Từ ngày 28-9 đến 29-9, “Không gian văn hóa Việt Nam” đã diễn ra tại Thủ đô Vienna, Áo với nhiều hoạt động đặc sắc. Hoạt động diễn ra trong khuôn khổ chương trình Ngày Việt Nam ở nước ngoài năm 2022 do Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao) chủ trì tổ chức.
Giới thiệu nghệ thuật in tranh Đông Hồ tại Áo. (Ảnh: Ban Tổ chức) |
Đây không chỉ là sự kiện đặc biệt được tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Áo mà còn là dịp để giới thiệu hình ảnh một Việt Nam tươi đẹp, giàu bản sắc văn hóa dân tộc.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Áo Nguyễn Trung Kiên đã cắt băng khai mạc “Không gian văn hóa Việt Nam” với sự tham gia của đông đảo công chúng Áo, kiều bào Việt Nam đang học tập, sinh sống, làm việc tại Áo và tại một số nước lân cận.
Trong “Không gian văn hóa Việt Nam” tại Áo, bên cạnh phần trưng bày những hình ảnh khẳng định mối quan hệ hợp tác thân thiết giữa hai nước Việt Nam - Áo kể từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1972, triển lãm “Sức sống Việt Nam” đã trưng bày nhiều hình ảnh thể hiện vẻ đẹp sống động, hấp dẫn của các điểm đến tại Việt Nam, cho thấy một Việt Nam tươi mới, năng động.
Điều thú vị là tại sự kiện, đông đảo khách tham gia còn được tìm hiểu, khám phá văn hóa truyền thống Việt Nam thông qua sự giới thiệu, hướng dẫn, tương tác của các nghệ nhân, nghệ sĩ, họa sĩ.
Gian trưng bày tinh hoa trà Việt đem đến cho người tham dự những kiến thức, trải nghiệm độc đáo về các loại trà Việt. Đặc biệt, phần trình diễn nghệ thuật pha trà và thưởng trà của nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn đã giúp khách tham quan cảm nhận được sâu sắc hơn sự mộc mạc mà tinh tế trong nghệ thuật thưởng trà của người Việt Nam.
Tham gia “Không gian văn hóa Việt Nam”, du khách còn được chiêm ngưỡng những tác phẩm tiêu biểu của dòng tranh dân gian Đông Hồ do nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm giới thiệu. Ông đã hướng dẫn người tham dự cách in tranh từ các bản khắc tranh gia truyền được lưu giữ và truyền lại từ nhiều thế hệ. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm là hậu duệ đời thứ 21 của dòng họ Nguyễn Đăng - một trong hai dòng họ còn lại trong tổng số 17 dòng họ của làng Đông Hồ vẫn tiếp tục gắn bó với việc làm tranh.
Cũng tại sự kiện, nghệ thuật sơn mài truyền thống đã có cơ hội được đến gần hơn, trực quan hơn với bạn bè quốc tế dưới sự hướng dẫn của họa sĩ, giảng viên Trần Anh Tuấn. Người tham dự đã được trực tiếp trải nghiệm vẽ sơn mài trên các đồ lưu niệm và được lưu giữ sản phẩm.
Bên cạnh đó, góp phần làm sống động hơn không gian sự kiện là màn biểu diễn âm nhạc của các các nghệ sĩ thuộc Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp. Các nghệ sĩ đã mang đến những giai điệu vừa sâu lắng, vừa rộn ràng với các nhạc cụ dân tộc như: đàn bầu, đàn nhị, đàn tỳ bà, đàn T’rưng, K’rong put…
Một trong những hoạt động điểm nhấn là phần biểu diễn thời trang kết nối văn hóa hai nước qua trang phục truyền thống. Bộ sưu tập được trình diễn là sự kết hợp đầy cảm xúc giữa áo dài Việt Nam và trang phục dân tộc của Áo, đem đến cái nhìn mới mẻ về áo dài và truyền tải thông điệp về sự kết nối văn hóa không biên giới.
Theo NDĐT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin