Tối 1-7, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và UBND tỉnh Điện Biên tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề Bản hùng ca bất diệt, kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, phát sóng trực tiếp trên VTV2 Đài Truyền hình Việt Nam.
Những bản hùng ca bất diệt ngân vang trong chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ tại điểm cầu Côn Đảo. Ảnh: Trần Huấn |
Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề Bản hùng ca bất diệt nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc Việt Nam, từ đó tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Chương trình nghệ thuật được truyền hình trực tiếp với 2 điểm cầu: điểm cầu chính tại Nghĩa trang Hàng Dương (H.Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu) và điểm cầu tại Nghĩa trang liệt sĩ A1 (TP.Điện Biên Phủ, Điện Biên).
Chương trình thể hiện trách nhiệm, tình cảm, sự tri ân của các cấp chính quyền và nhân dân đối với công ơn của các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: Trần Huấn |
Đến dự tại điểm cầu Nghĩa trang Hàng Dương có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; các nguyên Chủ tịch nước: Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang; các Bí thư Trung ương Đảng: Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Bùi Thị Minh Hoài, Trưởng ban Dân vận Trung ương; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Tại điểm cầu Nghĩa trang liệt sĩ A1, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cùng các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh Điện Biên đến dự.
Phát biểu trong chương trình, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: "Mỗi người Việt Nam hôm nay khắc ghi trong tim rằng, mỗi phút giây đang sống trong bình yên, hạnh phúc đã được đổi bằng sự hy sinh, xương máu của các thế hệ cha ông. Chỉ riêng trong hai cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại, 1,2 triệu người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống để thân thể thành đất đai Tổ quốc; hồn bay lên hóa linh khí quốc gia".
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại điểm cầu Nghĩa trang liệt sĩ A1 (Điện Biên). Ảnh: BTC |
Thể hiện sự thành kính của thế hệ hôm nay
Chương trình nghệ thuật gồm 3 chương, với sự tham gia của các nghệ sĩ: NSND Tạ Minh Tâm, NSƯT Hoài Bắc, NSƯT Phạm Phương Thảo, NSƯT Đăng Dương, NSƯT Việt Hoàn, Tùng Dương, Phạm Thu Hà, Trọng Tấn, Võ Hạ Trâm, Trương Quý Hải, Vương Long, Hữu Hiệp; các nghệ sĩ Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, Dàn nhạc Dây sinh viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, nhóm Thăng Long, vũ đoàn Lavender cùng tập thể cựu chiến binh...
Ca sĩ Tùng Dương thể hiện ca khúc Vết chân tròn trên cát tại Nghĩa trang Hàng Dương. Ảnh: Trần Huấn |
Chương 1 với chủ đề Việt Nam máu và hoa là những phóng sự kể về câu chuyện tình yêu trong thời chiến, những người chiến sĩ kiên trung yêu nhau từ tiếng hát ngân vang qua những bức tường nhà tù Côn Đảo, hay câu chuyện về tình quân dân thắm thiết, những người mẹ đã trở thành huyền thoại như mẹ Thứ, mẹ Suốt... và cao cả hơn là hình ảnh mẹ Tổ quốc. Hoa vẫn nở trên mảnh đất bị bom đạn cày xới như tình yêu vẫn nảy nở nơi xà lim khắc nghiệt, bạo tàn.
Trong chương 1, có các hoạt cảnh Tiếng gọi non sông, hát múa Biết ơn chị Võ Thị Sáu, ca khúc Bế Văn Đàn sống mãi, hát múa Những ngôi sao ban chiều, liên khúc Cúc ơi em ở nơi mô - Cỏ non thành cổ, hát múa Huyền thoại mẹ.
Mỗi khúc hát vang lên đều thể hiện sự thành kính của thế hệ hôm nay gửi gắm, dâng lên thế hệ cha anh đi trước những cánh hoa tươi thắm, thuần khiết như sức trẻ của những chiến sĩ - đại diện cho một thế hệ anh hùng đã "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Ảnh: Trần Huấn |
Chương 2 là chủ đề Những cánh hoa bất tử với các tiết mục như hát múa Vết chân tròn trên cát, hát múa Lũy đá bất tử, tiết mục Trở về đất mẹ. Chiến tranh không chỉ có đau thương khốc liệt, ở đó còn có nụ cười lạc quan, niềm tin, tình yêu, tình đồng đội. Nhà tù Côn Đảo đã được những người tù cộng sản biến thành trường học, "địa ngục trần gian" trở thành vườn ươm của các thế hệ cách mạng Việt Nam.
Tại điểm cầu Nghĩa trang Hàng Dương là cuộc gặp gỡ với những cựu tù Côn Đảo nặng tình với hòn đảo này, sau ngày giải phóng đã chọn ở lại với những đồng chí, đồng đội đã nằm lại với cát biển.
Tại điểm cầu Nghĩa trang liệt sĩ A1 có cuộc giao lưu với những người lính Điện Biên trở về chiến trường xưa trong trận chiến "xóa đói giảm nghèo" để rồi viết tiếp bản hùng ca của đời mình và của đất nước. Họ như những cánh hoa bền bỉ, kiên trung, tràn đầy sức sống. Họ như những cánh hoa bất tử, trong ngục tù vẫn tỏa hương thơm, vẻ đẹp của người chiến sĩ.
Một số tiết mục ca múa nhạc được biểu diễn tại điểm cầu Nghĩa trang liệt sĩ A1 (Điện Biên). Ảnh: BTC |
Chương 3: Khúc ca hòa bình, là xúc cảm của ngày hôm nay, sự trân trọng giá trị của độc lập tự do, là thông điệp về khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam. Hai chữ "hòa bình" đơn giản mà thiêng liêng, thế hệ hôm nay đang tiếp bước để nâng niu, gìn giữ và bảo vệ.
Chương 3 gồm các tiết mục: hát Lá cờ, hát múa Hát về anh, hát múa Tổ quốc gọi tên mình, liên khúc Bác đang cùng chúng cháu hành quân - Tiến bước dưới quân kỳ.
Các tiết mục thể hiện sự thành kính của thế hệ hôm nay gửi gắm, dâng lên thế hệ cha anh đi trước những cánh hoa tươi thắm, thuần khiết như sức trẻ của những chiến sĩ - đại diện cho một thế hệ anh hùng đã "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" để "Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân".
Khúc tráng ca về những cánh hoa bất tử sẽ âm vang còn mãi, là thanh âm ấm áp, lắng đọng trong tâm khảm người Việt Nam.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin