Phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam

Theo NDĐT 08:21, 04/07/2023

Tính đến tháng 5/2023, Việt Nam đã có 57 danh hiệu UNESCO. Các danh hiệu của UNESCO đã đem lại nhiều lợi ích to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cộng đồng, phục vụ phát triển bền vững và bao trùm tại Việt Nam. Bên cạnh các thành tựu đạt được, công tác bảo tồn, phát huy ý nghĩa giá trị danh hiệu UNESCO vẫn còn tồn tại nhiều thách thức cần giải quyết, làm sao để hài hòa giữa việc phát triển lợi ích kinh tế và việc bảo tồn các di sản văn hóa, thiên nhiên, địa chất, sinh quyển.

Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn cùng các đại biểu nghe tham luận tại hội nghị.
Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn cùng các đại biểu nghe tham luận tại hội nghị.

Với tầm quan trọng và tính cấp thiết ấy, ngày 3-7, Bộ Ngoại giao, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đã phối hợp với tỉnh Ninh Bình và tổ chức UNESCO tổ chức Hội nghị quốc tế về phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam.

Sự kiện nhằm tạo không gian đối thoại mở trao đổi, học tập kinh nghiệm về công tác nghiên cứu, bảo tồn, quản lý trong nước và quốc tế, từ đó đưa ra định hướng cho công tác phát huy các giá trị nhiều mặt của các danh hiệu UNESCO tại Việt Nam trong thời gian tới. Đây là hoạt động mang tầm cỡ quốc tế được diễn ra trong 2 ngày 3-4/7, tại Ninh Bình.

Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu khai mạc hội nghị.
Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu khai mạc hội nghị.

Phát biểu khai mạc và chỉ đạo hội nghị, ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hóa, trong đó có các di sản được UNESCO công nhận, gắn với phát triển du lịch bền vững cũng là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

Việc tổ chức Hội nghị quốc tế “Về phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam” thể hiện sự đồng hành một cách tích cực nhất về trách nhiệm của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ các di sản văn hóa và di sản thiên nhiên được UNESCO ghi danh, vì sự phát triển bền vững theo quan điểm của UNESCO, đó là bảo đảm sự phát triển nhằm thỏa mãn các nhu cầu hiện tại của con người nhưng không tổn hại tới sự thỏa mãn các nhu cầu của thế hệ tương lai.

Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc phát biểu tại phiên khai mạc.
Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc phát biểu tại phiên khai mạc.

Phát biểu tại phiên chào mừng hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc chia sẻ, chúng ta có thể vui mừng thấy rằng, trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu UNESCO của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Các danh hiệu UNESCO là cấu thành quan trọng hình thành thương hiệu mỗi địa phương và đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội thông qua thu hút khách du lịch, chuyển đổi cơ cấu phát triển kinh tế, mô hình tăng trưởng xanh. Văn hóa đã thực sự là nền tảng, giáo dục là động lực, khoa học công nghệ là mũi nhọn của phát triển bền vững.

 

Bên cạnh những câu chuyện thành công, ở một số địa phương sở hữu danh hiệu vẫn đang trăn trở trước những thách thức giữa bảo tồn và phát triển. Phát triển kinh tế nhiều lúc không khớp nhịp với bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu UNESCO.

Nhận thức về di sản, bảo vệ môi trường, gắn việc bảo tồn di sản văn hóa với phát triển bền vững chưa thực sự thấm sâu vào hành động của các nhà quản lý, doanh nghiệp và người dân, lâu dài tiềm ẩn nhiều nguy cơ bởi các tác động tiêu cực từ thiên tai, biến đổi khí hậu luôn hiện hữu.

Việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản còn hạn chế. Thách thức lớn nhất vẫn là hài hòa giữa phát triển lợi ích kinh tế và bảo tồn các di sản văn hóa, thiên nhiên, địa chất, sinh quyển.

Ông Firmin Edouard Matoko Thư ký Tổng Giám đốc UNESCO về ưu tiên châu Phi và quan hệ đối ngoại.
Ông Firmin Edouard Matoko Thư ký Tổng Giám đốc UNESCO về ưu tiên châu Phi và quan hệ đối ngoại.

