Vở diễn "Lưu Xá - Một thời hoa lửa": Nén tâm nhang với các liệt sĩ TNXP

Thu Hà 15:46, 20/12/2022

Vở chèo "Lưu Xá - Một thời hoa lửa" được Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên dàn dựng, công diễn nhân dịp tưởng niệm 50 năm Ngày hy sinh của 60 liệt sĩ Thanh niên xung phong (TNXP) Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái. Với thiết kế sân khấu hiện đại, kịch bản hay và diễn xuất chuyên nghiệp của các nghệ sĩ, vở diễn đã góp thêm một nốt nhạc trong bản hòa âm ngợi ca sự hy sinh anh dũng của các TNXP Đại đội 915...

Một cảnh bi tráng, xúc động trong vở diễn.
Một cảnh bi tráng, xúc động trong vở diễn.

Trong buổi công diễn vở chèo được tổ chức mới đây, trên 1 nghìn chỗ ngồi của 3 tầng khán đài tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh chật kín khán giả. Người dân Thái Nguyên cũng không nề hà, ngồi luôn ở các bậc lên xuống giữa lối đi để đợi sân khấu kéo rèm diễn vở "Lưu Xá - Một thời hoa lửa".

20 giờ, vở chèo bắt đầu mở màn với hình ảnh đài tưởng niệm, những con tàu xa xa trên nền phông màu đỏ lửa, tiếng còi tàu hú dài, chuông nhà thờ ngân vang. Ông Đức - nhân vật chính do nghệ sĩ Nguyễn Công Khanh thủ vai, mặc quần áo bộ đội sờn mầu, cầm chiếc đồng hồ đứng trước đài tưởng niệm, chìm trong hồi ức.

Tôi đang sống với ngày hôm nay
Nhưng tất cả thanh xuân... vẫn trăn trở trong thời... hoa lửa ấy
Cái thời đất nước bị chia cắt hai miền Nam - Bắc
Trong sự khốc liệt của chiến tranh, Đại... đội... 915... ra đời...

Đại đội 915 được thành lập tháng 6-1972, thuộc Đội TNXP 91 Bắc Thái, gồm 102 cán bộ, đội viên, hầu hết ở độ tuổi mười tám, đôi mươi, chưa lập gia đình, là con em đồng bào các dân tộc thuộc hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn ngày nay. Đơn vị có nhiệm vụ sửa chữa các tuyến đường bị hỏng bởi bom mìn chiến tranh và bốc xếp vũ khí, lương thực, hàng hóa do các nước anh em viện trợ qua ga Lưu Xá (TP. Thái Nguyên) để đưa vào chiến trường miền Nam.

Với chất bi hùng xuyên suốt cùng điểm nhấn về tình yêu của những người lính giữa lúc bom rơi đạn nổ, vở diễn đã đưa khán giả trở lại bối cảnh năm 1972, vào đúng đêm Noel, 60 TNXP Đại đội 915 đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ tại ga Lưu Xá.

Sáng 24/12/1972, 66 cán bộ, đội viên Đại đội 915 lên hiện trường, hối hả chạy đua với thời gian để sửa đường, bốc xếp hàng hóa, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Đến chiều tối, số hàng hóa được giải tỏa, bốc dỡ an toàn. Nhưng khi còn chưa kịp ăn bữa cơm chiều thì những trận bom tàn khốc từ “pháo đài bay” B52 đã trút xuống, vùi lấp mấy căn hầm ở khu vực các cán bộ, đội viên Đại đội 915 trú ẩn. 60 anh, chị TNXP, người bị trúng bom, người bị đất, đá vùi lấp đã mãi mãi ra đi khi tuổi đời đang tươi trẻ, với bao ước mơ và khát vọng còn dang dở.  

Tác giả, đạo diễn đã xây dựng lớp chèo rất thú vị với một cô TNXP tên Thanh “yêu thật thì nói thật”, với một thủ trưởng Đại đội 915 rất nguyên tắc chuyện “cấm yêu” nhưng trong lòng vẫn thầm yêu. Để rồi khi chứng kiến sự hy sinh anh dũng của người mình thầm yêu thì xung đột giữa tình yêu và nguyên tắc trong ông bùng lên và được giải quyết thành công bằng lớp chèo đau đớn, ân hận qua diễn xuất rất hay của nghệ sĩ Nguyễn Công Khanh.

