Tập truyện ngắn “Hỗn kỳ đài” của nhà văn trẻ Tống Phước Bảo vừa ra mắt bạn đọc “là một thoáng bất giác nhìn Sài Gòn”. Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh trong truyện của Tống Phước Bảo “hổng có gì hết trơn, chỉ có cái tình mà ôm trọn con người ta vào lòng, dung dưỡng con người ta trọn vẹn cuộc đời trên mảnh đất này”. “Hỗn kỳ đài” là nối dài của nhân nghĩa yêu thương mang dấu ấn Sài Gòn, dấu ấn Nam Bộ.
Kết thúc tập truyện là “Hỗn kỳ đài” - cũng là truyện lấy làm tên của cuốn sách. Một cái “chốt hạ” nhiều ý nghĩa về nhân tình, về ứng xử giữa những “oan gia”, “hận tình”, cuộc đời - số phận như những quân cờ và Sài Gòn là một bàn cờ nhân gian...
Các nhân vật trong truyện đều không có tên, thời gian cũng vô định. Mượn những nước cờ trên bàn cờ tướng, có nước cờ đơn giản hanh thông, như một sự bình yên phẳng lặng. Có nước cờ bí hiểm trúc trắc sâu sắc như lòng người khó lường. Có nước cờ liều lĩnh mạnh mẽ dám chơi dám chịu như một sự dũng cảm đối diện sự thật. Có nước cờ dùng dằng cho cảm giác lưỡng lự giữa xấu - tốt. Có nước cờ “hỗn” bất chấp quy tắc, như một cách phá vỡ những quy luật, những mặc định... Chỉ sau cùng, mong mọi sự an lành, người với người bình an mà sống bên nhau.
Câu chuyện “Cuộc gặp” mở đầu tập truyện khá kỳ lạ, hơi một chút kỳ ảo, đan xen giữa hiện thực với viễn cảnh, đan xen chuyện hôm nay với tương lai về một tình yêu trắc trở, về sự thật đằng sau một công trình “thế kỷ” của thành phố, là “cuộc gặp” do định mệnh sắp đặt...
Còn “Thiềng Liềng ơi!” là một câu chuyện xúc động đến lặng người. Cái vùng đất đảo duyên hải cách trung tâm quận 1 chưa đầy trăm cây số mà sao nghe xa ngái, xa lắc lơ đến xa lạ. Viết về những cựu chiến binh kháng chiến chống Mỹ, rồi chiến trường K, “Mấy cha già ở xóm La Cà” nghe thì rất hài hước trong cách diễn đạt câu chữ nhưng ẩn trong đó là câu chuyện nghĩa tình, từ tình bạn đến tình đồng đội đồng chí, rồi tình bà con chòm xóm, tình đồng bào miền Trung, miền Bắc. Tình với người sống, tình với người đã hy sinh...
Trong tập truyện “Hỗn kỳ đài”, tác giả dành chỗ để trang trọng kể câu chuyện "những tháng Covid” ở thành phố Hồ Chí Minh với các góc nhìn khác nhau. Phảng phất trong đó những bi thương khốc liệt nhưng le lói nguồn sáng lạc quan, niềm tin. “Mùa thương xanh phố”, “Từ trong bình yên”, “Xóm mắc kẹt”, “Mùa đắm trăng son”... là cả một trời thương của Sài Gòn với chất hào hiệp, hào phóng, hào sảng, chân tình, mộc mạc, bao dung.
“Hỗn kỳ đài” có những câu chuyện tình yêu nhẹ nhàng nhưng khuấy động thổn thức người đọc. Như “Bên rào Khiết Bông”, như “Gặp Sài Gòn ở ngõ Tạm Thương” hay câu chuyện tình trong “Cánh cửa họa mi”...
“Hỗn kỳ đài”, lối viết “nhẹ hều” như câu chuyện thường ngày bên mâm cơm tối, bên ly cà phê sáng nhưng thấm đẫm không khí Nam Bộ. Truyện của Tống Phước Bảo thường gợi cho người đọc cảm xúc đẹp, đậm chất nhân văn, để không thể ghét ai, để thấy yêu thương hơn con người, yêu thương hơn cuộc đời, có niềm tin vào những điều tốt lành, bình an.
Tập truyện do NXB Hội Nhà văn và TymBooks liên kết xuất bản.