Bà Hải đang bế cháu ngoại thì có tiếng điện thoại. Cầm máy, đầu bên kia là giọng nói khác thường của cô con gái út: - Mẹ ơi! Sao mẹ đi lâu thế. Không có mẹ ở nhà bố đi suốt, con bận công việc không để ý được đâu. - Mẹ biết rồi.
Buông máy bà mỉm cười. Cái con út này lắm chuyện. Nó hay trêu chọc bà. Có gì mà để ý cơ chứ. Ông Tâm chồng bà năm nay đã vào tuổi ngoài bảy nhăm. Ông đã qua chiến trường đến tận sau giải phóng miền Nam mới chuyển về ngành cũ. Ông nghỉ hưu vừa là thương binh vừa là nạn nhân chất độc da cam. Về địa phương ông tham gia biết bao là công việc. Nhắc nhở nhẹ nhàng vì lo cho sức khỏe, ông chỉ cười bảo: Mình vốn là người lính, người cán bộ, bao nhiêu năm dân nuôi mình, bây giờ về phục vụ dân chút ít, thấm vào đâu. Có việc bà cũng không thích lắm như việc ông làm chủ nhiệm câu lạc bộ dưỡng sinh một thời gian. Bên cạnh các bà các chị đứng đắn, cũng có mấy cô hay ỡm ờ. Có lần họ đến nhà nói bông phèng: Các chị sao cứ gọi anh ấy là bác, còn em thấy cứ gọi là anh. Trông mái tóc mới có vài sợi bạc, lại có cái hàm răng đều tăm tắp kia, gọi là bác cho nó phí phạm. Có bà bỗ bã hơn: Nhà nước cho anh là thương binh còn bọn em lại thấy anh còn khỏe lắm. Chỉ có mỗi chân phải là cụt còn chân khác có mà anh chấp mấy cô ấy chứ.
Bà cũng cười theo nhưng rồi nghĩ ra cũng hơi bực. Sao mà đùa vô duyên thế. Bà đi trông con cho đứa thứ hai mới gần tháng mà con út đã kêu lên. Nó lại còn vẽ chuyện ý nhắc nhở sợ bố này nọ. Đối với ông thì sao bọn nó hiểu bằng bà. Ngày miền Nam giải phóng, ông trong hàng ngũ quân quản, có lúc gặp hàng tá con gái Sài Gòn, cũng nạc nạc mỡ mỡ mà ông vẫn phớt lờ. Ngay khi về cơ quan có quá nửa các cô gái trẻ cứ xoắn xuýt ấy vậy mà ông luôn một lòng với bà. Có lúc trêu ông, ông bảo: Tôi là người lính, nếu gục ngã thì gục ngã lâu rồi, đâu để đến bây giờ. Nói thì nói vậy cho ấm lòng nhưng đàn bà bao giờ đã hết ghen, có mà vào quan tài thì may ra. Cho nên hết thời gian con gái học bồi dưỡng, bà cũng phải về.
Đến nhà, cổng đóng im ỉm, cánh cửa gỗ khép chặt, chiếc khóa chắc chắn ngoắc bên ngoài. Vào nhà không khí im ắng như chủ nhà đi vắng đã mấy ngày. Bước vào trong, bếp nguội lạnh, nồi cơm mở vung ra đến rùng mình. Mảng cơm nguội mốc bốc lên xộc vào mũi khó chịu. Bấm máy điện thoại cho con gái thì nó trả lời đã đi công tác Sài Gòn mấy hôm, còn bố đi đâu không rõ. Thôi, kệ. Bà phải bỏ ra mấy tiếng để dọn dẹp nhà cửa, lau chùi nền nhà, rửa nồi bát đĩa. Xong đã quá trưa vẫn không thấy ông Tâm về. Bà bấm máy hỏi như đang ở xa, nhưng ông cười ha hả bảo:
- Bà về rồi phải không. Gớm đi lâu quá. Tôi bận chút nữa sẽ về. Bà chờ rồi ta liên hoan.
Cái ông này, chưa được nghe mắng hay sao mà còn nói chuyện liên hoan. Không biết mấy hôm nay ăn cơm ở nhà ai mà để nhà cửa thế này. Hay là… như con út đã nhắc mình. Khối người già rồi còn mê muội đó thôi.
Cơm dọn ra ông mới về. Tắm giặt xong, ông ngồi vào mâm, ăn như đã nhịn đói mấy hôm. Cơm và thức ăn sạch vèo. Ông nói thật thà có phần pha khôi hài:
- Cơm bà nấu ngon có một trên đời. Một tháng, hai ngày tôi mới được bữa ngon như thế.
