Theo TTXVN, tại bang Sachsen Anhalt (Đức), hai nhà khoa học, khảo cổ học là Tiến sĩ Dominique Gorlitz và Tiến sĩ Kai Helge Wirth đã tổ chức buổi họp báo về triển lãm “Đĩa bầu trời” nhằm mang đến cho công chúng thêm nhiều thông tin về “Đĩa bầu trời”, một phát hiện quan trọng, không chỉ đối với ngành khảo cổ học, mà còn đối với thiên văn học và lịch sử của các tôn giáo. Một trong những điểm nổi bật là trống đồng Đông Sơn của Việt Nam được giới thiệu tại triển lãm “Đĩa bầu trời”.
Theo đó, trống đồng Đông Sơn đã được các nhà khảo cổ Đức đánh giá là có lưu trữ những thông tin quan trọng, mang nhiều nét tương đồng với những “Đĩa bầu trời”, trong đó có “Đĩa bầu trời Nebra”, là một biểu đồ sao thời tiền sử được tạo ra ở Đức vào khoảng năm 1670 trước Công nguyên. Công trình này minh họa nhiều khía cạnh quan trọng của Mặt trời, Mặt trăng và các vì sao.
Cho đến nay, Việt Nam đã tìm thấy khoảng hơn 500 chiếc trống đồng Đông Sơn trên khắp mọi miền đất nước và đang được trưng bày tại nhiều bảo tàng. Trống đồng Đông Sơn là một bức tranh lịch sử sống động, cho thấy đời sống văn hóa, tín ngưỡng, sinh hoạt nông nghiệp và nghệ thuật đúc đồng tinh xảo của người Việt cổ. Những họa tiết đặc trưng của trống đồng là Mặt trời, nhà sàn, chim (phượng hoàng), người nông dân làm ruộng, chăn nuôi gia súc, săn bắn, đánh cá, nhảy múa…
Một phát hiện thú vị nữa của các nhà khoa học là trên mặt trống đồng còn thể hiện lịch của người Việt cổ, trong đó điển hình là ngôi sao 12 cánh tương ứng với 12 tháng trong năm. Trống đồng Đông Sơn cho đến nay vẫn là đề tài hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, khảo cổ học trong nước và quốc tế.