Lên ý tưởng tổng phổ nhạc kịch “Bài ca tình yêu” ngót nghét 10 năm, đến nay, Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho đã vỡ òa cảm xúc trong sự mong ngóng “đứa con tinh thần” của mình có hình hài trên sân khấu nhạc kịch.
Một cảnh trong vở nhạc kịch “Bài ca tình yêu”. |
Những giai điệu, lời ca, aria, thoại kịch, múa... đã đưa “Bài ca tình yêu” trở về với quá khứ, đến thực tại như khúc khải hoàn của tình yêu, lòng nhân từ.
Nhắc đến Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho, khán giả nhớ đến tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng như: “Tiến bước dưới quân kỳ”, “Người con gái sông La”, “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, “Chiếc khăn piêu”... Ông cũng là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng với nhiều tác phẩm khí nhạc, điển hình như: “Trẩy hội đền Hùng”, giao hưởng thơ “Tháng Tám lịch sử”, “Thánh Gióng”, thanh xướng kịch “Hoa Lư - Thăng Long”... Nhạc sĩ Doãn Nho chia sẻ: “Tôi được Quân đội tạo điều kiện cho đi học sáng tác, lý luận nghệ thuật âm nhạc tại Nhạc viện Kiev (nay đã được đổi tên thành Viện Hàn lâm âm nhạc Ukraine), và trong rất nhiều công trình, dự án âm nhạc, cho tới nay là nhạc kịch “Bài ca tình yêu” đã tiếp tục được Bộ Quốc phòng đầu tư dàn dựng, công diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội đúng dịp kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và các ngày kỷ niệm lớn của đất nước. Cuộc đời nghệ sĩ - chiến sĩ có lẽ là chẳng còn niềm vinh dự, hạnh phúc nào hơn là được làm nghệ thuật để phục vụ Quân đội và nhân dân mình”.
Nội dung nhạc kịch “Bài ca tình yêu” được lấy từ nguyên mẫu những cuộc đời có thật trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc. Một chuyện tình giữa hai chàng trai thầm yêu một cô bạn cùng trường. Kịch tính bắt nguồn từ chiến tranh. Chiến tranh chia cắt mối tình vừa chớm nở giữa Hùng và Hiền, cướp đi những tháng năm rực rỡ tuổi thanh xuân của những chàng trai, cô gái như Hùng, Dũng, Hiền. Chiến tranh đẩy họ vào nghịch cảnh trớ trêu: Hùng được báo tin hy sinh, Dũng bị thương trở về âm thầm chăm sóc Hiền như ý nguyện của người bạn đã khuất, Hiền bắt đầu đáp lại tình cảm của Dũng thì Hùng bất ngờ trở về...
Nhà lý luận, phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu nhận xét, làm mới một câu chuyện đã cũ là thử thách không nhỏ, kể cả đối với nhà soạn nhạc “U90” Doãn Nho đã có thâm niên hơn sáu chục năm tuổi nghề. Với quy mô lớn, nhiều thành phần tham gia (dàn nhạc hai quản, dàn hợp xướng, dàn múa ba lê, hợp ca thiếu nhi), opera quả là sẵn “đất dụng võ” làm giàu thêm quá trình tìm tòi nhiều năm không biết mệt mỏi của nhạc sĩ. Tính thời đại trong khai thác tinh hoa thế giới và vốn cổ truyền dân tộc được thấy rõ hơn trong cách xây dựng và phát triển các chủ đề âm nhạc của “Bài ca tình yêu”. “Ở vở diễn, chủ đề “Chiến thắng” được nhạc sĩ tái hiện, không chỉ là chiến thắng trong cuộc đối mặt với kẻ thù và cái chết mà còn là chiến thắng số phận, thắng hoàn cảnh, thắng chính mình. Biểu tượng xuyên suốt là tình yêu, vẻ đẹp dịu dàng đắm say ấy được tôn lên bởi sự đối lập mạnh mẽ, quyết liệt của chiến tranh”, nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Châu nhấn mạnh.
Nhạc sĩ Doãn Nho đánh giá cao Nghệ sĩ Ưu tú Lê Thụy, người đảm nhận vai trò đạo diễn cho vở nhạc kịch “Bài ca tình yêu”, bởi theo nhạc sĩ, đạo diễn Lê Thụy đã khéo léo xử lý, kết hợp nhuần nhuyễn màu sắc của nghệ thuật truyền thống, của dân tộc với nghệ thuật sân khấu của châu Âu. Theo Nghệ sĩ Ưu tú Lê Thụy, “Bài ca tình yêu” là vở nhạc kịch thứ 7 trong lịch sử sân khấu âm nhạc Việt Nam. Sau khi nghe bản demo phần nhạc của vở kịch, ông cảm nhận được sự dung dị, đậm đặc màu sắc, âm hưởng của âm nhạc dân tộc. Âm nhạc dễ nghe, dễ đi vào lòng người. Câu chuyện tình yêu, tình quân dân trong vở nhạc kịch mộc mạc như thơ Nguyễn Bính, nhẹ nhàng như các tác phẩm của Thạch Lam và gần gũi với mọi đối tượng khán giả.
Những ngày qua, đội ngũ diễn viên hùng hậu hơn 150 nghệ sĩ là giảng viên, học viên Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam đã tích cực luyện tập, hoàn thành và công diễn tới khán giả vào hai tối 21 và 22-12 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin