Ngày 22-12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị. Ảnh: TTXVN |
Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương; đại diện một số hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia, nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tại điểm cầu Thái Nguyên, tham dự có đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Thái Nguyên. |
Thời gian qua, các ngành công nghiệp văn hóa dần trở thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng; sự đầu tư nguồn vốn vào các ngành này đã thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hóa phát triển tích cực, có đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Để công nghiệp văn hóa nước ta sớm phát triển nhanh, bền vững, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động, đổi mới tư duy, đột phá trong cách làm, xây dựng ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam “Sáng tạo - Bản sắc - Độc đáo - Chuyên nghiệp - Cạnh tranh”.
Với Thái Nguyên, việc triển khai thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Một số lĩnh vực của ngành này đang phát triển (như phát thanh - truyền hình, quảng cáo, xuất bản, du lịch văn hóa, giải trí...), qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tạo thêm việc làm ổn định cho người dân và tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa có tính cạnh tranh cao, đóng góp tích cực cho nền kinh tế của địa phương...
Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Ảnh: nhandan.vn |
Tại Hội nghị, sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận. Thủ tướng đánh giá công nghiệp văn hóa Việt Nam bước đầu phát triển và đạt được một số kết quả đáng khích lệ, một số lĩnh vực dần vươn lên trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm; đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của người dân và góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Cùng với đó, Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ công nghiệp văn hóa chưa phát triển tương xứng tiềm năng. Nguồn lực đầu tư cho công nghiệp văn hóa chưa tương xứng, còn dàn trải. Nội dung, hình thức sản phẩm, dịch vụ trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa còn hạn chế…
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, công nghiệp văn hóa là ngành có triển vọng lớn, có thể phát triển nhanh, dễ mang lại hiệu quả cao, là động lực mới cho sự phát triển văn hóa phù hợp với xu thế của thời đại.
Thủ tướng quán triệt 6 quan điểm trong phát triển công nghiệp văn hóa. Trong đó, phát triển công nghiệp văn hóa phải góp phần quan trọng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; kết nối các hoạt động sáng tạo, văn hóa, nghệ thuật với sản xuất, kinh doanh, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hài hòa; dựa trên đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Phát triển có trọng tâm, trọng điểm công nghiệp văn hóa theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, có tính cạnh tranh cao, đồng thời đa dạng hóa, liên kết đa ngành, đa lĩnh vực; phù hợp với các quy luật cơ bản của kinh tế thị trường và xu thế của thời đại.
Phát triển công nghiệp văn hóa phải gắn liền với việc quảng bá, lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa phải đảm bảo đáp ứng được các yếu tố "sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp, lành mạnh, cạnh tranh và bền vững", trên nền tảng "Dân tộc - Khoa học - Đại chúng"; từng bước tạo dựng thương hiệu cho các sản phẩm và dịch vụ mang tầm quốc gia, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin