Ngập tràn sắc màu trang phục dân tộc Nùng từ công sở đến lễ hội

Theo Baodantoc.vn 17:30, 01/04/2024

Cùng với sự giao thoa văn hóa giữa các vùng, miền ngày càng phát triển nên trang phục truyền thống dân tộc Nùng ở Lạng Sơn có nguy cơ bị mai một. Những năm gần đây nhờ làm tốt công tác bảo tồn trang phục dân tộc, trên khắp các ngả đường từ thành phố đến nông thôn, từ người già đến lớp trẻ người Nùng Lạng Sơn đều tự tin diện trang phục dân tộc.

Dân tộc Nùng chiếm có tỷ lệ 42,9% trong tổng dân số trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn (ảnh: Chu Minh)
Dân tộc Nùng chiếm có tỷ lệ 42,9% trong tổng dân số trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn (ảnh: Chu Minh)

Dân tộc Nùng chiếm 42,9% dân số tỉnh Lạng Sơn, là dân tộc có tỷ lệ cao nhất, sinh sống trên địa bàn. Người Nùng ở Lạng Sơn có 3 nhóm chính: Nùng Cháo, Nùng Inh, Nùng Phàn Slình. Mỗi nhóm Nùng đều có sự trang trí trên trang phục khác nhau, ví như người Nùng Phàn Sình thường có những đường chỉ nổi và thêu sặc sỡ phần cổ và phần vạt áo, nhưng đối với người Nùng Cháo trang phục lại được thêu với phần chỉ chìm kín đáo. Đa phần trang phục dân tộc Nùng thiên về phần thân áo ngắn được xẻ tà và quần may rộng rãi.

Đồng bào dân tộc Nùng vẫn mặc trang phục truyền thống trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày
Đồng bào dân tộc Nùng vẫn mặc trang phục truyền thống trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày

Bộ trang phục của người Nùng Phàn Slình Cúm Cọt (nhóm Nùng Phàn Slình) được làm từ vải nhuộm chàm, ít hoa văn. Để bộ trang phục của mình nổi bật, người phụ nữ Nùng Phàn Slình Cúm Cọt thêu chỉ màu và các hạt bạc nhỏ lên chiếc khăn đội đầu. Phụ nữ Nùng Phàn Slình Cúm Cọt thường mặc áo 5 thân màu chàm bên ngoài, bên trong sẽ mặc áo kẻ xanh hoặc kẻ đỏ, cổ áo có đính tua chỉ màu xanh, phần tua chỉ này sẽ được lộ ra bên ngoài khi mặc để tạo điểm nhấn cho chiếc áo màu chàm.

Các chị em dân tộc Nùng Phàn Slình Cúm Cọt diện trang phục dân tộc xuống phố
Các chị em dân tộc Nùng Phàn Slình Cúm Cọt diện trang phục dân tộc xuống phố

Trang phục của người Nùng Phàn Slình Hua Lài nghĩa là Nùng Phàn Slình Đầu Chấm (Trong tiếng Nùng, “Hua” nghĩa là “Đầu”, “Lài” nghĩa là “Chấm”). Tên gọi này được bắt nguồn từ chiếc khăn đội đầu của người phụ nữ Nùng. Trên nền khăn màu chàm, người phụ nữ thêu những hạt màu trắng theo hàng tạo nên những đốm nhỏ nổi bật. Mỗi lần đội lên đầu, người phụ nữ được ví như đang đội trên đầu một bầu trời sao. 

Trang phục dân tộc Nùng được bày bán chung với trang phục hiện đại tại chợ Kỳ Lừa
Trang phục dân tộc Nùng được bày bán chung với trang phục hiện đại tại chợ Kỳ Lừa

Áo phụ nữ thường 4 thân hoặc 5 thân màu chàm. Áo ngắn được may rộng cả phần thân và tay, giúp người mặc thoải mái hơn trong đời sống sinh hoạt hằng ngày hoặc khi lao động sản xuất. Cổ tay áo và phía trước ngực được đắp thêm một miếng vải khác màu tạo nên nét đặc sắc cho bộ trang phục. Quần của phụ nữ may kiểu đũng chéo chân què, cạp lá tọa.

Người dân mua trang phục dân tộc tại chợ
Người dân mua trang phục dân tộc tại chợ

Theo dòng chảy của xã hội hiện đại, đã có thời gian trang phục dân tộc Nùng có nguy cơ bị mai một. Trong những năm qua, để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai thực hiện đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”.

Nam, nữ dân tộc Nùng diện trang phục dân tộc hát sli trong Lễ hội Kỳ Cùng-Tả Phủ 2024
Nam, nữ dân tộc Nùng diện trang phục dân tộc hát sli trong Lễ hội Kỳ Cùng-Tả Phủ 2024

Các địa phương trên địa bàn Lạng Sơn đã có những chương trình hành động thiết thực để bảo tồn trang phục truyền thống như phát động tuần lễ mặc trang phục dân tộc được đông đảo các cơ quan, đơn vị, trường học nhiệt tình hưởng ứng. Hàng nghìn lượt cán bộ, công chức, viên chức, học sinh và người dân trên địa bàn đã đồng loạt khoác lên mình bộ trang phục dân tộc trong thời gian phát động và trong các dịp lễ, tết, ngày hội.

Trang phục nữ của người Nùng Phàn Slình
Trang phục nữ của người Nùng Phàn Slình

Trang phục truyền thống không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa, mà còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử của mỗi dân tộc. Đồng bào dân tộc Nùng bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của dân tộc không chỉ góp phần gìn giữ biểu tượng văn hóa cổ truyền của người Nùng mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa để phát triển du lịch, giúp địa phương giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân.

Trẻ em dân tộc Nùng mặc trang phục dân tộc tại các lễ hội
Trẻ em dân tộc Nùng mặc trang phục dân tộc tại các lễ hội
Các em học sinh dân tộc Nùng mặc trang phục dân tộc đến trường học
Các em học sinh dân tộc Nùng mặc trang phục dân tộc đến trường học