Thương nhớ Phó Giáo sư, nhạc sĩ Chu Minh

Theo nhandan.vn 10:36, 19/10/2023

Dành cả cuộc đời cống hiến, đóng góp lớn cho sự nghiệp âm nhạc Việt Nam, Phó Giáo sư, nhạc sĩ Chu Minh (người đã vinh dự được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật năm 2017) đã về miền mây trắng vào ngày 17/10/2023.

Nhạc sĩ Chu Minh. (Ảnh tư liệu gia đình)
Nhạc sĩ Chu Minh. (Ảnh tư liệu gia đình)

Nhạc sĩ Chu Minh sinh năm 1931 trong một gia đình công chức tại Hà Nội. Ít ai biết tên khai sinh của ông là Triệu Đạt Hiền. Ngay cả tôi, cách đây 20 năm cũng mới biết tên thật của ông. Còn nhớ, những năm tôi công tác ở Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), có lần Tổng công ty mời một số nhạc sĩ và nhóm nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc Trung ương đi khai trương đường bay tại Cộng hòa Liên bang Đức, trong đó có nhạc sĩ Chu Minh.

Được giao nhiệm vụ là trưởng nhóm nghệ thuật, phải làm các thủ tục liên quan vé máy bay, tôi đã tìm đến khu tập thể Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) gặp ông để mượn hộ chiếu và lúc ấy mới hay Chu Minh chỉ là bút danh. Sau đó một tuần, cả đoàn lên đường sang Đức và chúng tôi được đến thăm một số địa danh lịch sử nổi tiếng ở đây. Khi đến Bảo tàng âm nhạc của hai tác giả sáng tác ra Quốc ca Đức là Heinrich Hoffmann Von Fallersleben (phần lời đoạn 3 của ca khúc Bài hát nước Đức) và Joseph Haydn (phần nhạc), nhạc sĩ Chu Minh như say mê cùng âm thanh nơi đây... Tôi biết chuyến đi ấy đã để lại nhiều cảm xúc cho ông. Sau này, nhạc sĩ Chu Minh tiếp tục được Vietnam Airlines mời đi các nước Anh, Nhật trong các dịp khai trương đường bay mới.

Nhắc đến nhạc sĩ Chu Minh là nhắc đến một người vừa tài hoa, vừa hiền lành đức độ. Niềm say mê âm nhạc trong ông sớm bộc lộ từ nhỏ. Khi mới 11 tuổi, Chu Minh đã học vĩ cầm. Sau đó, ông tình nguyện tham gia cách mạng. Từ năm 1947 đến 1950, ông công tác tại Đội vũ trang tuyên truyền Ban Tuyên huấn Trung ương.

Bút danh Chu Minh được ông sử dụng kể từ năm 1950, khi sáng tác ca khúc Việt-Trung-Xô và Chiến thắng biên giới. Thập kỷ 50 của thế kỷ trước, nhạc sĩ Chu Minh là một trong những người đầu tiên thành lập Đoàn văn công nhân dân Trung ương. Cuối những năm 1950, khi phụ trách Đoàn Ca múa nhạc Trung ương, ông đã có nhiều dịp vào biểu diễn tại Phủ Chủ tịch. Từ năm 1961 đến 1965, nhạc sĩ Chu Minh tu nghiệp chuyên ngành sáng tác bậc đại học tại Nhạc viện Trung ương Bắc Kinh (Trung Quốc).

Sau khi tốt nghiệp về nước, ông trở lại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) để giảng dạy chuyên ngành sáng tác, ông từng có thời gian làm Chủ nhiệm Khoa Lý luận-Sáng tác-Chỉ huy của trường.

Nhạc sĩ Chu Minh được coi là cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Với thành công cả ở mảng thanh nhạc và khí nhạc, ông có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền âm nhạc cách mạng, nền âm nhạc mới Việt Nam nửa sau thế kỷ 20 và những thập niên đầu thế kỷ 21.

Đặc biệt, ông là nhạc sĩ vinh dự có năm lần được gặp Bác Hồ. Nhạc sĩ Chu Minh cũng ghi dấu ấn bằng nhiều sáng tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có ca khúc Người là niềm tin tất thắng ra đời năm 1969. Tôi cho rằng, nhạc sĩ Chu Minh là một trong những tác giả có những sáng tác âm nhạc hay nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cùng với Người là niềm tin tất thắng, ông còn sáng tác những ca khúc như: Nước non tên Người, Ngày ấy Người đi dặm dài thế kỷ, Đêm nhớ Bác, Tên Người đẹp mãi Bến Tre...

Khi đất nước thống nhất, ông đã có những giai điệu hào sảng với Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam, khơi lên niềm kiêu hãnh và tự hào, làm rung động hàng triệu con tim. Cuối năm 2019, trong đêm nhạc “Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam” tổ chức tại Hà Nội, công chúng yêu nhạc đã có dịp thưởng thức nhiều ca khúc chính luận của ông cùng những tác phẩm khí nhạc, như: Concerto Tuổi trẻ; Tổ khúc giao hưởng Miền Nam tuyến đầu..., cùng với những bản tình ca lãng mạn như Em xa có nhớ, Hà Nội chiều mây...

Nhạc sĩ Chu Minh cũng là người thầy tận tụy với nhiều lớp sinh viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và các trường văn hóa-nghệ thuật trong cả nước. Nhiều học trò của ông đã thành danh như các nhạc sĩ: Phó Đức Phương, Trương Ngọc Ninh, Đức Trịnh, Tôn Thất Lập... Phó Giáo sư-Tiến sĩ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học-nghệ thuật Việt Nam) từng nói, Phó Giáo sư, nhạc sĩ Chu Minh là “một nhà sáng tạo hoàn thiện”.

Với nhiều đóng góp trong lĩnh vực sáng tác và đào tạo âm nhạc, Phó Giáo sư, nhạc sĩ Chu Minh đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học-nghệ thuật đợt I (năm 2001), Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học-nghệ thuật (năm 2017), cùng nhiều huân, huy chương và giải thưởng cao quý khác...

Phó Giáo sư, nhạc sĩ Chu Minh là tác giả của nhiều ca khúc bất hủ: Đất nước nghiêng mình; Người là niềm tin tất thắng; Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam; Đường Trường Sơn chiến công gọi chiến công,… Ngoài thanh nhạc, ông cũng sáng tác khí nhạc, như: Tổ khúc giao hưởng Sao Bắc Đẩu; Sonate số 1, 2, 3; Tổ khúc Khăn quàng đỏ viết cho piano; giao hưởng Việt Nam Tuyến đầu; giao hưởng thơ Thành phố Hồ Chí Minh - dáng đứng Việt Nam; nhạc kịch 4 màn Tiếng ru…