt hình ngắn hay nhất: “The Windshield Wiper”

Phim ngắn hay nhất: “The Long Goodbye”

Nhạc phim hay nhất: “Dune”

Biên tập xuất sắc nhất: “Dune”

Thiết kế sản xuất xuất sắc nhất: “Dune”

Hóa trang và làm tóc xuất sắc nhất: “The Eyes of Tammy Faye”

Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất: Ariana DeBose

Quay phim xuất sắc nhất: Greig Fraser (“Dune”)

Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất: Paul Lambert, Tristan Myles, Brian Connor và Gerd Nefzer (“Dune”)

Phim hoạt hình xuất sắc nhất: “Encanto”

Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất: Troy Kotsur (“CODA”)

Phim nước ngoài xuất sắc nhất: “Drive My Car” (Nhật Bản) 

Phục trang xuất sắc nhất: Jenny Beavan (“Cruella”)

Kịch bản gốc xuất sắc nhất: Belfast (tác giả kịch bản Kenneth Branagh)

Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất: “CODA” (tác giả chuyển thể Sian Heder) 

Phim tài liệu xuất sắc nhất: “Summer of Soul (…Or, When the Revolution Could Not Be Televised)”

Bài hát phim hay nhất: “No Time To Die” (“No Time To Die”, nhạc và lời Billie Eilish và Finneas O’Connell)

Đạo diễn xuất sắc nhất: Jane Campion (“The Power of the Dog”)

Nam diễn viên chính xuất sắc nhất: Will Smith (“King Richard”)

Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất: Jessica Chastain (“The Eyes of Tammy Faye”)

Phim hay nhất: “CODA”