Vết bầm trên chân mẹ

16:35, 07/03/2017

Huyên ngước mắt nhìn lên thấy mẹ đang ngồi trên cái bậc cửa gọt mớ đậu ve rồi cúi xuống tiếp việc dang dở đang làm. Lúc nào cũng thế, nó đắm chìm trong hàng mớ những thứ hỗn độn nào là bút kẻ, thước, những cái bản vẽ giấy tờ, cái máy tính con con… mớ công việc mà dường như ở công ty nó làm chưa đủ và phải kéo về nhà làm.

Cái ánh mắt nó ngước lên nhìn mẹ thậm chí cũng không biết có phải nó đang quan tâm không, hay chỉ là phút chốc đột nhiên nó thả hồn vào đâu đó để khỏi bị công việc làm cho ám ảnh. Nó là đứa hiếu thảo. Nó cực kỳ hiếu thảo. Và cũng vì quá hiếu thảo chẳng biết từ lúc nào nó trở thành con sâu việc. Lúc nào trong đầu cũng đăm đăm phải làm việc này việc kia, nó muốn có thể kiếm thật nhiều tiền để giúp gia đình thoát cảnh nghèo. Đến nỗi nó gầy nhom, mòn mỏi, đến nỗi nếu người khác nhìn vào cũng chẳng thể nói được cái giá phải trả của việc đó là gì.

 

Nhà Huyên không đến nỗi nghèo, cũng tầm tầm đủ sống. Mẹ Huyên sức khỏe yếu, chỉ có thể ở nhà phụ giúp việc nội trợ. Huyên còn có một đứa em tên Bao, nhưng nó còn nhỏ quá, vẫn còn đang mơ trong những hoài bão cắp sách đến trường. Ba Huyên làm đủ nghề để kiếm sống, trước thì làm thợ hồ, sau lại đi làm gỗ, rồi cuối cùng thì làm bảo vệ. So với những đứa trẻ sống trong cái xóm lao động "chó ăn đá, gà ăn sỏi" này chưa bao giờ chị em Huyên không có bữa cơm ngon. Cái bữa cơm ngon được so sánh với cuộc sống của những người dân lao động nghèo khổ, nghĩa là bữa cơm no có dăm miếng thịt, có vài con cá. Thậm chí những lúc nhà Huyên hết tiền vì ba trở bệnh không đi làm được, chị em Huyên cũng không bao giờ bị đói, ấy là nhờ có mẹ. Ba vẫn hay nói:

 

- Mẹ ở nhà không kiếm ra tiền, nhưng vì có mẹ ở nhà ba mới yên tâm đi làm. Nói thật, ba phục mẹ mày lắm, nếu không có mẹ mày cáng đáng công việc, rồi phân chia chi tiêu hợp lý thì dù ba mày có kiếm được tiền tỷ cũng tiêu hết.

- Gớm, ba có kiếm được tiền tỷ đâu.

- Thì… ý là ba mày nói thế cho tâng mẹ mày lên. Khổ, còn bắt bẻ ba nữa đấy.

 

Thuở còn nhỏ, Huyên phục mẹ nhiều nhờ những gì mình thấy và cả những điều ba kể nếu Huyên còn quá bé chưa nhận ra. Lớn dần lên, Huyên càng phục mẹ hơn nữa, vẫn chỉ một mình ba đi làm, mẹ vẫn chong đèn hàng đêm, cắt xén cái này, bù đắp cái kia, lại tính toán, lại thức khuya, và sáng hôm sau lại nở nụ cười đưa chị em Huyên tới lớp như không có gì phải suy nghĩ. Những ngày nhà rơi vào lúc hết tiền mà ba chưa lĩnh lương, mẹ lúc nào cũng đòi ăn cơm sau, dọn cơm cho ba cha con ăn trước. Khi thì mẹ bận cái này, bận cái kia chưa ăn kịp. Bữa cơm nào cũng cơm trắng nghi ngút, cũng dăm con tôm, cũng vài con cá, đầy đủ lắm. Ăn được vài hôm thì ba để hai đứa ăn trước rồi ăn cơm sau với mẹ. Sau, nó mới biết, vì nhà hết gạo, ba đi làm, chị em Huyên đi học, mẹ nó ưu tiên nhường cơm ngon cho ba người, rồi sau đó trộn cơm với muối ăn. Ba biết, nên sau ba cứ muốn chia sẻ cảnh khổ đó, rồi nhường lại cho chị em Huyên.

 

Từ nhỏ Huyên đã chẳng làm bất cứ việc gì, điều duy nhất Huyên làm là học, học miệt mài, học ngày đêm. Mỗi khi Huyên ngồi vào bàn, mẹ nó không bao giờ sai bất cứ việc nhà nào. Trước, mấy cô chú qua chơi hay bảo mẹ chiều Huyên, mẹ nó chỉ cười:

- Tôi chưa đến nỗi già mà không làm được mấy cái việc vặt vãnh chị ạ. Để nó học, thời gian nó học quý hơn, sau này rồi làm việc lớn.

 

Cái việc lớn mẹ Huyên nói mãi sau này nó vẫn chẳng biết nó đã làm được chưa, chỉ biết rằng nó trở thành học sinh giỏi, rồi sinh viên giỏi, rồi tốt nghiệp và vào làm một công ty tầm trung, rồi trở thành trụ cột cho cả gia đình. Khi nó trưởng thành cũng là lúc ba nó bắt đầu già yếu, nó bàn với ba:

- Con quyết rồi, con giờ có thể nuôi gia đình mình được. Tuy không đến mức khá giả nhưng ít ra cũng đủ sống. Ba đừng đi làm nữa.

