Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) vừa công bố các kỷ lục không thể thay thế và không bị phá vỡ của đất nước và con người Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, góp phần tôn vinh các giá trị độc đáo đến du khách thập phương.
Theo thông tin từ Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vừa công bố thì Quốc Tử Giám (Hà Nội) - trường đại học đầu tiên của Việt Nam đã vinh dự vào Top 10 kỷ lục bất biến mang yếu tố "đầu tiên" của Việt Nam.
Được biết, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong những cái nôi của sự phát triển nền giáo dục nước ta. Văn Miếu được vua Lý Thánh Tông xây dựng vào năm 1070 để thờ các bậc tiên thánh, tiên sư đạo Nho và cho Thái tử Lý Càn Đức (sau này ông lên ngôi và lấy niên hiệu là Lý Nhân Tông) đến học.
Tới năm 1076, Văn Miếu còn có thêm Quốc Tử Giám dạy học cho con của các quan lại trong triều. Trải qua nhiều đời, nơi đây còn mở rộng số lượng học sinh, thu nhận con cái nhà thường dân có tài đến học. Năm 1762, đây chính là nơi đào tạo giáo dục cao cấp của triều đình.
Hiện Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xem là ngôi trường đại học đầu tiên của Việt Nam và hiện nay đã trở thành quần thể di tích nổi tiếng tại Hà Nội.
Cùng lọt vào Top 10 kỷ lục bất biến mang yếu tố "đầu tiên" của Việt Nam còn có Nhà máy thủy điện Ankroet (Lâm Đồng) - nhà máy thủy điện đầu tiên ở Việt Nam cùng với đó là bộ phim hoạt hình đầu tiên của Việt Nam Đáng đời thằng Cáo và Nhà hát quốc gia đầu tiên của Việt Nam có tên gọi Duyệt Thị Đường ở Thừa Thiên - Huế.
Nhà máy thủy điện Ankroet do người Pháp thiết kế, xây dựng. VIETKINGS
Nằm sâu trong thung lũng Đankia - Suối Vàng, thuộc vùng rừng núi ở huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), nhà máy thủy điện Ankroet do người Pháp thiết kế, xây dựng để phát điện rồi hòa điện với nhà máy điện Diesel Đà Lạt, chủ yếu cấp điện cho TP.Đà Lạt, nơi được ví là Paris thứ hai của người Pháp ở Việt Nam lúc bấy giờ. Đến nay, các tổ máy đã được cải tạo, nâng công suất và tiếp tục phát, cấp điện cho TP.Đà Lạt, trở thành nhà máy thủy điện đầu tiên ở Việt Nam.
Theo tư liệu từ công ty TNHH MTV Hãng phim hoạt hình Việt Nam thì bộ phim đầu tiên của ngành hoạt hình Việt Nam là một xuất bản phẩm thuộc thể loại đồ họa với nhan đề Đáng đời thằng Cáo. Vào năm 1959, nhóm họa sĩ gồm: Lê Minh Hiền, Trương Qua, Hồ đã bắt tay thực hiện bộ phim hoạt hình đầu tiên của Điện ảnh cách mạng Việt Nam. Phim được chuyển thể từ câu chuyện Con cáo và tổ ong, có độ dài 10 phút. Bộ phim này xoay quanh tình bạn gắn bó của hai nhân vật chính là Gấu và Gà.
Còn Duyệt Thị Đường là nhà hát cung đình nằm trong Tử Cấm Thành (Hoàng thành, Kinh thành Huế) được xây năm 1826 dưới thời vua Minh Mạng và là Nhà hát cổ nhất của Việt Nam còn lại cho đến hôm nay.
Duyệt Thị Đường là nhà hát cung đình nằm trong Tử Cấm Thành (Hoàng thành, Kinh thành Huế) được xây năm 1826.