Bà hỏi lòng hỏi dạ nhưng làm bộ vẫn nghiêm mặt. Bà định tra xét thì ông bảo: - Bà đi tắm ngay rồi tôi và bà đi đến chỗ này. Không phải hỏi, đến sẽ biết.
Xe máy đi lòng vòng chậm chạp loanh quanh trong phường vào trong ngõ hẹp, đến tần cuối ngách nhỏ mới dừng lại. Đứng trước một căn nhà nhỏ mái lợp Prôximăng thấp lè tè tựa cái bếp, cổng mở, cửa mở mà im ăng như không có ai ở nhà. Chỉ tay vào phía trong cổng, ông bảo: - Đây là nhà ông Học trước cùng chiến đấu với tôi trong miền Nam, đã có lần đến nhà ta họp mặt. Bà vào đi.
Bước vào trong nhà, bà bàng hoàng với khung cảnh trước mắt. Đồ đạc, giường tủ trong nhà quá xuyềnh xoàng, cũ kỹ. Trên tấm chiếu giường đôi là một người con trai béo quá khổ nằm quay mặt ra ngoài, khuôn mặt nhăn nhúm không rõ tuổi tác, mắt lồi ra, mồm méo xệch, từ trong mồm vừa định mở ra nói gì đó thì nước rãi úa ra chảy xuống chiếu. Ông Tâm rút khăn mặt chạy lại lau rồi bảo:- Không phải chào, đây là bác Hải, vợ bác đấy.
Có tiếng động đẩy cửa buồng. Chiếc xe lăn trườn qua bậu cửa bò ra ngoài. Một cô gái gầy teo tóp ngồi trên xe, đầu ngẹo sang một bên, nói giọng như đứa trẻ lên ba. Đôi chân teo tóp chỉ còn đôi tay xem ra còn bình thường.
- Cháo tào song phà…
Ông Tâm đến gần cô gái, nói nựng như với cháu:
- Đây là bà Hải bên nhà, bà mới về. Thế đã ăn bánh mà bác cho anh chưa?
- Nhồi ạ…
Ngồi vào ghế, ông Tâm nhìn thấy bà Hải tròng mắt đỏ hoe. Ông biết bà đang xúc động. Đã nhiều lần ông kể cho bà nghe về những nạn nhân chất độc da cam, bà đã rất đau lòng. Nay tận mắt bà nhìn thấy những con người bằng xương bằng thịt đang bị gặm nhấm, bị hành hạ họ sống không bằng chết, ông kể:
- Bà đi được mấy hôm thì ông Học bị đột qụy tim cấp cứu vào nằm viện. Bà ấy vào viện phục vụ mấy hôm cũng bị tai biến phải vào khoa thần kinh. Tôi phải cùng bà con trong hội chạy ba nơi, tôi phụ trách ông ấy và thằng Tòng, còn mấy bà giúp bà ấy và con Thắm. Tôi cứ cơm ở khoa dinh dưỡng cho đỡ mất việc. Mọi người thấy tôi già nên miễn cho ban đêm. Sẽ có người đến bây giờ. Bà xem, ông Học bệnh tật như vậy mà giỏi lắm. Con đường bê tông từ ngõ vào đây mấy trăm mét là do ông ấy lo cả. Ông vận động bà con đóng góp một phần còn lên phường, lên thành phố, đến mấy doanh nghiệp xin hỗ trợ. Đến đâu nghe ông giới thiệu là chiến sĩ tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn, ai cũng ủng hộ. Bây giờ rơi vào cảnh này thì mọi người giúp cho cũng là ân tình, có đáng kể gì. Phải không bà.
Bà nhìn ông đồng cảm. Bà biết rõ con người ông vốn có cái tâm cái đức của người gốc gác nhà nông chất phác lại được học hành tử tế, qua năm tháng làm cán bộ thời bao cấp chỉ biết phục vụ, cống hiến, lại qua thời kỳ chiến đấu rèn luyện trong chiến trường nên con người ông đã như một thanh sắt được tôi luyện. Ông vừa có cái mạnh mẽ kiên cường, vừa chan chưa tấm lòng thương người như thể thương thân. Cho nên tình nghĩa của những người cùng chiến đấu là vô cùng cao cả. Ông thường bảo bà: Mình còn có phúc hơn họ là còn sống trở về. Tuy không còn đủ nhưng không bị di chứng chiến tranh, con cái không bị ảnh hưởng gì. Bọn trẻ sinh ra làm gì nên tội mà chúng nó bị tật nguyền, sống không ra sống. Không có gì bù đắp được cho họ. Tình cảm của chúng tôi sâu nặng lắm. Bà đứng lên bảo ông:
- Thôi, thế này nhé. Ông về đi để hôm nay tôi và người được phân công ở lại giúp cho hai đứa.