“Năm anh em trên một chiếc xe tăng/ Như năm bông hoa nở cùng một cội/ Như năm ngón tay trên một bàn tay/ Đã xung trận cả năm người như một...”. Đó là một bài hát ra đời bởi sự kết hợp sáng tạo tuyệt vời giữa âm nhạc và thơ ca, cơ duyên từ bài thơ đăng trên báo về người lính xe tăng.
Nhà thơ Hữu Thỉnh vốn là lính xe tăng, là cán bộ tuyên huấn Binh chủng Tăng - Thiết giáp. Năm 1970, ông nhận nhiệm vụ thâm nhập thực tế chiến dịch Đường 9 - Nam Lào để viết bài, đưa tin. Dịp đó, nhà báo quân đội Hữu Thỉnh đã sáng tác bài thơ “Trên một chiếc xe tăng” với bút danh Vũ Hữu, đăng báo Nhân Dân năm 1971. Vốn ấp ủ viết về người lính xe tăng, nhạc sĩ Doãn Nho đọc bài thơ “Trên một chiếc xe tăng” trên báo Nhân Dân như gặp được “tri âm tri kỷ” dù ông không biết tác giả bài thơ. Ngay lập tức ông viết nhạc và được Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị gấp rút dàn dựng, thu thanh.
Truyền thống đoàn kết, quyết thắng của quân đội nói chung và bộ đội Tăng thiết giáp nói riêng được thể hiện qua giai điệu, lời ca hào hùng: “Năm anh em mang năm cái tên/ Đã lên xe không còn tên riêng nữa/ Trên tháp pháo một ngôi sao màu lửa/ Năm quả tim chung nhịp đập rộn ràng”... “Năm anh em mỗi đứa một quê/ Đã lên xe là cùng một hướng/ Nổ máy lên là một dạ xung phong/ Trước quân thù chỉ biết có tiến công”...
Là ca khúc truyền thống của Binh chủng Tăng - Thiết giáp, “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” còn được đông đảo người yêu nhạc ngoài quân đội yêu thích bởi nội dung đề cao tình đồng đội, tinh thần đoàn kết làm nên chiến thắng: “Một ý chí bay ra đầu ngọn súng/ Một niềm tin quyết thắng trong trận này”.
Nhà thơ Hữu Thỉnh và nhạc sĩ Doãn Nho đều là văn nghệ sĩ trưởng thành trong quân đội, cùng được trao tặng Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật và nhiều giải thưởng khác. Về sự ra đời ca khúc này, đúng là cơ duyên đi viết báo mà Hữu Thỉnh sáng tác nên bài thơ, và nhờ cơ duyên đọc báo mà Doãn Nho sáng tạo nên “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” - tác phẩm bất hủ dành tặng đông đảo quần chúng yêu âm nhạc.