Từ nguồn hỗ trợ sáng tạo đã có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng cao

05:01, 05/08/2022

Việc Chính phủ tiếp tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao đã động viên, khích lệ lớn đối với hội viên, nhà báo. Từ nguồn hỗ trợ sáng tạo, nhiều tác phẩm báo chí đã đoạt Giải báo chí quốc gia, các giải báo chí địa phương và bộ, ngành, đoàn thể.

Ngày 5/8, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị tổng kết công tác hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao giai đoạn 2016-2020, triển khai chương trình hỗ trợ giai đoạn 2021-2025. Đại diện Hội Nhà báo 19 tỉnh miền trung-Tây Nguyên tham dự.

Ngày 25/4/2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 650/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án “Tiếp tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2016-2020”.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh, công tác hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao đã tạo được sự đồng thuận, gắn kết thi đua trong báo giới, tạo nên những tác phẩm có chiều sâu, phản ánh đậm nét mọi mặt của đời sống xã hội. Nhiều bài viết giàu tính chiến đấu, tính giáo dục, định hướng tư tưởng chính trị cao, góp phần ổn định và phát triển xã hội. Từ nguồn hỗ trợ sáng tạo, nhiều tác phẩm báo chí đã đoạt Giải báo chí quốc gia, các giải báo chí địa phương và giải báo chí của bộ, ngành, đoàn thể.

Giai đoạn 2016-2020, kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao đối với Hội Nhà báo các địa phương theo kế hoạch là 6.925 triệu đồng/năm, tổng 5 năm là 34.625 triệu đồng.

Thực tế giai đoạn 2016-2020, 63 Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố nhận được 31.163 triệu đồng (do năm 2016, ngân sách cấp 50% kinh phí là 3.463 triệu đồng/năm; các năm còn lại nhận 6.925 triệu đồng/năm). Qua đó, đã hỗ trợ cho 4.650 lượt tác giả là hội viên ở các địa phương, thu được 8.650 tác phẩm báo chí chất lượng cao; tổ chức 330 lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ báo chí cho các hội viên, nhà báo.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, Đề án thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sắc của Đảng, Chính phủ đối với sự nghiệp đổi mới báo chí cả nước nói chung và hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao của các cấp Hội. Báo chí cả nước đã có thêm nguồn lực mới, động lực mới và đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp, tạo diện mạo mới cho nền báo chí nước ta trong thời kì hội nhập đổi mới, phát triển. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn một số hạn chế, vướng mắc, như nguồn hỗ trợ thấp, chưa theo kịp quy mô phát triển của đội ngũ hội viên, nhà báo; công tác hỗ trợ chưa được triển khai đồng bộ giữa Trung ương và địa phương, chưa có sự thống nhất trong cả nước; công tác hỗ trợ mới tập trung vào nguồn sáng tạo (chất xám) hiện có, chưa chú trọng khâu bồi dưỡng các tài năng trẻ…

Bước sang giai đoạn mới, ngày 8/4/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 558/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2021-2025”.

Chương trình tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ báo chí với nguồn kinh phí lớn hơn, tập trung vào việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, định hướng tuyên truyền, khai thác các mảng đề tài quan trọng, như đề tài về Đảng, Bác Hồ; về các ngày kỷ niệm lớn của dân tộc tại địa phương; công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đề tài về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn…