Nhiếp ảnh nghệ thuật: Bao giờ bứt khỏi lối mòn?

Theo hanoimoi.com.vn 08:07, 25/03/2023

Đẹp, nhưng vẫn quẩn quanh với những đề tài quen thuộc, cách thể hiện chưa mới. Đó là ấn tượng của nhiều người xem khi thưởng thức triển lãm các tác phẩm được chọn từ Cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 12 - năm 2023 tại Việt Nam (VN-23) vừa qua, nhất là khi các tác phẩm Việt Nam được đặt cạnh sáng tác của tác giả nước ngoài ở cùng chủ đề.

Học sinh tiểu học Hà Nội thăm Văn Miếu và xem triển lãm.
Học sinh tiểu học Hà Nội thăm Văn Miếu và xem triển lãm.

Đẹp, nhưng “nghèo”

Triển lãm trưng bày những bức ảnh xuất sắc nhất được lựa chọn từ Cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 12 - năm 2023 tại Việt Nam (VN-23), diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám từ ngày 13-3 đến ngày 19-3.

Theo Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA), cuộc thi được phát động từ ngày 12-9-2022 và kết thúc nhận ảnh ngày 10-1-2023. Đây là cuộc thi lớn, mang tính truyền thống do Hội tổ chức, được Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế (FIAP), Hiệp hội Hình ảnh không biên giới Pháp (ISF) bảo trợ. Với 4 chủ đề: Tự do màu, Tự do đơn sắc, Trẻ em và ý tưởng, VN-23 đã thu hút 10.330 tác phẩm của 1.079 tác giả đến từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Ban tổ chức đã chọn ra 499 bộ ảnh triển lãm VAPA, bao gồm 71 giải thưởng cho cả 3 hệ thống VAPA, FIAP và ISF.

Đến xem triển lãm, dễ nhận ra số lượng tác phẩm của các nghệ sĩ Việt chiếm thế áp đảo. Ngoài yếu tố “sân nhà”, theo đánh giá của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thị Thu Đông, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch VAPA, Việt Nam là một trong những quốc gia có nền nhiếp ảnh phát triển mạnh mẽ. Và, khi xuất hiện với số lượng lớn, bên cạnh các tác giả nước ngoài, một số vấn đề nổi cộm của nhiếp ảnh Việt lại càng thể hiện rõ.

Ở cả 4 chủ đề, đối tượng khai thác của các tác giả Việt Nam chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Ý tưởng trong hầu hết các bức ảnh được chọn triển lãm không mới. Ở chủ đề Trẻ em, chiếm phần lớn là ảnh chân dung, ảnh các bé đang vui chơi, ảnh trẻ em với động vật... Ở chủ đề Tự do đơn sắc, chủ yếu là ảnh miêu tả vẻ đẹp của con người trong lao động với bối cảnh đã vô cùng quen thuộc với công chúng Việt Nam như gánh hàng qua đồi cát, tung lưới... hay cảnh lao động thô sơ theo kiểu “nghèo mà đẹp”, làng quê mang dáng vẻ xưa cũ...

Những bức ảnh chân dung người già với lối đặc tả làn da nhăn nheo nhuốm màu thời gian cũng xuất hiện khá nhiều tại triển lãm. Bố cục, màu sắc các bức ảnh đều đẹp, song ít có bức nào khiến người xem ấn tượng bởi đa phần là những góc nhìn, cách khai thác quen thuộc của nhiếp ảnh Việt Nam trong nhiều chục năm qua.

Cần có bước đột phá

Ngoài mảng đề tài quen thuộc, các nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cũng thử sức ở chủ đề ý tưởng - mảng đề tài cho phép các tác giả thoải mái sáng tạo, đề cập những vấn đề mới. Và ở mảng này, các tay máy trên thế giới đưa ra những tác phẩm rất ấn tượng như: "Perspective" (tạm dịch: "Góc nhìn") của tác giả Arlen Keshishian (Iran) - Huy chương vàng ISF, "The illusion" (tạm dịch: "Ảo ảnh") của tác giả André Boto (Bồ Đào Nha) - Huy chương vàng FIAP, "New reality" (tạm dịch: "Thực tại mới") của tác giả André Boto (Bồ Đào Nha) - Huy chương vàng VAPA... khiến cho người xem phải lặng nhìn để suy ngẫm về các vấn đề mang tính nhân loại như môi trường sống, sự tiến hóa, bản ngã...

Trong khi đó, ở mảng này, tác phẩm của các tác giả Việt vẫn ít và chưa mấy ấn tượng. Cũng có một số tác phẩm thú vị khi phản ánh một chủ đề ít xuất hiện trong ảnh nghệ thuật như áp lực học hành của trẻ em: “Học hành quá chăm chỉ” của tác giả Đoàn Thị Thơ, “Đường vào đời” của Nguyễn Hữu Thông, nhưng ý tưởng thể hiện chưa xuất sắc. Chính vì vậy, dù Việt Nam đoạt được 45 giải thưởng trong số 71 giải thưởng của cuộc thi nhưng trong mảng chủ đề ý tưởng và Tự do màu, đa số giải cao thuộc về tác giả nước ngoài.

Chia sẻ tại lễ khai mạc triển lãm ảnh, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thị Thu Đông đánh giá: “Chất lượng ảnh của các tác giả Việt Nam dự thi quốc tế lâu nay luôn được đánh giá cao. Việt Nam là một trong những quốc gia có nền nhiếp ảnh phát triển mạnh mẽ”. Tuy nhiên, theo bà, các tác giả nước ngoài rất chú ý về kỹ thuật và hình thức thể hiện có dấu ấn riêng; ảnh của các tác giả Việt Nam còn yếu về kỹ thuật, sáng tác thường đi theo lối mòn. Một số tác phẩm đoạt giải của các tác giả Việt Nam nhìn qua thấy đẹp chứ chưa có sự bứt phá.

Đông đảo về số lượng và ngày càng thu hút nhiều hơn các tác giả đến từ nhiều vùng, lãnh thổ, Cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế do Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức được đánh giá là sân chơi ảnh nghệ thuật lớn, rất được mong đợi - không chỉ đối với giới nhiếp ảnh trong nước mà cả với các nhiếp ảnh gia thế giới. Và, khi đứng chung trong sân chơi này, nhiếp ảnh Việt Nam có thêm cơ hội để nhìn lại một cách tổng thể cả về điểm mạnh và điểm yếu để từ đó tiếp tục tìm tòi, sáng tạo, có sự đột phá chứ không chỉ dừng ở việc tham dự với số lượng ảnh áp đảo.