Phát huy giá trị truyền thống trên quê hương ATK

Hoàng Hải 06:44, 30/06/2023

Không chỉ là quê hương cách mạng, có nhiều di tích lịch sử - văn hóa, ATK Định Hóa còn là vùng đất có bề dầy truyền thống văn hóa gắn với phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số. Để những giá trị truyền thống này được lưu truyền, công tác gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống luôn được địa phương quan tâm.

Di tích Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (xã Bình Thành, Định Hóa) được bảo tồn, tôn tạo, thu hút nhiều du khách đến tham quan, thực tế.
Di tích Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (xã Bình Thành, huyện Định Hóa) được bảo tồn, tôn tạo, thu hút nhiều du khách tham quan, tìm hiểu thực tế.

Toàn huyện Định Hóa hiện có 183 điểm di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Trong đó có 1 di tích Quốc gia đặc biệt (gồm 13 di tích thành phần); 18 di tích Quốc gia; 27 di tích cấp tỉnh.

Nơi đây còn có nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc, như: Dân ca, dân vũ, Lễ hội Lồng Tồng, hát Then của người Tày; hát Sấng Cọ, múa Tắc Xình của người Sán Chay; hát Pả Dung của người Dao; múa rối cạn của hai phường Ru Nghệ (xã Đồng Thịnh) và Thẩm Rộc (xã Bình Yên)...

Ngoài ra, địa phương còn nổi tiếng với các làng nghề truyền thống, mang nét đặc trưng riêng, như dệt mành cọ; các sản vật và ẩm thực đa dạng: Gạo bao thai, nấm hương, măng, trám, cơm lam, xôi ngũ sắc... Tất cả tạo nên bức tranh văn hóa vừa đa dạng lại vừa độc đáo của riêng vùng đất ATK.

Theo bà Hoàng Thị Ngà, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Định Hóa: Sau hơn 1 năm triển khai, Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống các dân tộc huyện Định Hóa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực. Nhiều di tích được bảo tồn, tôn tạo, khôi phục. Các giá trị văn hóa tinh thần cũng được khuyến khích phát triển.

Nghệ nhân người Dao Phúc Chu hướng dẫn lớp trẻ về cách may trang phục của dân tộc mình.
Nghệ nhân người Dao ở xã Phúc Chu (Định Hóa) hướng dẫn lớp trẻ về cách may trang phục truyền thống của dân tộc.

Điển hình là trong năm 2022 và đầu năm 2023, huyện Định Hóa đã phối hợp với Cục Hậu cần (Bộ Tổng Tham mưu) tiến hành tôn tạo di tích cấp tỉnh tại xã Bình Yên; phối hợp với Nhà xuất bản Quân đội nhân dân chuẩn bị các điều kiện tôn tạo di tích cấp tỉnh tại xã Định Biên; phối hợp với đơn vị Z115 tôn tạo di tích Xưởng Quân giới K77 (xã Đồng Thịnh). Đây là các di tích liên quan đến sự ra đời, phát triển và trưởng thành của nhiều cơ quan Trung ương, Quân đội ngay giữa núi rừng Việt Bắc - Thái Nguyên trong những năm kháng chiến chống Pháp.

Nhiều hoạt động bảo tồn giá trị di sản khác cũng được đẩy mạnh, như: Hỗ trợ các địa phương giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; tổ chức liên hoan văn hóa, văn nghệ dân gian; phối hợp với các cơ quan thông tin Trung ương, tỉnh Thái Nguyên xây dựng các phóng sự, phim tư liệu quảng bá về di sản văn hóa của địa phương (văn hóa của dân tộc Sán Chỉ, dân tộc Tày, nghề thủ công truyền thống đan nón Tày...).

Huyện cũng đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, du lịch nhằm thu hút khách tham quan, như: Tạo gian trưng bày sản phẩm đặc trưng và sản phẩm OCOP của địa phương; trưng bày, giới thiệu nghề đan nón cổ truyền dân tộc Tày; quảng bá du lịch cộng đồng ở các xóm Khuôn Tát, Phú Ninh (xã Phú Đình).

Huyện cũng phối hợp tổ chức chương trình Famtrip- Presstrip, gắn với hội nghị - tọa đàm “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống và nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Định Hóa”; triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn.

Mô hình văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tại các xã Bảo Linh, Phú Đình được xây dựng và nhân rộng. Câu lạc bộ văn nghệ dân gian ATK Định Hóa phục vụ phát triển du lịch cộng đồng được thành lập... Bên cạnh đó, huyện hỗ trợ các nghệ nhân lập hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Đến nay, Định Hóa có 4 Nghệ nhân Ưu tú, 1 Nghệ nhân Nhân dân.

Đồng chí Ôn Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phúc Chu, thông tin: Việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống trên địa bàn đã được đưa vào nghị quyết của Đảng bộ xã. Đặc biệt, điệu Pả Dung của người Dao ở xóm Làng Gầy đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Hiện nay, các thành viên của nhóm vẫn duy trì sinh hoạt và thường xuyên phối hợp với các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ khác để tổ chức giao lưu, biểu diễn trong nhiều sự kiện. Xã Phúc Chu cũng đã thành lập Câu lạc bộ dân ca các dân tộc và hoạt động thường xuyên.

Cũng theo đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phúc Chu, để phát huy, lưu truyền giá trị văn hóa truyền thống đang có, xã mong muốn các cấp, ngành quan tâm, bố trí nguồn kinh phí để duy trì hoạt động, mở lớp hướng dẫn, truyền dạy từ các nghệ nhân cho thế hệ kế cận.

Mặc dù đã có những bước khởi sắc và nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân, nhưng nhìn thẳng vào thực tế, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện Định Hóa còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là bởi nguồn kinh phí hạn hẹp; các di sản văn hóa phi vật thể chưa có điều kiện để thường xuyên phát huy giá trị, đa phần các nghệ nhân trong lĩnh vực di sản đều đã cao tuổi, không có nhiều điều kiện hỗ trợ truyền giảng. Thêm nữa, hoạt động của các câu lạc bộ, nhóm văn hóa, văn nghệ ở cơ sở chưa được đầu tư bài bản để phục vụ cộng đồng hiệu quả.

Bởi vậy, để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trên vùng quê cách mạng, cùng với sự hưởng ứng của người dân thì rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành chức năng cũng như đẩy mạnh công tác xã hội hóa.