Sản phẩm lưu niệm du lịch là một trong những yếu tố góp phần tăng sức hấp dẫn, khuyến khích chi tiêu và quảng bá hình ảnh điểm đến hiệu quả. Tuy nhiên, đối với Thái Nguyên, sản phẩm lưu niệm du lịch hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức nên cả số lượng, chủng loại đều chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường và thị hiếu của du khách.
Nghề đan nón Tày của người dân Định Hóa là một đặc trưng có thể xây dựng thành sản phẩm lưu niệm du lịch. |
Thái Nguyên có lợi thế là trung tâm vùng, cửa ngõ các tỉnh vùng Việt Bắc. Trên địa bàn tỉnh có hơn 800 điểm di tích lịch sử, danh thắng, khảo cổ học, kiến trúc nghệ thuật... đã được kiểm kê, bảo vệ theo quy định của Luật Di sản văn hóa và 80 lễ hội được tổ chức vào dịp đầu Xuân. Mỗi năm, Thái Nguyên thu hút hàng triệu lượt du khách trong nước, quốc tế.
Thế nhưng để tìm được một vài mặt hàng lưu niệm đặc trưng, mang dấu ấn của mỗi điểm đến hay của thương hiệu du lịch Thái Nguyên, tạo nên sự khác biệt với các địa phương khác thì thực sự không hề dễ. Các mặt hàng lưu niệm được bày bán chủ yếu chỉ đơn giản là quần áo thổ cẩm, đồ trang sức, đồ chơi cho trẻ em (chủ yếu có xuất xứ nước ngoài)..., là những thứ rất dễ bắt gặp ở bất cứ đâu.
Đơn cử như tại Khu du lịch sinh thái Phượng Hoàng, xã Phú Thượng (Võ Nhai), đây là điểm đến thu hút nhiều du khách trong những ngày hè. Ngày đông nhất, Khu du lịch đón tới gần 10 nghìn lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm. Tuy nhiên, theo du khách Nguyễn Văn Định, xóm Nà Pha, xã Đồng Lạc, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn): Gia đình tôi thường đưa các con đến tham quan và vui chơi ở Khu du lịch sinh thái Phượng Hoàng vào mỗi mùa hè, nhưng để chọn mua được món quà lưu niệm mang về thì rất khó. Vì phần lớn các mặt hàng bày bán ở đây là quần áo, mũ, khăn hay túi xách, cơm lam..., với mẫu mã cũng giống như những nơi khác.
Đó cũng là nhận xét của nhiều du khách và doanh nghiệp lữ hành khi đến Thái Nguyên. Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Giám đốc Công ty CP Đầu tư thương mại và Lữ hành quốc tế Thăng Long (Hà Nội), cho biết: Khách du lịch mỗi khi đến tham quan ở bất cứ đâu đều muốn tìm hiểu về sản phẩm đặc trưng của địa danh đó. Sản phẩm này vừa là trải nghiệm hấp dẫn trong chuyến đi, vừa có thể mua sắm làm kỷ niệm hay quà tặng bạn bè, người thân. Và khi du khách mang món quà đến những nơi khác, truyền đến tay những người khác, một cách gián tiếp họ đã giới thiệu về hình ảnh và văn hóa của điểm du lịch đã đến. Tuy nhiên, ở Thái Nguyên chưa thực sự có điểm đến nào có sản phẩm lưu niệm ấn tượng. Hầu hết du khách chỉ mua được hàng tiêu dùng, ẩm thực, chứ không mua được đồ lưu niệm đặc trưng như ở một số nơi khác.
Có thể nói rằng, việc xây dựng và phát triển các sản phẩm lưu niệm du lịch đặc trưng, với giá cả hợp lý, sẽ góp phần đắc lực để phát triển các hoạt động tại khu, điểm du lịch. Qua đó góp phần tạo nên thương hiệu, "định vị" du lịch Thái Nguyên trong lòng du khách và trên bản đồ du lịch Việt Nam. Với lượng khách đến Thái Nguyên ngày càng tăng, nhu cầu chi tiêu ngày càng lớn thì việc lựa chọn các sản phẩm "đánh trúng" vào thị hiếu của du khách và củng cố chất lượng, đưa sản phẩm đến gần du khách cần được các ngành chức năng cùng các địa phương quan tâm hơn nữa.
Nên chăng, thời gian tới, thông qua tổ chức các cuộc thi ý tưởng sáng tạo du lịch, ngành chức năng có thể khuyến khích các tác giả chuyển giao hoặc trực tiếp sản xuất các sản phẩm lưu niệm, quà tặng phù hợp. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, tỉnh Thái Nguyên cũng cần quan tâm nghiên cứu để sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới, giúp du khách khi đến với địa phương, ngoài việc trải nghiệm, tham quan các điểm du lịch và tìm mua những đặc sản quen thuộc thì còn biết đến nhiều hơn về những sản phẩm lưu niệm được làm từ những vật liệu thân thiện với môi trường, gắn với đời sống người dân nơi được mệnh danh là "Đệ nhất danh trà"...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin