Quân đội nhân dân Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng thành lập, giáo dục và rèn luyện, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, đã lập nên những chiến công hiển hách trong suốt chiều dài hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, thống nhất Tổ quốc và bảo vệ chủ quyền đất nước, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, “khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Trải qua vô vàn thử thách chiến tranh khốc liệt, đã dần hình thành và phát triển các phẩm chất cao đẹp của những quân nhân cách mạng và nhân dân ta ở khắp mọi miền đất nước đã gọi họ đầy trìu mến, thân thương là “Bộ đội Cụ Hồ”. Danh hiệu cao quý đó đã trở thành một giá trị văn hóa quân sự Việt Nam, một giá trị văn hóa Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Để nhìn nhận một cách rõ nét hơn về các phẩm chất của “Bộ đội Cụ Hồ”, sự hình thành và phát triển nhân cách của những chiến sĩ lực lượng vũ trang cách mạng, chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do, thống nhất của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân, nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân vừa xuất bản cuốn sách Chăm lo bồi đắp, phát triển kiểu mẫu nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” của Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Dũng.
Cuốn sách dày gần 350 trang, là tập hợp các bài báo, tiểu luận nghiên cứu được tuyển chọn trong ba năm qua, bao gồm ba phần nội dung chính: Đảng với quân đội-Những tấm gương sáng ngời nhân cách văn hóa; “Bộ đội Cụ Hồ”-Một giá trị độc đáo của văn hóa Việt Nam và Phát huy sức mạnh tổng hợp, tiếp tục xây dựng, phát triển kiểu mẫu nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.
Tập hợp theo những chủ đề nêu trên, các bài viết trong cuốn sách đã góp phần giúp bạn đọc có thể hiểu được nguồn gốc sâu xa của việc hình thành và phát triển những đặc điểm nhân cách chung cao đẹp của người chiến sĩ trong đội quân cách mạng “Bộ đội Cụ Hồ”.
Đó là Đảng lãnh đạo, là sự sáng lập, rèn luyện, giáo dục quân đội của Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo những quan điểm tư tưởng của Người về giáo dục trong lĩnh vực quân sự. Bên cạnh đó, tác giả cũng có các bài viết đánh giá sâu sắc về sức lan tỏa và ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống quân đội của những tấm gương sáng ngời các giá trị văn hóa và nhân văn cao đẹp như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tướng Nguyễn Sơn, cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Trung tướng Phạm Hồng Cư...
Cuốn sách đã làm rõ các yếu tố lịch sử, xã hội, văn hóa đã góp phần hình thành nên nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ”, một giá trị độc đáo của văn hóa quân sự và văn hóa Việt Nam nói chung, gắn với lịch sử nghìn năm của dân tộc, đồng thời phân tích các phẩm chất căn cốt, các giá trị văn hóa cao quý của “Bộ đội Cụ Hồ”. Từ những nội dung đặt vấn đề ở đầu, tác giả đã tập trung vào những luận điểm về giáo dục chuẩn mực và phát huy các phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới. Thực tiễn cho thấy, sự ra đời, phát triển nhân cách của người lính cách mạng luôn là kết quả của quá trình tuyên truyền, giáo dục, rèn luyện, tự rèn luyện.
Để có thể tác động vào cán bộ, chiến sĩ, giúp họ tự xây dựng, nuôi dưỡng, rèn luyện và tô thắm nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ”, nhất là trước những thử thách trong thời kỳ mới, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, cần phải biết khai thác, phối hợp và phát huy cao nhất, hiệu quả nhất sức mạnh tổng hợp của công tác Đảng, công tác chính trị, tư tưởng, văn hóa, giáo dục, đào tạo, văn học, nghệ thuật...
Là nhà nghiên cứu lý luận, nhưng cũng là người có nhiều năm công tác trong lĩnh vực văn hóa, tư tưởng của quân đội, Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Dũng từng có nhiều tác phẩm về lực lượng vũ trang cách mạng. Cuốn sách nêu trên tiếp tục là sự bổ sung quan trọng chuyên sâu cả về lý luận và thực tiễn trong nghiên cứu về nhân cách và những phẩm chất của “Bộ đội Cụ Hồ” qua các thời kỳ.