Trong chuyến công tác các tỉnh vùng núi phía Bắc mùa hè năm 1969, nhạc sĩ Phạm Tuyên hết sức xúc động trước tình cảm biết ơn chân thành đối với Bác Hồ của đồng bào các dân tộc ở “Thủ đô gió ngàn”, căn cứ địa cách mạng năm xưa. Cảm xúc trào dâng, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã sáng tác “Việt Bắc nhớ Bác Hồ”.
Ca khúc vang lên đúng vào dịp chuẩn bị kỷ niệm 24 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Khu tự trị Việt Bắc ngày ấy thường xuyên vang lên lời ca tha thiết: “Rừng dẫu bao cây chẳng bằng công đức của Người/ Gửi về Thủ đô bao tình nghĩa/ Ta theo Bác vượt qua thác ghềnh gian nan/ Điệu nhạc then vẫn trong lòng rộn vang”... Ca khúc phảng phất âm hưởng điệu dân ca “Nàng ới” của người Tày, Nùng, gần gũi và đi vào lòng người một cách tự nhiên.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên từng tâm sự: "Viết về Bác Hồ, tôi không viết theo lối ngợi ca một vị lãnh tụ cao siêu, cách xa vời vợi đối với dân chúng, mà muốn nói lên những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc Việt Nam đã được kết tinh ở Bác, một con người thật bình dị mà mọi người dân từ trẻ tới già ai cũng muốn gần gũi: “Việt Bắc quê ta tự hào theo bước Bác Hồ/ Người truyền cho ta mối tình lớn/ Khi một sớm mùa thu tiếng Người ấm núi rừng/ Trẻ già trông bóng áo chàm Người đi”... Nhà thơ Nông Quốc Chấn xem “Việt Bắc nhớ Bác Hồ” là bản “Việt Bắc ca”. Ông đã chuyển ngữ ca khúc sang tiếng Tày, được đồng bào các dân tộc truyền nhau say sưa hát.
Trong 5 ca khúc của Phạm Tuyên viết về Bác Hồ: “Từ Làng Sen”, “Việt Bắc nhớ Bác Hồ”, “Suối Lê Nin”, “Như có Bác trong ngày đại thắng”, “Ngày thống nhất Bác đi thăm” thì “Việt Bắc nhớ Bác Hồ” và “Suối Lê Nin” gần gũi và được đông đảo đồng bào các dân tộc Việt Bắc yêu thích nhất.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên sinh năm 1930, quê huyện Bình Giang, Hải Dương. Với trên 90 tuổi đời, hơn 70 năm tuổi Đảng, hiện ông sống tại Hà Nội, vẫn minh mẫn. Nhạc sĩ Phạm Tuyên vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật (2001); Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (2012) cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.