Việt Nam là một quốc gia có truyền thống “trọng sách”, tuy nhiên, khi bước vào thời kỳ hội nhập, văn hóa đọc đang đứng trước cả cơ hội và nguy cơ. Cơ hội, là mỗi người đều được tiếp cận với sách qua nhiều hình thức khác nhau, còn nguy cơ chính là sự mai một thói quen đọc trước sự lấn át của các phương tiện nghe nhìn. Trước thực tế ấy, sách cần được ứng xử thế nào để ngày càng khẳng định vị trí, vai trò trong đời sống hiện đại, trở thành nền tảng của một xã hội học tập?
Thăng trầm sự đọc
Việt Nam có văn hóa đọc hay không? Chắc chắn là từng có, bởi từ rất lâu người xưa đã đề cao vai trò của sách khi cho rằng: “Thư trung hữu ngọc” (Trong sách có ngọc), hay “Vạn ban giai hạ phẩm/ Duy hữu độc thư cao” (Mọi việc đều thấp kém, duy chỉ có đọc sách là cao quý). Nhà bác học Lê Quý Đôn có câu: “Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng/ Không bằng kinh sử một vài pho”...
Tiếp nối truyền thống ấy, trong tác phẩm “Văn hóa đọc ở Hà Nội xưa và nay”, nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân cũng khẳng định: “Ở Hà Nội trước đây, các gia đình phần lớn đều có giá sách, tủ sách, dùng chung cho cả nhà. Các nhà giáo, nhà văn, nhà khoa học thường có cả phòng đọc sách riêng đồng thời cũng là phòng làm việc của chủ nhân. Văn hóa đọc trở thành nếp quen cho mọi thành viên trong gia đình. Những sách quý, sách giá trị đều được đóng bìa cứng, gáy vải hoặc gáy da mạ chữ vàng, ngoài tên tác giả, tên sách, còn có tên tủ sách gia đình... Bên trong lại có dấu son “Tủ sách gia đình” rất trang trọng đóng ở trang bìa giả... Tủ sách gia đình các nhà nho có sách chữ Hán, chữ Nôm; gia đình trí thức mới có sách tiếng Pháp xuất bản ở nước ngoài, các loại từ điển. Văn hóa đọc ngày ấy thành nếp quen của người Hà Nội”.
Những năm sau ngày hòa bình lập lại (1954), đời sống còn nhiều khó khăn nhưng hẳn có một thế hệ người Hà Nội không thể nào quên những tháng năm tuổi trẻ của mình gắn bó với những thư viện rợp bóng cây và sự tĩnh lặng trong phòng đọc. Đó là những khoảnh khắc yên bình. Dưới ánh đèn điện tù mù, dòng điện không ổn định của thời bao cấp, bên cái quạt tai voi, từng con chữ in trên trang giấy ngả màu vàng đục, nhỏ xíu nhưng có sức hút lạ kỳ...
Bước vào thời hội nhập, giao thoa giữa nhiều luồng văn hóa, nhiều người lại đặt câu hỏi: Văn hóa đọc đang chịu sức ép thế nào trước quá nhiều sức hấp dẫn từ các loại hình thông tin khác? Đã có những nỗ lực nào để thúc đẩy văn hóa đọc từ góc độ ứng xử với việc đọc?
Nỗ lực của cả cộng đồng
Thực tế, ứng xử với việc đọc được quan tâm và củng cố trên nhiều bình diện, từ cơ quan quản lý đến cộng đồng, cá nhân. Khẳng định rõ vai trò của sách và văn hóa đọc, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhằm thúc đẩy hoạt động xuất bản và văn hóa đọc. Đặc biệt, ngày 24-2-2014, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21-4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ một lần nữa khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển của văn hóa đọc trong đời sống cộng đồng.
Tiếp đó, phải kể đến nỗ lực của các nhà xuất bản trong việc kéo bạn đọc về phía mình. Nhiều ý kiến khẳng định, xuất bản sách, đọc sách, cung ứng sách "thời 4.0” này có quá nhiều thay đổi. Thay đổi “nhẹ” nhất có lẽ là việc các gian hàng sách đã vào siêu thị, vào các trung tâm mua sắm sầm uất để... tìm độc giả. Không chỉ nỗ lực "đi ngược dòng" là tìm đến độc giả, các nhà xuất bản giờ đây ngày càng đổi mới phương thức in ấn, mẫu mã; giấy in sách ngày càng đa dạng hơn với giấy ngà, giấy trơn láng, xốp, dai, đa màu sắc...
Thậm chí, tinh tế hơn, ngày càng nhiều nhà xuất bản chọn in sách bằng giấy mỏng để bạn đọc cầm đỡ nặng tay, bo tròn góc sách thiếu nhi để trẻ không bị xây xước. Những chi tiết như font chữ, giãn dòng, cách đánh số trang và kẹp sách (bookmark) cũng được đầu tư chỉn chu, sáng tạo... Những thay đổi mang tính thiết thực, thể hiện sự trân trọng mang lại cảm xúc cho người đọc. Mùi giấy mới, âm thanh sột soạt khi giở từng trang sách, những ghi chép bên lề hoặc gạch chân những đoạn thú vị là điều khó lòng xảy ra với sách điện tử hoặc phiên bản ebook.
Không chỉ ở phía làm sách, nhiều cá nhân, tổ chức cũng nhận ra “lối nhỏ” dành riêng cho những người có cùng niềm đam mê với mình. Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh thành lập Câu lạc bộ Đọc sách cùng con mà ở đó, sách đóng vai trò là cầu nối, bố mẹ sẽ cùng con đọc sách, trao đổi những điều thú vị khi đọc sách để từ đó xây dựng thói quen đọc sách, học hỏi kỹ năng đọc sách và cùng nhau tháo gỡ những “rào cản” giữa bố mẹ và con cái.
Hay như việc tác giả, diễn giả Nguyễn Quốc Vương viết cuốn sách “Xây dựng tủ sách gia đình” nhằm chỉ ra vai trò, ý nghĩa của việc đọc sách và tủ sách gia đình, cách thức xây dựng, vận hành cũng như phương pháp đọc sách cơ bản một cách khá chi tiết. Anh chia sẻ rằng: “Với tư cách là một người quan tâm, nghiên cứu về giáo dục, một người làm khuyến đọc, tôi muốn mỗi gia đình ở Việt Nam dù giàu có hay nghèo khó đều có không gian, môi trường cho con em mình đọc sách trong chính ngôi nhà thân yêu của mình. Đấy cũng là điều thôi thúc tôi viết cuốn sách nhỏ này... Cho dù cuộc sống mỗi ngày một thêm hối hả, tôi vẫn hy vọng rằng những điều tầm thường tôi viết trong cuốn sách này sẽ giúp các bạn có thêm cảm hứng, động lực để xây dựng tủ sách gia đình, biến gia đình mình thành gia đình đọc sách”.
Quán cà phê sách Tổ Chim Xanh (ngõ 27 Đặng Dung, quận Ba Đình) - một không gian nuôi dưỡng văn hóa đọc.
Ngoài vai trò cầu nối, sách còn là đề tài được nhắc nhiều trong các hội nhóm có chung sở thích sưu tầm sách, sách cũ, sách cổ..., hoặc trở thành quà tặng trong các dịp lễ tết hoặc sự kiện quan trọng. Chưa hết, để mang lại không gian cho những người yêu sách, những cửa hàng “cà phê sách” ra đời. Những cái tên như Nhã Nam Books N’ Coffee, Cafe sách Đông Tây, Tổ Chim Xanh (Bluebirds' Nest), Không gian Văn hóa Đông Tây, Mộc Miên Coffee & Book, Cafe Tùng Book... là minh chứng cho thấy, chỉ bằng việc bổ sung thêm cà phê, wifi cùng ghế sô pha êm ái, việc đọc sách giấy thú vị biết bao...
Chuyển động trong ứng xử với sách và việc đọc sách từ các đối tượng khác nhau là điều không thể phủ nhận. Để văn hóa đọc được củng cố và phát triển bền vững, điều cần là tiếp tục cổ vũ cho những ứng xử tích cực kể trên.
Tạo dựng một nền tảng vững vàng
Sau 8 năm tổ chức, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành sự kiện văn hóa quan trọng, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo bạn đọc cả nước, thực sự trở thành nét đẹp văn hóa và có sức lan tỏa trong cộng đồng.
Từ Quyết định số 284/QĐ-TTg, văn hóa đọc phát triển lên một tầm cao mới, “khơi dậy và phát triển mạnh mẽ phong trào đọc sách trong mọi tầng lớp nhân dân, hình thành thói quen đọc sách của từng cá nhân; tạo dựng nét đẹp văn hóa trong cộng đồng, góp phần thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết đại hội XIII của Đảng” như lời ông Hoàng Vĩnh Bảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh tại Lễ phát động phong trào đọc sách hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022.
Câu chuyện phát triển văn hóa đọc được nhắc nhiều và ai cũng hiểu rằng, muốn làm tốt công tác khuyến đọc thì cần phải hướng việc đọc sách trở thành một thói quen không thể thiếu, một nhu cầu tự thân của mỗi người.
Nhưng quan trọng nhất, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Tình - Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, vẫn là khuyến khích lòng ham đọc sách và xây dựng một cộng đồng, một môi trường để nuôi mầm “ham đọc sách” phát triển. Ông nhấn mạnh: “Bên cạnh những nỗ lực của các cơ quan quản lý trong việc khuyến khích việc đọc sách, phụ huynh phải có ý thức về việc đọc sách và trao truyền ý thức đó cho con trẻ, cùng nhau chia sẻ sách giữa bố mẹ và con cái, dành thời gian để cho con đọc sách. Nhà trường cũng cần tập cho học sinh có được thói quen đọc sách, hướng dẫn các em lựa chọn sách, cách đọc sách. Có một môi trường tốt, mới có những “mầm tốt” phát triển”.
Văn hóa đọc được tạo dựng bởi nhiều yếu tố, nhưng đầu tiên và nòng cốt chính là thái độ và cách ứng xử với việc đọc. Mỗi một ứng xử tích cực trong lĩnh vực này từ cơ quan quản lý, cộng đồng, gia đình đến cá nhân yêu sách sẽ góp phần tạo dựng một nền tảng đọc vững vàng trong dòng chảy văn hóa Việt Nam.