Hiện nay, độc giả được các cơ quan báo chí phục vụ rất chu đáo khi thông tin nhanh nhạy, phong phú, đa dạng, nhưng ít trường hợp phải trả tiền mua báo in, đọc báo mạng cho các cơ quan báo chí sở hữu nguồn tin. Nguồn tiền bạn đọc báo lại trả cho các nhà mạng và đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan, không được chi trả lại cho các tòa soạn. Báo chí hiện nay không còn là kênh cung cấp thông tin duy nhất mà “thị phần” bị chia sẻ bởi sự phát triển bùng nổ của mạng xã hội, dẫn đến nguồn thu từ quảng cáo, bán sản phẩm báo chí giảm sút tới quá nửa so với 5-7 năm trước...
Thời kỳ báo in thịnh vượng, khi muốn có thông tin và giải trí thông qua văn hóa đọc, người dân sẵn sàng bỏ tiền mua các tờ báo theo nhu cầu, sở thích. Từ đó, các tờ báo như: Thanh niên, Tuổi trẻ, Lao động, Tiền phong và một số ấn phẩm báo chí của ngành Công an phát hành tới hàng chục vạn bản mỗi kỳ. Chính vì tia-ra lớn nên các tòa soạn uy tín thu được nguồn kinh phí rất lớn từ bán báo.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, tổ chức, cá nhân có nhu cầu quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, cung cấp thông tin… cũng đều chọn cơ quan báo chí để ký hợp đồng, nộp phí theo hình thức quảng cáo. Do vậy, các tờ báo lớn không chỉ đủ nguồn thu để chi trả lương, nhuận bút, đầu tư phát triển tòa soạn mà còn hỗ trợ lại nguồn kinh phí cho cơ quan chủ quản; tích cực đóng góp cho các hoạt động an sinh xã hội.
Nhưng những năm gần đây, phần lớn các tòa soạn đều lâm vào hoàn cảnh khó khăn khi nguồn thu từ bán báo, quảng cáo giảm sút nghiêm trọng. Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ: Qua các đồng nghiệp, tôi được biết một số tòa soạn không được cấp ngân sách, hoạt động phụ thuộc vào nguồn thu từ quảng cáo, bán báo hiện nay đang bị nợ lương, nợ nhuận bút đối với cán bộ, phóng viên.
Để theo kịp với xu thế, các cơ quan báo chí trong nước đều đầu tư mạnh cho báo điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để cung cấp thông tin, các sản phẩm báo chí tới bạn đọc. Cái được lớn nhất của việc làm này là thông tin được cơ quan báo chí đăng tải, quảng bá nhanh chóng tới mọi nơi, mọi tầng lớp nhân dân theo từng giây, từng phút nên ai có nhu cầu đều được phục vụ chu đáo. Mỗi người khi có máy tính, điện thoại thông minh kết nối mạng là thả sức đọc báo, xem truyền hình và các nội dung giải trí khác mà chỉ cần mua gói cước vài chục nghìn đồng của các nhà mạng.
Tại một hội thảo mới đây do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức để giải bài toán nguồn thu cho các cơ quan báo chí, phần lớn đại diện các tòa soạn đều thông tin về tình hình ảm đạm của bức tranh kinh tế báo chí hiện nay. Nhất là từ thời điểm bùng phát dịch COVID-19, nhiều tòa soạn phải cắt giảm thu nhập, khoán nhuận bút cho cán bộ, phóng viên theo tháng. Điều này tác động tiêu cực tới chất lượng báo chí và tâm tư, tình cảm, thậm chí cả đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận người làm báo.
Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) Lưu Đình Phúc nhận định: Các tòa soạn khi không cân đối được nguồn thu, chi, không kết dư được nguồn lực cho đầu tư phát triển đồng nghĩa với việc sa sút về nội dung, giảm sự ảnh hưởng của kênh tuyên truyền chính thống. Do vậy, vấn đề nguồn thu của các cơ quan báo chí phải được giải quyết trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành và vai trò, giá trị của báo chí mang lại cho đời sống xã hội hiện nay.
Bên cạnh yêu cầu các cơ quan báo chí cần nâng cao chất lượng thông tin, nâng cấp hình thức truyền tải; tích cực tham gia phát huy các kỹ năng truyền thông để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ tuyên truyền, định hướng dư luận và các nhiệm vụ khác thì vấn đề kinh tế báo chí phải rõ ràng, minh bạch từ quy định của pháp luật cho tới nhận thức, thói quen của mọi tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng thông tin, sản phẩm báo chí.
Qua các diễn đàn và lấy phiếu ý kiến của các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức hội, đoàn thể, đại diện các cơ quan báo chí đều kiến nghị các cơ quan chủ quản có chính sách mua gói tuyên truyền với những tác phẩm báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị theo định mức sát với nhu cầu thị trường, đời sống hiện nay. Cùng với đó là đề nghị các cơ quan chức năng hoàn thiện hệ thống pháp lý để buộc các nhà cung cấp dịch vụ di động, Internet, các công ty kinh doanh phim, âm nhạc… có sử dụng tác phẩm báo chí trong quá trình hoạt động phải trả phí cho cơ quan báo chí.
Ý tưởng về việc các nhà mạng, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có sử dụng tác phẩm báo chí phải trả phí đã được đưa ra, thậm chí là gay gắt trong nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện được bài bản do vấn đề chế tài và lực lượng chức năng chưa đủ mạnh để giải quyết.
Luật Báo chí năm 2016 đã xác định rõ nguồn thu của các cơ quan báo chí bao gồm: Nguồn thu do cơ quan chủ quản báo chí cấp; thu từ bán báo, bán quyền xem các sản phẩm báo chí, quảng cáo, trao đổi, mua bán bản quyền nội dung; thu từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ của cơ quan báo chí, các đơn vị trực thuộc cơ quan báo chí; nguồn thu từ tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước. |