Đánh giá cao về chương trình Hội nghị lần này, Thư ký Tổng Giám đốc UNESCO về ưu tiên châu Phi và quan hệ đối ngoại Firmin Edouard Matoko cho biết, Việt Nam là quốc gia rất nỗ lực cho phát triển kinh tế và bảo tồn di sản, Việt Nam đang là một hình mẫu cho cho các nước trên thế giới về công tác bảo vệ di sản. Đồng thời, ông cũng rất tự hào vì những di sản được UNESCO vinh danh đã giúp thúc đẩy kinh tế, việc làm cho các địa phương.

Cũng tại phiên khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập, toàn cầu hóa và thách thức của biến đổi khí hậu cùng các vấn đề xã hội khác, tỉnh Ninh Bình luôn xác định quan điểm phát triển bền vững dựa trên nền tảng các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, nhất là về hệ thống di sản văn hóa và thiên nhiên, các danh hiệu UNESCO.

Đặc biệt, cần lựa chọn mô hình cơ cấu kinh tế phù hợp với chức năng đô thị di sản đủ khả năng loại trừ kiểu công nghiệp hóa cổ điển gây tổn thương cho di sản văn hóa, xung đột với bảo vệ môi trường sống; loại trừ các biểu hiện chạy đua theo mô hình phát triển cơ cấu dân cư đô thị tập trung vượt quá khả năng chịu tải của đô thị di sản chỉ cho phép giới hạn mật độ dân số thấp; loại trừ các kiểu “đô thị nén”, “bê tông hóa” làm phá vỡ môi trường cảnh quan của đô thị di sản chỉ cho phép độ kết tụ nhà ở và hạ tầng với mật độ thấp, bảo tồn các kiến trúc truyền thống, không gian, môi trường sống “thuận thiên”.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc phát biểu tại phiên khai mạc.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc phát biểu tại phiên khai mạc.

Xuất phát từ tình hình thực tế của tỉnh Ninh Bình, với giá trị đặc sắc, tiêu biểu toàn cầu của Di sản hỗn hợp Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch nằm trọn trong Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tỉnh Ninh Bình mong rằng, từ những kết quả của Hội nghị quan trọng này, tỉnh có thể xây dựng được các khung tiêu chuẩn, khung pháp lý và các chính sách phù hợp với đặc trưng, vai trò và thực tiễn đối với địa phương sở hữu di sản, làm cơ sở hoạch định chiến lược quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững.

Tại các phiên thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng, cần có chính sách đặc thù bảo đảm chuyển đổi sinh kế bền vững cho người dân trong các vùng di sản, bảo đảm vừa chuyển dịch cơ cấu lao động, vừa bảo tồn được các không gian di sản, nhất là vùng lõi di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Kiến tạo nên mô hình sinh kế gắn với mô hình cư trú phù hợp của cộng đồng cư dân sinh sống trên các không gian di sản.

Ngoài ra, các vấn đề như cơ chế, chính sách đặc thù trong huy động, phân bổ các nguồn lực đầu tư cho phát triển bền vững các đô thị di sản, từ các cơ chế, chính sách giải phóng nguồn lực đất đai, tài chính, tự nhiên đến nguồn lực con người, nguồn lực văn hóa, thúc đẩy kết nối các loại nguồn lực cho phát triển, khắc phục các mâu thuẫn, xung đột giữa yêu cầu bảo tồn và phát triển.

Trong đó, đặc biệt là cơ chế phân quyền quản lý cho địa phương đối với các vấn đề đất đai, di sản, vay, trả nợ, kể cả vay quốc tế… để đầu tư cho phát triển khi đã tự cân đối được thu – chi ngân sách. Cũng như cơ chế, chính sách đặc thù để bảo đảm phục dựng và bảo tồn các công trình trong di tích lịch sử - văn hóa, bảo vệ và thúc đẩy đa dạng sinh học, nâng tầm giá trị di sản mà UNESCO đã vinh danh, thúc đẩy hợp tác, kết nối giữa các địa phương giành được danh hiệu của UNESCO…, cũng được các đại biểu từ nhiều địa phương thống nhất cao.

Chương trình diễn ra từ ngày 3-7 đến hết ngày 4-7 với nhiều hoạt động, ngoài các phiên thảo luận, các đại biểu sẽ tham quan thực địa tại khu du lịch sinh thái Tràng An, phố cổ Hoa Lư; các đại biểu cùng gặp gỡ, trò chuyện với cộng đồng cư dân địa phương.