Nhân vật Đài cũng được thể hiện ấn tượng với diễn xuất của nghệ sĩ trẻ Dương Thị Út Lan. Đài trẻ tuổi nhất trong Đại đội. Đi TNXP, Đài vui vì được cống hiến cho Tổ quốc, được học chữ, học hát chèo trong tình yêu thương của các anh chị trong Đại đội. Cô Đài cùng với nhân vật anh nuôi đã khiến khán giả bật cười với lớp chèo vui của anh nuôi vừa gánh cơm vừa hát, dúi thêm nắm cháy cho người mình thương, rồi lớp chèo thầy bói trong giờ giải lao... Những câu thoại ngắn gọn của Đài và các anh chị TNXP đã khắc họa sinh động hình ảnh tràn đầy nhựa sống của lớp thanh niên tuổi mười tám, đôi mươi, hăng hái, gan dạ thực hiện nhiệm vụ trong chiến tranh.

Tình yêu son sắt, thủy chung cũng được khắc họa rõ nét qua các nhân vật cô Hạnh (do Nghệ sĩ Ưu tú - NSƯT - Nguyễn Thị Hà Bắc thủ vai) và anh Phúc, lái xe Trường Sơn (do NSƯT Vũ Văn Tình thủ vai). Tình yêu mãnh liệt và sự chờ đợi kiên trung của cô Hạnh như một nét tươi sáng tin tưởng vào ngày mai và vào sự hồi sinh mạnh mẽ sau đổ nát của chiến tranh.

Trong 60 TNXP hy sinh năm ấy, tác giả chọn nhấn vào cái chết của hai nhân vật nữ TNXP là Đài và Thanh. Hai nhân vật sôi nổi, trẻ trung, đại diện cho sự lạc quan, hùng tráng, để cuối cùng là sự bi tráng khiến cái bi thêm sức nặng, như thức tỉnh khán giả hôm nay...

Một cảnh tái hiện cuộc sống, việc thực hiện nhiệm vụ của các TNXP Đại đội 915 trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Một cảnh tái hiện cuộc sống, việc thực hiện nhiệm vụ của các TNXP Đại đội 915 trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Tiến sĩ, NSƯT Lê Tuấn Cường, Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam là tác giả kịch bản, đồng thời cũng đã rất thành công trong vai trò đạo diễn vở chèo "Lưu Xá - Một thời hoa lửa". Ông chia sẻ: Khi được nghe câu chuyện về các liệt sĩ TNXP Đại đội 915, tôi đã đau đáu ước mơ được viết một vở diễn về các anh, các chị để khán giả được tiếp cận với câu chuyện theo hình thức của nghệ thuật chèo. Tuy nhiên, tôi cũng nhận thấy đây là một trách nhiệm khá nặng nề, bởi xây dựng hình tượng về các TNXP trên sân khấu chèo là rất khó. Tôi đã thăm viếng nhiều lần tại điểm di tích lịch sử và tiếp cận với các nhân chứng của sự kiện, cùng với nhiều nỗ lực và cảm hứng, suy tưởng từ lịch sử, cuối cùng tôi đã viết kịch bản "Lưu Xá - Một thời hoa lửa" với nhiều cảm xúc mộc mạc và chân thực. Tác phẩm của tôi may mắn được NSƯT Đỗ Minh Chuyên, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên dàn dựng công phu và với sự nhập vai xuất sắc của các nghệ sĩ chèo Thái Nguyên đã thể hiện đúng tầm vóc lịch sử của sự kiện nhưng vẫn mới mẻ, hấp dẫn, lôi cuốn được khán giả sân khấu chèo.

Rưng rưng nước mắt khi cảnh cuối của vở chèo hạ màn, bà Trần Thị Hoài, cựu TNXP Đại đội 915, xúc động chia sẻ: Tôi đã thấy lại hình bóng của mình và đồng đội trong vở diễn "Lưu Xá - Một thời hoa lửa". Chúng tôi mong muốn vở diễn được công chiếu rộng rãi cho nhiều người dân trong tỉnh và trong nước cùng được thưởng thức để hiểu thêm và tri ân những liệt sĩ TNXP đã hy sinh, góp phần cho chiến thắng…

Cùng với bà Trần Thị Hoài, tại buổi công diễn, nhiều khán giả cũng rơi nước mắt vì xúc động. Vở diễn đã tạo được nhiều cảm xúc, lan tỏa tới từng khán giả và trở thành tấm gương để khán giả nhìn về quá khứ, hiểu hơn cái giá của chiến thắng và trân trọng thêm hiện tại. Đồng thời, khơi gợi lòng yêu quý của khán giả Thái Nguyên với nghệ thuật chèo.

Với những thành công đó, vở diễn đã giành được Huy chương Bạc tại Liên hoan chèo toàn quốc năm 2022. Các nghệ sĩ của Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên cũng giành 2 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng cá nhân tại Liên hoan với phần thể hiện xuất sắc trong vở diễn.