Phải tạo ra một “khí quyển văn chương” thì văn học mới phát triển được

15:18, 01/03/2022

Văn chương cũng giống như nhiều lĩnh vực khác, phải phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, để thu hút càng nhiều người đọc, càng nhiều người viết thì nền văn học mới phát triển.

Một nhà nghiên cứu về văn học đã nhân định, phải tạo ra một “khí quyển văn chương” thì văn học mới phát triển được. Do vậy, cần đa dạng cách thức nuôi dưỡng tình yêu văn chương, phổ biến rộng khắp đến công chúng, nhất là thế hệ trẻ.

Lợi ích lớn khi tác phẩm văn học trở thành chất liệu cho các loại hình văn hóa nghệ thuật

Theo thống kê của Nhà xuất bản (NXB) Trẻ, 100.000 bản sách truyện dài “Mắt biếc” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bán ra trong 3 năm (2017-2019)-thời gian bộ phim chuyển thể cùng tên được khởi quay cho đến khi ra rạp. “Mắt biếc” (NXB Mũi Cà Mau) in lần đầu năm 1990, trải qua hơn 25 năm với số lần tái bản hơn 40 lần mà cũng chỉ bán được khoảng 100.000 bản.

Đưa ra những con số để so sánh, cho thấy nếu tác phẩm văn học trở thành kịch bản văn học, làm chất liệu cho các loại hình văn hóa nghệ thuật thì bản thân văn học sẽ được hưởng lợi ở khía cạnh phổ biến rộng khắp, tiếp cận đông đảo công chúng. Vì vậy, nhiều người cho rằng văn chương phải cảm ơn điện ảnh, âm nhạc, sân khấu, video tiểu phẩm... Cách nhìn này là phiến diện, phải là mối quan hệ hai bên cùng có lợi mới đúng. Chẳng hạn, viết một kịch bản điện ảnh gốc để dựng thành phim không dễ, trở thành phim ăn khách lại càng khó hơn. Song, nhờ chuyển thể từ tác phẩm văn học vốn đã có nội dung câu chuyện hấp dẫn, biên kịch sẽ dễ sáng tạo hơn. Và nếu có chút tiếng tăm như “Mắt biếc” thì bản thân bộ phim chưa ra rạp đã được quan tâm, ngóng chờ. 

Ở các nước có nền công nghiệp văn hóa phát triển, một tác phẩm văn học có giá trị về nghệ thuật hoặc bán chạy, ngay lập tức sẽ được mua bản quyền để chuyển thể. Thậm chí, những truyền thuyết, truyện cổ tích cũng được chuyển thể nhiều lần. Ở nước ta, trong vòng 20 năm trở lại đây, các tác phẩm văn học được chuyển thể chủ yếu trở thành kịch bản phim như: “Truyện Kiều”, “Quyên”, “Cánh đồng bất tận”, “Mùa len trâu”, “Trăng nơi đáy giếng”, “Đảo của dân ngụ cư”, “Số đỏ”, “Chạy án”... Dễ hiểu vì điện ảnh là ngành công nghiệp văn hóa phát triển nhất hiện nay, luôn “đói” các kịch bản chất lượng, hút khách. Song, ngay bản thân điện ảnh cũng chưa khai thác hết “kho vàng” cốt truyện từ các tác phẩm văn học như: “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Văn Ngan tướng công”... (văn học thiếu nhi); “Truyền kỳ mạn lục”, “Nam Ông mộng lục”, “Nam triều công nghiệp diễn chí”, “Hoàng Lê nhất thống chí”, “Bão táp triều Trần”, “Hồ Quý Ly”... (truyện lịch sử). Để dựng những bộ phim lịch sử, phim có nhân vật hư cấu cần có hai yếu tố then chốt là nguồn vốn lớn, công nghệ hiện đại-hai yếu tố điện ảnh Việt Nam còn thiếu. Cho nên “kho vàng” tác phẩm văn học đành ngủ yên chờ ngày đánh thức.

Xã hội trọng văn chương, văn hóa nhất định sẽ kết tinh tác phẩm lớn

Hiện nay, nhờ công nghệ hiện đại, một số sản phẩm giải trí truyền thông sử dụng tác phẩm văn học làm chất liệu, ít tốn kém chi phí đang được một số cá nhân, tổ chức thực hiện khá thành công như: Sách nói, sách điện tử, hài kịch ngắn... Điển hình là nhóm 1977 Vlog đã dựng hài kịch ngắn lấy cốt truyện “Tắt đèn”, “Rừng xà nu”, "Vợ nhặt”, “Vợ chồng A Phủ”, “Chí Phèo”, “Sống mòn”, “Chiếc thuyền ngoài xa”... tạo được tiếng vang lớn. Mỗi video đều có hơn 3 triệu lượt người xem, riêng tiểu phẩm về nhân vật chị Dậu đạt kỷ lục 22 triệu lượt người xem. Đa phần công chúng đều đánh giá cao cách làm này, đáng mừng là nhiều bạn trẻ sau khi xem video hài đã thích văn học, tìm đọc các tác phẩm văn học gốc.  

Ít tốn kém và mang lại hiệu quả vẫn là tiếp cận công chúng qua sách giấy. Các chuyên gia văn hóa đọc đều cho rằng, điều quan trọng là phải tiếp cận công chúng, nhất là thế hệ trẻ bằng các hoạt động khuyến đọc hấp dẫn. Hai môi trường lý tưởng để khuyến đọc được cho là then chốt là gia đình và nhà trường. Các cuộc thống kê văn hóa đọc trên thế giới đều xác nhận: Việc đọc sách nói chung, sách văn học nói riêng phụ thuộc vào truyền thống kế thừa từ thời thơ ấu. Bản thân cha mẹ không đọc sách, không khuyến đọc (ví dụ tặng quà là sách) thì trẻ em không đọc là điều hiển nhiên. Tương tự như vậy, chưa bàn đến phương pháp dạy học, chỉ riêng việc thầy, cô giáo nếu chỉ dạy văn học như một môn học, không trao đổi trò chuyện, khuyến đọc thì học sinh “dị ứng” với văn học là có thể hiểu được.

Chúng tôi rất tâm đắc với ý kiến của PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học, bên lề Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra cuối tháng 11-2021. Ông cho rằng: “Phải tạo ra một “khí quyển văn chương” thì văn học mới phát triển được. Người đọc yêu thích văn chương, tìm đọc văn chương thì mới kích thích nhà văn sáng tạo. Tác phẩm văn chương được yêu thích, được bảo vệ bản quyền, được chuyển thể thì nhà văn càng có cảm hứng sáng tác, có thể sống được bằng nghề. Khi một xã hội trọng văn chương, văn hóa, mới có thể hy vọng kết tinh ra tác phẩm lớn xứng tầm thời đại”.