Thấy nó quyết, ba nó đành nghỉ làm. Nhưng kỳ thực ở nhà lại cùng mẹ nó nhận rổ về đan kiếm ít đồng bạc lẻ. Thấy thế, nó càng quyết tâm đi làm. Đến nỗi ở công ty, nó không chơi với một ai, lúc nào cũng vùi đầu vào việc. Về nhà, nó nhận cả việc về để làm tăng thêm thu nhập. Mẹ nó thấy thế nhiều lúc nói:

- Con cũng nên bớt việc đi, để nhiều nặng đầu đấy, cũng phải dành thời gian nghỉ ngơi chứ.

Nhưng nó nghe xong ậm ừ rồi lại thôi. Nó thương ba mẹ nó. Nó cuồng công việc. Nhưng có lẽ nó không biết vì quá cuồng công việc, thời gian nó bên ba mẹ càng ít đi. Mới đây, mẹ nó bị ngã, lúc đó đương có hợp đồng quan trọng thành ra nó không về được, lòng dạ cũng bồn chồn thì mẹ điện thoại: Mẹ ngã ngoài đường nhưng không sao. Trầy chân thôi. Yên tâm làm nhé con. Rồi công việc nhiều quá, nó lại quên bẵng. Thấy mẹ đau chân nó nhờ người mua chai dầu thật đắt về đưa mẹ rồi đi công tác biền biệt. Kì ấy, hợp đồng thắng to.

 

***


Thi thoảng Huyên thấy chân mẹ đi cà nhắc nhưng hỏi thì mẹ cứ cho qua. Ba nó cũng không nói gì chỉ năng giúp mẹ hơn. Thậm chí, nó mới sờ vào đống đồ định giặt đã thấy thằng Bao lăng xăng chạy lại: Để em giúp mẹ, chị cứ làm việc đi, cẩn thận nhé. Nó chợt sững lại. Nó đã không nhận ra thằng Bao đã lớn đến mức có thể giúp mẹ mọi việc. Nó đã không nhận ra ba mẹ tóc đã bạc thêm. Thậm chí nó còn không nhận ra nó không nấu nổi một nồi cơm, giặt nổi một bộ quần áo. Ở công ty, nó là người được mọi người tin tưởng, nhưng về nhà, việc nó làm chỉ là đưa tiền. Thậm chí, khi nó giành lại thau đồ từ thằng em nó cũng không biết phơi đồ chỗ nào trong chính ngôi nhà mình đang sống.

 

Ngẫm lại, từ bé đến giờ, nó chỉ có học, không phải là tiểu thư nhưng lúc nào mẹ cũng bên cạnh, lo từng li từng tí, chưa bao giờ, chưa bao giờ trong hai sáu năm cuộc đời của nó động tay vào bất cứ việc gì. Người khác nghe vào, dễ hiểu sai cuộc đời mà nó đang đi, dễ hiểu sai những yêu thương mà ba mẹ đang trao cho nó. Chỉ đơn giản là mỗi ngày người cha, người mẹ ấy cứ giành hết mọi việc làm phần mình để nó có thời gian học. Còn nó, nó sai khi ỷ lại vào việc đó với ý niệm phải cố gắng học thật giỏi và kiếm thật nhiều tiền, chung quy lại, cũng chỉ vì tình cảm mà ra.

Đột nhiên, Huyên buông bút, lại gần ngồi cạnh mẹ:

- Chân mẹ sao rồi? Đưa con xem.

Mẹ nó có chiều không muốn, nhưng nó vẫn kéo chân mẹ lại, bàn chân sưng phồng to tướng, tím bầm, dễ gấp rưỡi bàn chân nhỏ xíu của mẹ rồi. Nó hốt hoảng:

- Thuốc con mua cho mẹ đâu rồi?

- Nó nằm trên kệ - Huyên ngước lên nhìn, chai thuốc đắt tiền vẫn còn nguyên trong gói - Mẹ thấy nó đắt quá, để giành. Khi con cần, con dùng.

“Cả đến lúc đau thế này má vẫn chỉ nghĩ cho con sao?”. Nó muốn nói nhưng không thốt ra thành tiếng. Nó nhìn lại mẹ, nhìn lại gia đình mình, nó những tưởng đã quan tâm đến gia đình rất nhiều nhưng kì thực là không làm gì được cả, vì thứ gia đình Huyên cần đó là tình yêu thương và sự quan tâm dù cuộc sống có nghèo khổ.

- Mai mẹ con mình đi bệnh viện nhé. Còn thằng Bao nữa, mai nghỉ đúng không? Chị em mình đi chợ, nấu ăn. Nhưng có nhiều thứ chị cần phải hỏi em đấy. Cả mẹ, cả thằng Bao đều mắt tròn mắt dẹt như muốn nhắc Huyên phải đi làm. Huyên chỉ cười: - Hình như con bị cảm rồi, nên chắc phải viết đơn xin nghỉ, mà đôi khi mình cũng nên bệnh một chút để được nghỉ ngơi. Con  thấy con làm đủ rồi.

 

Có vẻ họ chưa hiểu, riêng Huyên thì hiểu mình phải sống tiếp theo như thế nào. Hai mươi sáu tuổi, có lẽ là chưa quá muộn, một bài học từ vết bầm trên chân mẹ.