Mới đây, tại Trụ sở của Tổ chức UNESCO ở Paris (Pháp), Ủy ban Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO phối hợp Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã trang trọng tổ chức sự kiện “Hồ Chí Minh: Con người vì hòa bình, danh nhân văn hóa kiệt xuất”.
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng phát biểu tại sự kiện tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Trụ sở UNESCO. |
Đây là hoạt động có sự tham gia và đồng bảo trợ của Tổ chức UNESCO, trong khuôn khổ chuỗi các sự kiện kỷ niệm 35 năm Tổ chức UNESCO ra Nghị quyết số 24C/18.65 vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam do Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ở trong và ngoài nước.
Tham dự có Tổng Giám đốc UNESCO, bà Audrey Azoulay cùng gần 100 đại sứ UNESCO và song phương, đại diện các hội đoàn Pháp-Việt, bạn bè Pháp và cộng đồng người Việt.
Phát biểu khai mạc, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã nêu bật ý nghĩa của Nghị quyết UNESCO tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhấn mạnh việc UNESCO ra Nghị quyết là sự ghi nhận đối với đóng góp, cống hiến lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào sự nghiệp đấu tranh chung của nhân dân trên thế giới trước áp bức, bất công, vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.
Nghị quyết của UNESCO cũng tôn vinh những lý tưởng cao đẹp, bản sắc văn hóa và khát vọng của Người và dân tộc Việt Nam về một thế giới hòa bình, bình đẳng và hạnh phúc.
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: Hồ Chí Minh là hình mẫu tiêu biểu cho tinh hoa của dân tộc Việt Nam. Người thấu hiểu sâu sắc và đặt niềm tin vào giá trị chân, thiện, mỹ, vào bản chất cao đẹp của con người, như tinh thần Hiến chương của UNESCO “Vì chiến tranh bắt đầu từ tâm trí con người, nên phải xây dựng thành trì về hòa bình trong tâm trí con người”.
Phó Tổng Giám đốc UNESCO Xing Qu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát huy những tư tưởng lớn về giáo dục, văn hóa như của Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Tổng Giám đốc UNESCO Xing Qu bày tỏ vinh dự được tham dự sự kiện đánh dấu 35 năm UNESCO ra Nghị quyết vào năm 1987 để tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người.
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục và văn hóa có giá trị vượt giới hạn không gian, thời gian, và cũng chính là sứ mệnh mà UNESCO đang theo đuổi suốt 75 năm qua cho đến ngày nay.
Phó Tổng Giám đốc UNESCO nhấn mạnh, phát huy giá trị của các vĩ nhân trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là về văn hóa và giáo dục cũng như tăng cường sự hiểu biết và xây dựng hòa bình là trách nhiệm chung của nhân loại.
Nhà sử học Pháp Alain Ruscio, người đã có nhiều tác phẩm, công trình nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã giới thiệu về những giai đoạn hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có thời gian ở Pháp.
Nhà sử học giới thiệu về cuộc đời hoạt động cách mạng cũng như đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho hòa bình và đoàn kết giữa các dân tộc. |
Nhà sử học Pháp nhấn mạnh về dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với hòa bình, văn hóa và giáo dục thế giới và cho rằng những di sản của Người chính là nguồn cảm hứng cho những giá trị phổ quát tốt đẹp của nhân loại. Người đã để lại những ấn tượng sâu sắc, được bạn bè trên toàn thế giới ngưỡng mộ.
Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp về vinh dự tham dự lễ kỷ niệm 35 năm UNESCO ra Nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trưởng Phái đoàn thường trực Ấn Độ bên cạnh UNESCO, Đại sứ Vishal V. Sharma khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại vì đã dành cả cuộc đời đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì tình hữu nghị, đoàn kết và vì hòa bình giữa các dân tộc.
Đại sứ Vishal V. Sharma nói: Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ được cả thế giới biết là người truyền cảm hứng, lý tưởng cao đẹp.
Sự nghiệp đấu tranh của dân tộc Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo là nguồn động viên cho nhiều nước trong đó có Ấn Độ giành lại độc lập. Với chúng tôi, Hồ Chí Minh là một biểu tượng sáng ngời.
Buổi lễ hôm nay là một sự kiện rất quan trọng để tôn vinh Hồ Chí Minh, nhà tri thức vĩ đại. Sự kiện này được tổ chức ở trụ sở UNESCO, nơi khởi xướng nhiều ý tưởng, vì vậy tôi cho rằng các nước thành viên của UNESCO tới đây có thể tìm hiểu về tư tưởng vĩ đại của Người được thể hiện trong các cuốn sách giới thiệu tại đây.
Trong số khách mời có bà Elisabeth Helfer Aubrac, được Bác Hồ nhận là con gái đỡ đầu vào năm 1946 và vẫn luôn lưu giữ những tình cảm và kỷ niệm của gia đình với vị lãnh tụ kính yêu của Việt Nam.
Bà bày tỏ: Hôm nay tại UNESCO, chúng ta tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh như một minh chứng cho tự do, dân chủ và văn hóa sáng ngời. Tôi rất vui được tham dự sự kiện này, tự hào được thấy bức ảnh chụp năm 1946 khi Người tới thăm gia đình tôi.
Tại buổi lễ, ca sĩ opera của Pháp biểu diễn 2 tiết mục ca nhạc lấy cảm hứng từ thơ của Chủ tịch Hồ chí Minh gồm "Tôi đọc" và Tối mùa thu", do nhạc sĩ người Pháp Louis Durey phổ nhạc.
Các đại biểu cũng có dịp xem những hình ảnh về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được trao tặng cuốn sách “Tình cảm của nhân dân thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Theo NDĐT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin