Chơi chữ thư pháp thời nay

Cao Nguyên 09:10, 23/02/2024

Chữ thư pháp thời nay phong phú, không chỉ có chữ Hán mà còn có chữ Quốc ngữ và tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Đức… miễn là “thượng đế ” thích, thì “ông đồ” chiều. Nhưng, dù cơ chế thị trường làm thay đổi cách ứng xử giữa những người liên quan đến chơi chữ, cũng không thể phủ nhận, chơi chữ thư pháp là cách hướng con người về nẻo thiện.

Nhiều bạn trẻ xin chữ “PHÚC” với mong nguyện gia đình hạnh phúc.
Nhiều bạn trẻ xin chữ “PHÚC” với mong nguyện gia đình hạnh phúc.

“Cái rốn” của làng chữ thư pháp Việt Nam ở Văn Miếu (Hà Nội), rồi từ đó lan tỏa, thịnh hành trên cả nước. Ở đâu có người xin chữ, ở đó có người cho chữ. Nói là xin chữ, cho chữ thực chất là để tôn vinh một "sự chơi" có văn hóa. Tuy nhiên, việc bán chữ, mua chữ không làm mất đi giá trị, cũng như nét đẹp văn hóa thuần Việt được trao truyền bao đời.

Nhiều “ông đồ” chọn việc bán chữ làm sinh kế dịp đầu Xuân. Việc viết, vẽ chiều theo ý nguyện “thượng đế”, nên ngoài chữ Hán, chữ Quốc ngữ còn được thể hiện bằng nhiều thứ chữ nước ngoài khác. Cứ uốn lên, lượn xuống, nét thanh, nét đậm mà thành tranh chữ.

“Ông đồ” khư khư cái điện thoại thông minh trong tay, “thượng đế” thích chữ gì “ông đồ” mở máy, vào phần dịch trong google, cẩn trọng gõ chữ cần tìm, ngay lập tức chữ… nước đó hiện rõ trên màn hình. Chỉ sau cái chau mày vẻ như định hình nét bút nên bắt đầu từ đâu, trên mảnh giấy hồng điều, đã thấy ông đồ cầm cây bút lông chấm vào đĩa mực, miết nhẹ mấy cái vào cạnh đĩa cho mực bớt nặng nơi đầu bút là trổ tài chữ thư pháp.

Nét thanh, nét đậm, nhìn lúc ra rồng phượng, khi lại như… trận đồ bát quái. Ngày xưa các cụ chơi chữ thể hiện một tinh thần tao nhã, lịch thiệp, hiểu sâu sắc ý nghĩa của chữ mình chơi và tấm tranh chữ mình cầu. Nay chơi chữ thực tế hơn. Phần nhiều người mua chữ vì… tâm lý đám đông, thậm chí “cả thèm chóng chán”. Trẻ nhỏ mua chữ tặng cho người lớn; con trai, con gái yêu nhau cũng tặng chữ với mong ước toại nguyện như nội dung chữ trong tranh.

Thời nay, chữ thư pháp được thể hiện trên nhiều loại chất liệu, như: bình gốm xứ, gỗ, tre, trúc, vải… Nhưng vào dịp đầu Xuân thì chữ thư pháp thường được thể hiện trên giấy hồng điều. Dù cơ chế thị trường có ảnh hưởng nhiều đến tâm trạng của người bán chữ và người mua chữ, song không thể phủ nhận, trong dân gian còn có những nghệ nhân công phu, tâm huyết thường chuẩn bị sẵn giấy, mực từ ngày Đông chí, với quan niệm, ngày Đông lạnh giá cũng là lúc hơi ấm mùa Xuân đang về rất gần.

Tuy nhiên, thời công nghệ số, các thầy đồ có thể mua phôi (giấy in sẵn một số các hoạ tiết về mùa Xuân), để khi gặp người mua chữ thì “phết” vào nét chữ theo “đơn đặt hàng” là "Ok". Rất phong cách, phù hợp với xã hội hiện đại mà người mua chữ không phải đợi chờ nhiều thời gian.

Để thể hiện mình là bậc thâm sâu về chữ nghĩa, nhiều “ông đồ” ngồi rảnh việc thường lật qua, mở lại tập giấy hồng điều, miệng lẩm nhẩm như ngâm thơ: “Niên niên đào khai hoa/Tổng kiến lão tú tài/Truy nghiễn hồng tiên bãi/Thông cù nhân vãng lai”. Dịch là: “Mỗi năm hoa đào nở/Lại thấy ông đồ già/Bày mực Tàu, giấy đỏ/Bên phố đông người qua”.

Ở Thái Nguyên, không có ông đồ ngồi bên phố, mà thường thấy ở các khu vực như: Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam; đền Xương Rồng; chùa Phù Liễn; chùa Hang (TP. Thái Nguyên)… Giữa chốn hội đông người qua, các “ông đồ” mang thần thái thoải mái với nụ cười thường trực trên khuôn mặt, tạo sự gần gũi, thân thiện làm nhiều người cảm mến.

Tiếc là trong số những người chơi chữ, có không ít người chạy theo tâm lý đám đông, thấy người ta chơi thì mình cũng xuýt xoa mà mua về, nhưng chẳng biết chơi như thế nào. Nhất là tranh chữ Hán cổ, có khi mang treo ngược trong nhà mà không biết. Cũng có người hằng năm vào độ Xuân, đều đi mua chữ lấy may nên thường có ý định sẽ mua chữ. Cũng có người đi hội thấy hay mắt, ghé hàng nghiên, cẩn thận chào hỏi lịch lãm, xin được ông đồ giải nghĩa. Thấy thấu nghĩa của chữ mới đặt “ông đồ” viết chữ mình cần. Rồi luận chữ ra người, ví như người chơi chữ “TÀI”, “LỘC”, “PHÚ QUÝ”… ắt hẳn là doanh nhân hoặc làm nghề buôn bán. Người trẻ mua chữ “TRƯỜNG SINH” hẳn sẽ mang về tặng cha mẹ già. Còn lấy chữ “NHÂN, NGHĨA, TRÍ, DŨNG” thường là người luyện võ. Phụ nữ mua chữ “BÌNH AN” ắt có chồng đang đảm nhận một chức việc nào đó trong cơ quan nhà nước...

Đi xin chữ đầu Xuân không chỉ là một thú vui của người hướng về “chân, thiện, mỹ”, mà còn thể hiện đức hiếu học, tình cảm tôn sư, trọng đạo của người xin chữ. Đây cũng là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, thể hiện lòng khao khát hướng thiện của con người, ước vọng về một năm mới với những điều tốt đẹp. Vây nên, việc mua chữ về chơi, dù là chữ gì cũng rất đáng trân trọng.