Năm 2022, nhờ tích cực triển khai số hóa hoạt động, xuất bản điện tử đã có những bước tiến tích cực, với thị trường đa dạng, không chỉ ở sách điện tử bản chữ (ebook) mà cả sách nói, sách tinh gọn.
Theo số liệu của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2022, số lượng xuất bản phẩm điện tử ước đạt con số 3.200, với 15 triệu lượt người sử dụng (tương đương với 32-35 triệu bản sách được đọc), tăng 59% so với năm 2021.
Một số thị trường mới của ngành như: Sách nói có doanh thu gần 100 tỷ đồng, sách tinh gọn có trên 4.000 sản phẩm ở các nền tảng, như: Waka, VoizFM, Fonos, Reavol… Điều này cho thấy sách nói và sách tinh gọn là hai thị trường tiềm năng của xuất bản điện tử nên được đầu tư phát triển trong thời gian tới.
Nếu như năm 2018, cả nước mới chỉ có 2 doanh nghiệp tham gia thị trường sách điện tử thì đến nay đã có 19 nhà xuất bản đăng ký phát hành sách trên nền tảng số. So với khu vực, con số này chưa phải là lớn, nhưng cũng cho thấy triển vọng phát triển của ngành Xuất bản nước ta.
Xuất bản điện tử đang là xu hướng trên thế giới và đem lại nguồn thu không nhỏ cho ngành Xuất bản ở những quốc gia phát triển. Nhu cầu của người Việt Nam đối với các hình thức xuất bản điện tử như sách nói, sách tinh gọn ngày một tăng. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, các đơn vị xuất bản cần đầu tư phát triển công nghệ, nền tảng cho xuất bản điện tử.
Tuy nhiên, thay vì phát triển nhiều nền tảng số, các đơn vị nên đầu tư nền tảng chung, qua đó tạo sức hút với độc giả, đồng thời tránh lãng phí nguồn lực. Nền tảng này phải có giải pháp công nghệ để chống tình trạng vi phạm bản quyền trên không gian mạng... Tập trung vào những giải pháp này, xuất bản điện tử ở nước ta sẽ bứt phá trong thời gian tới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin