Ngăn chặn bạo lực gia đình: Cộng đồng trách nhiệm

07:35, 30/06/2022

Thời gian qua, công tác phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) luôn được các cấp, các ngành liên quan trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Qua đó từng bước xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, góp phần thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Mỗi tháng 1 lần, các thành viên của Câu lạc bộ (CLB) Cha mẹ xóm Phú Sơn, xã Bình Sơn (TP. Sông Công), đều sắp xếp công việc để tham gia các buổi sinh hoạt chuyên đề do CLB tổ chức.

CLB hiện có 20 thành viên, gồm không chỉ có những người vợ mà nhiều người chồng cùng tham gia sinh hoạt với các chủ đề khác nhau như: Kỹ năng phòng, chống BLGD; ứng xử giữa các thành viên; nuôi dạy con; phát triển kinh tế gia đình…

Tham gia CLB còn có đại diện Hội Phụ nữ, Công an, cán bộ y tế, văn hóa, lao động của xã, để cùng tìm hiểu các kiến thức về pháp luật, cách ứng xử trong gia đình, những vụ việc liên quan đến BLGĐ, cùng chỉ ra hành vi vi phạm pháp luật, đưa ra hướng giải quyết…

Anh Nguyễn Văn Chỉnh, xóm Phú Sơn, một thành viên của CLB, cho biết: Việc xây dựng các mô hình phòng, chống BLGĐ ngay tại địa phương là rất thiết thực, giúp nâng cao nhận thức cho chúng tôi về chăm lo gia đình, chuyển đổi hành vi về phòng, chống BLGĐ, xây dựng lối sống lành mạnh, cùng vun đắp hạnh phúc, dạy con ngoan.

Với cách sinh hoạt thiết thực, gần gũi, sau 5 năm hoạt động, CLB không chỉ thành công trong công tác tuyên truyền, vận động các thành viên tích cực tham gia phong trào Xây dựng gia đình văn hoá mà còn giúp các gia đình kết nối yêu thương, chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con cháu, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ, xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững.

Toàn tỉnh hiện có 2.238 mô hình, CLB, nhóm hoạt động trong lĩnh vực gia đình. Các mô hình này đang hoạt động tốt, hướng đến mục tiêu bình đẳng giới, phòng chống BLGĐ, thực hiện tốt công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, đặc biệt là bảo vệ trẻ em, phụ nữ, những người yếu thế trong gia đình và xã hội.

Bà Trần Thị Nhiện, Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), chia sẻ: Qua nghiên cứu của chúng tôi, nguyên nhân chính dẫn đến BLGĐ là do người gây ra BLGĐ còn cho rằng đó là chuyện riêng của gia đình, không liên quan đến ai và cũng không ai có quyền can thiệp. Trong khi đó, đa số nạn nhân của BLGĐ thường cam chịu, không trình báo với cơ quan chức năng. Từ đó khiến hành vi BLGĐ có cơ hội tiếp diễn, âm thầm trong nhiều gia đình.

Và những con số thống kê của cơ quan chức năng cũng chưa thể phản ánh đủ số vụ BLGĐ. Do đó, muốn đẩy lùi hành vi BLGĐ, điều quan trọng nhất là công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống BLGĐ phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và phải đến được với các đối tượng xã hội có hành vi BLGĐ, người bị BLGĐ một cách rộng rãi, toàn diện.

Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống BLGĐ, trong đó có việc duy trì và nhân rộng các mô hình, CLB, nhóm phòng, chống BLGĐ.

Hầu hết địa phương trên địa bàn tỉnh đã có CLB phòng, chống BLGĐ, thu hút hàng chục nghìn thành viên tham gia.

Từ năm 2011 đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức được 20 lớp tập huấn về công tác gia đình; phòng, chống BLGĐ cho gần 5.000 lượt người…

Cùng với đó, Sở cũng phối hợp tốt với các cơ quan liên quan là thành viên Ban Chỉ đạo Công tác gia đình tỉnh phối hợp tổ chức được hàng nghìn buổi tuyên truyền tại cộng đồng về Luật Phòng, chống BLGĐ, với hàng triệu lượt người tham gia.

Các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo đã tổ chức được hàng trăm lớp tập huấn về kỹ năng tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, kiến thức về phòng, chống BLGĐ, bình đẳng giới cho hàng nghìn lượt người. Điển hình là các hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan về phòng, chống BLGĐ; các hội thảo, hội thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống BLGĐ…

Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật kể trên đã từng bước nâng cao được nhận thức, ý thức của người dân. Nhờ đó, số vụ việc BLGĐ đã có chiều hướng giảm dần. Nếu như năm 2016, trên toàn tỉnh xảy ra 188 vụ thì đến cuối năm 2021 giảm xuống còn 44 vụ. Trong đó, bạo lực về tinh thần giảm từ 75 vụ năm 2016 xuống còn 16 vụ; bạo lực về thân thể giảm từ 77 vụ năm 2016 xuống còn 29 vụ…