Hai năm qua, các thành viên của Câu lạc bộ (CLB) hát Then xã Cúc Đường (Võ Nhai) đã duy trì sinh hoạt thường xuyên, đem lời ca, tiếng đàn Tính đến nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa của địa phương. Hoạt động của CLB đã góp phần làm phong phú đời sống văn hóa cộng đồng, khôi phục được nét văn hóa truyền thống của người dân tộc Tày, Nùng ở địa phương.
Đã bước vào tuổi “thất thập” nhưng hằng tháng, bà Hoàng Thị Liên, người dân tộc Tày, ở xóm Trường Sơn, xã Cúc Đường vẫn đều đặn tham gia vào các buổi tập luyện của CLB hát Then của xã cùng 20 thành viên khác. Tương tự như bà Liên, ở Cúc Đường còn có nhiều thành viên CLB, dù cao tuổi song vẫn say mê với làn điệu Then cổ truyền của dân tộc Tày, Nùng. Những buổi sinh hoạt CLB, bà Liên cùng các thành viên dành 3-4 tiếng để học các bài mới, ôn luyện lại các bài hát cho thuần thục hơn.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Liên chia sẻ: Hơn 10 năm trước, khi còn là công chức UBND xã Cúc Đường, có điều kiện đi công tác, giao lưu với một số nơi, tôi rất cảm mến làn điệu Then được trình bày bởi các CLB văn hóa, văn nghệ địa phương nên ấp ủ ý định thành lập CLB ở xã mình. Năm 2018, tôi vận động hơn 10 chị em phụ nữ thành lập CLB hát Then xã Cúc Đường.
Ban đầu, hoạt động của CLB còn nhiều khó khăn, các thành viên chưa ai được đào tạo nên chủ yếu hát theo nhạc có sẵn trên mạng Internet. Dù vậy, với niềm đam mê khôi phục nét văn hóa của cha ông, các chị em đã dầy công tập luyện và được mời tham gia biểu diễn tại nhiều sự kiện lớn của xóm, xã và giao lưu với các xã bạn. Kết quả đó đã khuyến khích các thành viên tham gia nhiệt tình hơn. Có những thời điểm, chị em dành cả tuần liên tục để tập luyện cho những chương trình được mời biểu diễn.
Ông Biên học hỏi và tự tay làm ra cây đàn Tính phục vụ cho hoạt động của CLB và bán cho những người yêu mến văn hóa hát Then.
Không chỉ khuyến khích chị em nhiệt tình tập luyện, CLB còn thu hút thêm một số thành viên mới, tự nguyện tham gia sinh hoạt thường xuyên. Trong số đó, thành viên nam duy nhất là ông Hoàng Thế Biên, 50 tuổi, từ lâu đã tâm huyết với làn điệu Then cổ truyền của dân tộc. Ông Biên đã cất công, bỏ tiền cá nhân đi sang tỉnh Tuyên Quang để xin làm học trò của một nghệ nhân hát Then nổi tiếng. Ông dành nhiều tuần học trực tiếp với nghệ nhân và hằng tháng trời học trực tuyến. Giờ đây ông Biên có thể sử dụng thuần thục cây đàn Tính và thông thạo nhạc lý cơ bản của Then. Từ những kiến thức học hỏi được, ông Biên truyền đạt lại cho các thành viên trong CLB. Giờ đây, địa điểm sinh hoạt của CLB hát Then xã Cúc Đường là căn nhà sàn của ông Biên, rất phù hợp với không gian văn hóa hát Then. Kiên trì như vậy, gần 20 thành viên trong CLB hiện đã thực hành thuần thục với cây đàn Tính và các bài hát Then phổ biến.
Ông Hoàng Thế Biên cho biết: Từ khi còn trẻ tôi đã yêu mến làn điệu Then và ấp ủ ước mơ đến ngày có điều kiện về kinh tế sẽ tìm thầy theo học với mục đích khôi phục một nét văn hóa truyền thống của tổ tiên đã bị mai một. Khi trong xã thành lập CLB hát Then, tôi thấy rất phù hợp nên đã tình nguyện tham gia và giúp các thành viên hoàn thiện kỹ năng sử dụng đàn Tính, hát Then thuần thục hơn.
Với tâm huyết của mình, ông Biên cũng dành thời gian học hỏi một số nghệ nhân và tự tay làm ra cây đàn Tính phục vụ cho hoạt động của CLB và cho những người yêu mến văn hóa Then.
Hiện nay, CLB hát Then xã Cúc Đường duy trì sinh hoạt từ 1-3 buổi mỗi tháng. Tiếng đàn Tính, làn điệu Then theo những thành viên đi khắp các xóm trong xã và nhiều địa phương lân cận. Chị Hoàng Thị Bích Huệ, người dân tộc Tày, giáo viên Trường Tiểu học Cúc Đường và là thành viên CLB, bày tỏ: Học sinh Nhà trường đa phần là con em người dân tộc thiểu số, nhiều nhất là người dân tộc Tày, Nùng nên khi đem làn điệu Then đến trường, tôi nhận được sự hưởng ứng từ các em học sinh. Đó cũng là lý do tôi thêm yêu làn điệu Then truyền thống của dân tộc mình.