Khơi mạch nguồn di sản

Cao Nguyên 09:10, 16/01/2024

Dòng chảy thời gian mang theo bao thăng trầm xã hội. Nhiều giá trị văn hóa phi vật thể bị thời gian khỏa lấp vào quên lãng. Việc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với chính quyền địa phương mở lớp tập huấn, truyền dạy văn hóa, nghệ thuật dân gian của một số dân tộc trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây được ví như việc khơi thông mạch nguồn di sản, trao thêm cho đồng bào cơ hội gìn giữ, trao truyền, nâng tầm và phát huy những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

Đồng bào dân tộc Dao ở xóm Cộng Hòa, xã Động Đạt (Phú Lương), trình diễn điệu múa Chuông, múa Rùa.
Bà con dân tộc Dao ở xóm Cộng Hòa, xã Động Đạt (Phú Lương), trình diễn điệu múa Chuông, múa Rùa.

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng với các nền văn hóa thế giới, cộng đồng các dân tộc thiểu số sinh sống ở tỉnh Thái Nguyên vẫn giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng độc đáo.

Tuy nhiên, trong dòng chảy hội nhập kinh tế thị trường, sự giao thoa văn hóa truyền thống giữa các dân tộc không tránh khỏi làm lu mờ nhiều nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Điều dễ nhận thấy là hầu hết con em đồng bào các dân tộc thiểu số không biết nói, không biết hát tiếng… dân tộc mình. Chính vì thế, việc phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được coi trọng.

Nhiều năm gần đây, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã chủ động vào cuộc, với quyết tâm khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Theo đó, nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật của đồng bào được khôi phục, được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Nhiều người được vinh danh nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân.

Để góp phần nâng tầm giá trị, lan tỏa nét đẹp văn hóa rộng rãi trong đời sống đồng bào, từ cuối năm 2023, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phối hợp với UBND các huyện Phú Lương, Đồng Hỷ và Phú Bình tổ chức mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức văn hóa và những nghệ nhân, người có uy tín, hạt nhân văn nghệ trong đồng bào.

Hát Sường cô, nét đẹp văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc Ngái ở tổ dân phố Tam Thái, thị trấn Hóa Thượng (Đồng Hỷ), đang được khơi dậy.
Hát Sường cô - nét đẹp văn hóa phi vật thể của bà con dân tộc Ngái ở tổ dân phố Tam Thái, thị trấn Hóa Thượng (Đồng Hỷ), đang được khơi dậy.

Các loại hình văn hóa nghệ thuật được cơ quan chức năng lựa chọn là múa Chuông, múa Rùa của đồng bào dân tộc Dao, xóm Cộng Hòa, xã Động Đạt (Phú Lương); hát Sường cô của đồng bào dân tộc Ngái, tổ dân phố Tam Thái, thị trấn Hóa Thượng (Đồng Hỷ) và hát Soọng cô của đồng bào dân tộc Sán Dìu, xóm Đá Bạc, xã Bàn Đạt (Phú Bình).

Bà Vũ Thị Thu Hường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tâm đắc: Những nét đẹp văn hóa phi vật thể được đồng bào gìn giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ, nhưng bị hạn chế rất nhiều, nên việc các đơn vị chức năng vào cuộc thông qua đợt tập huấn dù rất ngắn (khoảng 7 ngày/đợt) cho 1 loại hình, đã tạo cho đồng bào sự phấn chấn, tích cực vào cuộc. Từ đó, nét đẹp văn hóa độc đáo của đồng bào được phổ biến rộng rãi hơn thông qua các hoạt động trình diễn, diễn sướng, góp phần nâng cao mức hưởng thụ và đời sống văn hóa cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Trao đổi với chúng tôi về nét đẹp văn hóa phi vật thể của dân tộc mình, nghệ nhân Lục Thanh Lâm, Câu lạc bộ Hát Soọng cô xóm Đá Bạc, cho biết: Xóm có 210 hộ, 99% hộ là người dân tộc Sán Dìu. Vào các dịp lễ, tết, đồng bào vẫn rủ nhau hát đối ví. Chúng tôi thuộc hàng trăm bài hát, rồi các bài gốc được “biến hóa” ra rất nhiều bài mới phù hợp trong cuộc hát. Khi tham gia lớp tập huấn do cán bộ ngành Văn hóa tổ chức, chúng tôi được nâng cao các kỹ năng truyền dạy, cách thể hiện bài hát sinh động và kinh nghiệm xây dựng, duy trì hoạt động Câu lạc bộ.

Còn nghệ nhân Thẩm Dịch Thọ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sường cô ở tổ dân phố Tam Thái, khiêm tốn: Vì là dân tộc rất ít người (cả nước có hơn 1.000 người) nên dân tộc Ngái chúng tôi thường sử dụng tiếng nói của người dân tộc khác. Thời gian làm câu hát Sường cô mai một. Gần đây, được sự cổ vũ của cán bộ ngành Văn hóa tỉnh, tôi cùng một số cụ trong cộng đồng người Ngái đã ngồi lại với nhau, cùng sưu tầm được khoảng 10 bài, rồi tổ chức dạy cho nhau cùng hát. Khó khăn nhất là các con, cháu bây giờ cơ bản không biết nói tiếng mẹ đẻ, nhiều người lớn tuổi cũng câu được, câu mất. Hiện, Câu lạc bộ Sường cô được thành lập, với chúng tôi, đó là cơ hội tốt để trao truyền, gìn giữ ngôn ngữ và một số nét đẹp văn hóa phi vật thể của dân tộc mình.

Chứng kiến các bạn trẻ là con em đồng bào dân tộc Ngái cất lời bài hát: “Mời trầu”, “Mười hai con giáp”. “Ru em ngủ”, “Trông trăng”… cùng cách trình diễn mộc mạc, chúng tôi thấy như được lây niềm vui - câu hát đã từng bị vùi chôn vào lãng quên, nay sống lại trong đời sống văn hóa tinh thần của 1 dân tộc có rất ít người trong mái nhà 54 dân tộc Việt Nam.

Cũng như đồng bào dân tộc Ngái và dân tộc Sán Dìu, đồng bào người Dao ở xóm Cộng Hòa vì bươn trải mưu sinh nên không có điều kiện duy trì thường xuyên một nét đẹp văn hóa là múa Chuông, múa Rùa.

Ông Bàn Hữu Chương, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi xóm Cộng Hòa, cho biết: Múa Chuông, múa Rùa được trao truyền qua nhiều đời. Nhưng nhiều động tác không được chuẩn như thời các cụ, nên khi được cán bộ ngành Văn hóa tỉnh động viên khôi phục, bảo tồn, xóm đã thành lập Câu lạc bộ, chúng tôi cùng ngồi lại với nhau để “tầm soát”, từ đó khôi phục khá đầy đủ những động tác múa dân gian, tạo hưng phấn, thu hút được nhiều người cùng tham gia tập luyện.

Được sự hỗ trợ của Nhà nước về trang phục, đạo cụ, thiết bị phục vụ công tác văn nghệ, các câu lạc bộ đi vào hoạt động có nền nếp. Điều đó thể hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được ngành Văn hóa triển khai hiệu quả. Tạo điều kiện cho bà con được giao lưu, vui chơi, giải trí lành mạnh từ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình; đồng thời đề cao được vai trò, năng lực chủ thể văn hóa của các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể trong đồng bào các dân tộc thiểu số.