Gần 300 đại biểu là nhà văn thuộc thế hệ cầm bút đã đi qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc đến những năm tháng hòa bình và xây dựng đất nước đã có mặt tại Hội nghị Đại biểu các nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ nhất, năm 2023. Sự kiện thể hiện sự tôn vinh và khẳng định sứ mệnh quan trọng của văn học trong lịch sử đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Các nhà văn lão thành đến từ nhiều vùng miền trong cả nước giao lưu bên lề hội nghị. |
Chia sẻ về Hội nghị, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết, kể từ thế hệ nhà văn đầu tiên theo tiếng gọi của non sông, đấu tranh cho độc lập, tự do của Tổ quốc đến nay, biết bao nhà văn đã ra đi. Những gì họ đã sống, đã viết hóa thành trầm tích trong dòng chảy bất tận của văn hóa dân tộc.
Hội nghị có những đóng góp tham luận quan trọng của một số nhà văn lão thành tiêu biểu, như những bản tổng quát về thành tựu to lớn của văn học, góp phần quan trọng vào công cuộc chấn hưng văn hóa của Đảng. Nhà thơ Hữu Thỉnh nhận định: Qua gần 70 năm xây dựng và phát triển, đây là lần đầu tiên Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức một hội nghị dành riêng cho các nhà văn lão thành. Điều đó thể hiện sự quan tâm của Ban Chấp hành Hội với các hội viên đã bước sang lứa tuổi "xưa nay hiếm". Ở một góc độ nào đó, đây có thể gọi là hội nghị của các nhà văn thuộc thế hệ chống đế quốc Mỹ. "Trước những thăng trầm của chiến tranh, văn học đã giúp cho người ta vượt qua những phút xao lòng sau những mất mát đau thương. Với những tác phẩm đã đi vào lòng người, văn học ta đã phát huy truyền thống "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/Lấy chí nhân để thay cường bạo", làm rạng danh chủ nghĩa nhân văn thời đại Hồ Chí Minh, góp phần làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ Việt Nam không chỉ là tên gọi một cuộc chiến tranh mà còn là tên gọi của một nền văn hiến lâu đời. Năm tháng trôi qua, sự sàng lọc của thời gian thật là khắc nghiệt. Nhưng những gì thật sự là tâm huyết, là sự thăng hoa sẽ còn lại như những ký thác sâu đậm của một thế hệ nhà văn về một thời đoạn lịch sử nhiều bão táp, dữ dằn với tinh thần dũng cảm phi thường, những hy sinh to lớn và chiến thắng vĩ đại không bao giờ quên", nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh.
Trong tham luận trình bày tại hội nghị, PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp nhận định: Mỗi thế hệ nhà văn, bằng tài năng, tâm huyết của mình sẽ góp phần tạo nên sự giàu có và bền vững của một nền văn học. Vì thế, việc ghi nhận, tôn vinh đóng góp của mỗi thế hệ nhà văn, nhất là các nhà văn lão thành là một ứng xử nhân văn, phù hợp với đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của văn hóa Việt. Hầu hết các nhà văn lão thành là những người được sinh ra và trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Trong số họ, nhiều người đã từng trực tiếp cầm súng chiến đấu, có mặt ở nhiều chiến trường ác liệt, thường xuyên đối mặt với đạn bom, cái chết. Trong điều kiện chiến tranh gian khổ, họ biết cách tạo dấu ấn riêng của thế hệ bằng quyết tâm và sự chân thành: "Không có sách chúng tôi làm ra sách/Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình" (Hữu Thỉnh). Các nhà văn lão thành, bằng thành tựu và kinh nghiệm nghệ thuật của mình đã trở thành tấm gương lao động nghệ thuật cho thế hệ trẻ.
Tác giả được trao giải thưởng Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022 Lê Vũ Trường Giang trong tham luận "Lời tri ân các thế hệ văn chương tiền bối" đã bày tỏ tâm tư, nguyện vọng: "Chúng tôi là những người cầm bút may mắn sinh ra, trưởng thành trong cái nôi của văn chương Việt. Đất nước chúng ta sở hữu được những tác phẩm lớn, đồ sộ, những cuốn sách gối đầu giường cho nhiều thế hệ. Văn chương góp phần gìn giữ văn hóa dân tộc và tiếp thu các giá trị tinh thần ngay trên từng con chữ, chất chứa nhiều giá trị nhân văn hơn cả".
Lê Vũ Trường Giang chia sẻ, văn chương thời nào cũng cần sự dấn thân. Những người trẻ phải học hỏi các thế hệ tiền bối, phải sống cùng sức mạnh dẻo dai của mình trên trang viết. Hy vọng, những giá trị văn chương mà thế hệ tiền bối đã tạo dựng sẽ được kế thừa, phát triển. Thế hệ trẻ luôn biết ơn, xem đó là những hành trang tinh thần để tiếp tục tiến bước trên con đường văn chương nhiều đam mê, hấp dẫn nhưng cũng lắm thử thách, chông gai.
Hội nghị Đại biểu các nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ nhất đã góp phần quan trọng trong việc đánh giá những thành tựu to lớn của các nhà văn lão thành đối với nền văn học Việt Nam trong 50 năm qua, đồng thời tôn vinh các thế hệ nhà văn đã cả đời đi theo Đảng trên con đường giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường trên mọi mặt, cũng như xây dựng một nền văn học, văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; tiếp tục khẳng định con đường văn hóa, văn nghệ của Đảng trong từng giai đoạn của lịch sử đất nước và trong thời đại mới, từ đó xác lập con đường đi tới tương lai của các nhà văn ở các thế hệ tiếp theo.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin