Đắp vun gốc rễ hạnh phúc gia đình

11:25, 19/03/2022

Gia đình được xem là cái nôi hình thành nhân cách con người, là “tế bào” duy trì sự sống của xã hội. Nhiều “tế bào” tốt thì hình thành một xã hội tốt đẹp. Với tầm quan trọng đó, thời gian qua, ngành Văn hóa đã triển khai hiệu quả phong trào xây dựng “Gia đình văn hoá” (GĐVH), lan tỏa sâu rộng đến từng xóm, tổ dân phố và mỗi gia đình. 

Dù tuổi đã cao nhưng ông bà Chu Văn Minh và Chu Thị Mạc ở tổ dân phố 3, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) vẫn luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho đại gia đình 3 thế hệ. Gia đình ông bà đã 20 năm liên tục được công nhận danh hiệu GĐVH và nhiều năm liên tục được công nhận là GĐVH tiêu biểu cấp huyện, cấp tỉnh. Đặc biệt, năm 2021, gia đình ông bà là một trong 28 hộ được UBND tỉnh tặng Bằng khen GĐVH tiêu biểu giai đoạn 2000-2020.

Bà Mạc chia sẻ: Chúng tôi luôn coi trọng giá trị của gia đình, quan tâm chia sẻ khó khăn, sống chan hòa, yêu thương, cùng nhau xây dựng tổ ấm. Trong mối quan hệ, ứng xử gia đình, chúng tôi và con cháu ở các thế hệ khác nhau nên không thể tránh khỏi tư tưởng, quan điểm về giáo dục, lối sống khác biệt. Song trước những khúc mắc ấy, chúng tôi cùng nhau ngồi lại chia sẻ thẳng thắn để lựa chọn cách giải quyết phù hợp. Trong gia đình, ông bà, cha mẹ phải luôn là tấm gương về lối sống, đạo đức, siêng năng lao động, biết quan tâm thì con cháu cũng sẽ tự giác học và làm theo. Hiện tại, các con tôi đều có công việc ổn định, là đảng viên gương mẫu, chúng tôi nghỉ hưu dành thời gian giúp đỡ các con chăm sóc cháu và tham gia hoạt động ở tổ dân phố, tạo niềm vui tuổi già cho chính mình.

Cùng với nhà bà Mạc, ông bà Chu Quốc Hưng và Nguyễn Thị Hương ở xóm Hoa 1, xã Phấn Mễ (Phú Lương) cũng là một trong những hộ được UBND tỉnh tặng Bằng khen GĐVH tiêu biểu giai đoạn 2000-2022. Gia đình ông Hưng là điển hình trong phát triển kinh tế của địa phương, mỗi năm thu nhập trên 300 triệu đồng từ trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh và nuôi gà, thả cá. Việc nhà nông tuy bận rộn nhưng từ khi các con còn nhỏ, ông bà đều dành thời gian cho gia đình. Bởi, ông bà quan niệm, gia đình là số một, con cái là ưu tiên hàng đầu.

Về bí quyết giữ gìn hạnh phúc, ông Hưng nói: Để có một gia đình hạnh phúc thì mỗi cá nhân phải biết yêu thương và chia sẻ. Là trụ cột gia đình, tôi gánh vác công việc cùng với vợ mình; quan tâm, chia sẻ với vợ từ những vui, buồn cho đến nuôi dạy con và cả việc nhà, duy trì sự đầm ấm trong gia đình. Tôi cho rằng, ông bà, cha mẹ cần mẫu mực làm gương để cho con trẻ noi theo. Bởi những gì hình thành trong gia đình sẽ trở thành hành trang con trẻ mang theo suốt đời...

Không chỉ 2 gia đình kể trên, thời gian qua, phong trào xây dựng GĐVH đã lan tỏa sâu rộng đến từng xóm, tổ dân phố và mỗi gia đình trong toàn tỉnh. Tỷ lệ GĐVH của Thái Nguyên luôn tăng theo thời gian. Cụ thể, đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có gần 328 nghìn hộ được công nhận GĐVH, chiếm 92,53% tổng số hộ, tăng 1,23% so với năm 2020 và tăng 48,5% so với năm 2000.

Để có được kết quả đó, hằng năm, Ban Chỉ đạo phong trào "Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa" các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các gia đình đăng ký danh hiệu, thực hiện các tiêu chí GĐVH. Các cấp, ngành liên quan cũng tích cực phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền và biểu dương những GĐVH tiêu biểu, xây dựng nhiều mô hình về công tác gia đình. Đến nay, toàn tỉnh có 939 câu lạc bộ về gia đình như: Gia đình phát triển bền vững, gia đình hạnh phúc, phòng chống bạo lực gia đình... với hàng chục nghìn thành viên tham gia.

Ông Lê Ngọc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Với vai trò là Cơ quan thường trực, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu giúp Ban Chỉ đạo phong trào "Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa" tỉnh tập trung xây dựng và nhân rộng các gương điển hình, người tốt - việc tốt, mô hình GĐVH tiêu biểu, ông bà, cha mẹ mẫu mực, vợ chồng hòa thuận, anh em đoàn kết, con cháu hiếu thảo... Đồng thời, tiếp tục tăng cường giáo dục, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, gắn kết chặt chẽ với các phong trào xây dựng: Xóm, tổ dân phố văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn đạt chBan Chỉ đạouẩn văn minh đô thị...

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và biểu dương khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng GĐVH, góp phần đưa phong trào ngày càng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng và chất lượng ngày càng cao hơn.