Thực tiễn phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới đã khẳng định vị thế quan trọng của văn hóa, con người trong chiến lược phát triển quốc gia. Văn hóa không chỉ giới hạn tầm vóc của mình trong chiều sâu những phẩm giá tinh thần mà nó còn là nguồn lực trực tiếp cho sự phát triển đất nước.
Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc duy trì hoạt động sinh hoạt chuyên đề hàng tuần về văn hóa các dân tộc. |
Dòng chảy của văn hóa Việt Nam cho thấy nhận thức về văn hóa, xã hội, con người cũng có những thay đổi tích cực. Nhưng vậy vẫn chưa phát huy được hết những giá trị của văn hóa Việt Nam.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi mở trong bài phát biểu: Làm sao để phát triển một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa đồng hành với sự phát triển toàn diện của đất nước?
Thông điệp từ lãnh đạo cao nhất của Đảng đã thể hiện khát vọng chấn hưng, phát triển văn hóa, bởi suốt chiều dài lịch sử, đi qua những biến đổi, thăng trầm, dân tộc đã tích luỹ, tạo ra và phát huy được nhiều giá trị, bản sắc văn hóa riêng, làm nên hồn cốt của dân tộc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: "Nền văn hóa của chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Tôi xin nhấn mạnh là đậm đà bản sắc dân tộc. Cho nên tại sao mới nói rằng là “văn hóa còn thì dân tộc còn”. Bản sắc văn hóa dân tộc không còn thì không còn dân tộc. 3.486 tổng di tích được xếp hạng quốc gia, trong đó 27 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Đó là một tài sản vô cùng quý báu do tổ tiên, cha ông ta mấy nghìn năm để lại, không phải nơi nào cũng có được. Chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy. Nếu không là chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân bội nghĩa với tổ tiên, cha ông chúng ta".
Nói đến văn hóa là nói đến những gì tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp. Những giá trị ấy toát ra từ con người hay cộng đồng xã hội.
Thế nên, hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng. Lịch sử phải đương đầu với thiên tai và các cuộc chiến tranh giữ nước... đã nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành nên cốt cách và khí phách dân tộc, được các thế hệ người Việt viết tiếp từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Với một phạm trù rất rộng và dưới nhiều cách tiếp cận khác nhau, văn hóa Việt Nam trải qua những biến đổi, thăng trầm đã tích luỹ, tạo ra và phát huy được nhiều giá trị, bản sắc văn hóa riêng của dân tộc, làm nên hồn cốt của dân tộc; đồng thời tiếp thu và góp phần đóng góp vào nền văn hóa chung của nhân loại.
Văn hóa chính là con người, gắn chặt với con người trong mọi khía cạnh cuộc sống. Hiểu như vậy để thấy rõ văn hóa là động lực, là sức mạnh nội sinh của cả dân tộc, trong đó sự thay đổi từ nhận thức của từng cá nhân sẽ là tiền đề để văn hóa có vị thế xứng đáng với vai trò quan trọng của nó trong phát triển. Văn hóa sẽ ngang hàng và đồng hành với kinh tế, chính trị, xã hội chứ không thể lạc lối với những lĩnh vực khác trong phát triển toàn diện.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin