Năm 2022, Ban Chỉ đạo (BCĐ) phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) cấp tỉnh đã tiếp tục triển khai sâu rộng Phong trào, với trọng tâm là xây dựng “gia đình văn hoá”, “xóm, tổ dân phố văn hoá”. Đồng thời, cụ thể hóa các nội dung của Phong trào, như: Đoàn kết giúp nhau giảm nghèo; thực hiện nếp sống văn minh, kỷ cương pháp luật; xây dựng môi trường văn hóa; xây dựng tư tưởng, chính trị lành mạnh…
Hoạt động của Câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ xóm Bản Tèn, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ). |
BCĐ tỉnh và BCĐ các cấp đã gắn phong trào với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và nhiều phong trào khác của các hội, đoàn thể. Phong trào cũng nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân bằng những việc làm cụ thể, như: Xây dựng nếp sống văn minh, xanh, sạch, đẹp; giữ gìn vệ sinh môi trường; nhiều hộ nghèo chủ động phát triển kinh tế, nuôi dạy con chăm ngoan; nhiều cá nhân, tập thể tích cực góp công xây dựng cầu, sửa đường nông thôn, xây nhà tình nghĩa... Qua đó giúp cho diện mạo từ thành thị đến nông thôn ngày càng khởi sắc, chất lượng đời sống người dân được nâng lên, góp phần cùng với địa phương hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Trong quá trình triển khai thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, hoạt động an sinh xã hội, xã hội hóa đầu tư thiết chế văn hóa được các cấp, ngành quan tâm, thu hút được sự tham gia ủng hộ của đông đảo nhân dân. Năm 2022, toàn tỉnh đã huy động được trên 81 tỷ đồng để thực hiện Phong trào. Trong đó, vận động xã hội hóa xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở được trên 52 tỷ đồng; vận động xây dựng các Quỹ: Giảm nghèo, Đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện và hỗ trợ khó khăn được hơn 24 tỷ đồng...
Từ đây, nhiều hộ nghèo được hỗ trợ, giúp đỡ để có cơ hội vươn lên thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống; hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các cấp được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Bà Trần Thị Nhiện, Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho biết: Phong trào TDĐKXDĐSVH đã đi vào nền nếp, thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Tại hầu hết các xóm, tổ dân phố, người dân đã thống nhất, xây dựng được hương ước, quy ước phù hợp. Bà con cũng thành lập và duy trì hàng nghìn câu lạc bộ như: Gia đình hạnh phúc; phòng, chống bạo lực gia đình; bình đẳng giới; văn hóa, văn nghệ, thể thao…
Cùng với đó, việc cưới đã được tổ chức theo nếp sống mới, tiết kiệm, văn minh; những lễ cưới được khôi phục kết hợp hài hòa giữa nghi lễ truyền thống với xu hướng tiến bộ, hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc... Việc tang cũng đã dần được xóa bỏ hủ tục, người dân nhận thức được lợi ích thiết thực của việc tự giác, tôn trọng các quy định về nếp sống văn minh…
Bên cạnh đó, BCĐ tỉnh hướng dẫn các địa phương bình xét, đánh giá, công nhận danh hiệu văn hóa theo cách minh bạch, dân chủ, công khai. Ví dụ như việc bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa”, các hộ dân được phát phiếu chấm điểm để tự đánh giá, xếp loại. Sau đó, ban công tác mặt trận của xóm sẽ bình xét theo nội dung Phong trào quy định. Tiếp đến là niêm yết công khai kết quả bình xét của các hộ ở nhà văn hoá xóm...
Việc minh bạch trong bình xét các danh hiệu văn hóa đã góp phần khuyến khích người dân tích cực tham gia phong trào TDĐKXDĐSVH. Kết quả, hằng năm, Thái Nguyên có trên 98% số hộ đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá”; hơn 90% số xóm, tổ dân phố đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hoá”.
Riêng năm 2022, qua bình xét, toàn tỉnh có trên 309.000 hộ được công nhận “Gia đình văn hoá”, đạt tỷ lệ 93,91% (tăng 1,23% so với năm 2021); 2.181 xóm, tổ dân phố được công nhận danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”, đạt 96,76% (tăng gần 2%); 1.589 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, đạt 95,9% (tăng 1%).
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin