Tuyết năm nay đã là học sinh lớp 9, là Đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, còn là lớp phó của 9A6 nữa. Tuy học tập chỉ vào loại khá nhưng Tuyết hiền lành chăm chỉ nên được thầy cô và các bạn quý mến. Ở nhà Tuyết có một góc học tập riêng. Trên ô giá sách để ngay giáp bàn học, ai đến chơi cũng nhìn thấy một cái hộp nhỏ, xinh xắn có nắp đậy bằng kính trong suốt, bên trong đựng một tấm khăn quàng đỏ gấp gọn gàng. Sao đã là đoàn viên mà Tuyết còn giữ tấm khăn quàng đỏ làm gì nhỉ? Chỉ có mấy người bạn thân mới biết đó là kỷ niệm không quên của Tuyết.
Việc xét vào Đội Thiếu niên tiền phong tuy không phải khó khăn gì nhưng phải căn cứ vào thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy mà đưa ra tập thể lấy biểu quyết. Ai vi phạm một trong các tiêu chuẩn sẽ để lui lại vào đợt sau để sửa chữa, phấn đấu.
Nhớ lại lần ấy, lúc Tuyết còn học lớp 5. Sắp đến đợt kết nạp đĐội đợt 26/3, hôm đó mới bước sang học kỳ hai. Trong giờ ra chơi, mấy đứa con trai lớp 5 bên cạnh sang trêu đùa, nghịch ngợm, trong đó có thằng Ba con chú Bảo hàng xóm cạnh nhà Tuyết. Nhà nó nghèo nhất xóm, bố bị tai nạn giao thông nằm liệt giường, mẹ nó lại bỏ đi lấy chồng khác, nó ở với bà nội đã già yếu. Chúng đùa nghịch ầm ĩ. Thàng Ba đuổi nhau với mấy đứa, nó vung tay chẳng may đụng phải lọ hoa trên bàn cô giáo. Cái lọ xoay đổ trên bàn rồi lăn vào góc, Tuyết vội lao đến định đỡ nhưng không kịp, cái lọ hoa rơi xuống vỡ làm mấy mảnh. Cả bọn sợ hãi chạy vội về lớp chúng. Tuyết nhặt các mảnh vỡ để vào thùng rác và lau nước bị đổ trên nền lớp. Vừa lúc đó cô giáo vào nhìn thấy. Cô hỏi:
- Sao, em làm vỡ lọ hoa à?
- Dạ. Em đùa nên tay va phải làm nó rơi vỡ. Em xin lỗi cô ạ. Mai em sẽ mang lọ hoa của nhà đến thay ạ.
Có tiếng xì xào: Không phải nó làm, sao cái Tuyết lại nhận nhỉ. Tuyết nghĩ đơn giản nhà thằng Ba hoàn cảnh như vậy, nếu biết nó đùa nghịch làm vỡ lọ hoa thì sao chịu nổi nên Tuyết nhận lỗi về mình mà thôi. Cô giáo không để ý nên việc cho qua. Đợt ấy vì làm vỡ của công nên Tuyết bị hoãn kết nạp Đội.
Đến đợt kết nạp Đội dịp Ngày sinh của Bác 19/5. Cô giáo đã lên danh sách để thông qua lớp, bỗng việc lại xảy ra.
Hôm đó tự dưng Tuyết đi học muộn 15 phút. Cô giáo hỏi nhưng Tuyết ấp úng. Không ai trong lớp biết lý do, chỉ có bạn Hòa ở lớp 4, nhà ở đầu xóm là biết rõ.
Hòa và Tuyết tuy học chênh nhau một lớp nhưng bằng tuổi. Nhà Hòa cũng neo. Ngoài buổi học Hòa phải ra ruộng làm cùng mẹ. Bố Hòa là thương binh và nạn nhân chất độc da cam nên rất yếu. Hôm ấy trời mưa, đường trơn. Lúc ở đồng về, Hòa vấp trượt, ngã gẫy chân, phải bó bột. Mới được tuần lễ, mẹ Hòa sang nhờ Tuyết đèo bạn đi học. Ở xóm đó nhà Tuyết là khá giả hơn cả, còn có xe đạp, các bạn khác đều đi bộ. Tuyết đèo Hòa được nửa đường thì Hòa kêu là quên nạng dựa ở tường. Nếu không có nạng, đến lớp sao đi lại được. Tuyết lại quay lại nhà Hòa, lóng ngóng mãi mới tìm được cách buộc nạng vào xe nên đến trường bị muộn.
Thế là đợt ấy Tuyết lại bị hoãn kết nạp Đội.
Đối với bản thân mình, Tuyết không hề ân hận nhưng Tuyết không thể biện minh trước lớp và cô giáo. Tuyết biết có thể đợt kết nạp Đội này gần như là lần cuối cùng ở tiểu học. Chỉ còn mấy bạn học kém và nhiều thiếu sót nên Đội để lại, không ngờ Tuyết lại rơi vào cùng một loại với các bạn đó.
Buồn nhất là bình phẩm của các bạn. Người thì bảo Tuyết tính hâm hấp, người thì bảo hay là ở nhà Tuyết gây ra chuyện gì với bố mẹ. Thậm chí có bạn nói thẳng ra nghi ngờ lực học của Tuyết chắc gì đã là thật.
Nghe các bạn nói, Tuyết đã khóc nức nở. Nhưng không thể vì muốn được kết nạp Đội mà biện minh hoặc nhờ ngay bạn Ba và Hòa nói ra cho Tuyết. Chẳng sao. Vì nếu so với 5 điều Bác dạy thì Tuyết vẫn còn có điểm chưa xứng đáng.
Một ngày cuối năm học, chỉ còn mấy hôm nữa là bế giảng. Tuyết đang bần thần đứng ở gốc cây gần cổng trường thì có tiếng gọi: Tuyết ơi, Tuyết.
Quay lại, Tuyết ngạc nhiên vì cả cô giáo chủ nhiệm và cô tổng phụ trách Đội đang tươi cười bước đến, tay vẫy về phía Tuyết. Tuyết chạy lại: Em chào hai cô ạ. Cô giáo chủ nhiệm ôm chặt Tuyết vào lòng, hỏi:
- Em chưa được vào Đội có buồn không. Kìa, sắp khóc hả. Đã sắp ra trường tiểu học, sao chả buồn nhỉ. Bây giờ cô tổng phụ trách sẽ nói chuyện với em.
Cô tổng phụ trách nắm bàn tay nhỏ bé của Tuyết, giọng cô ngọt ngào:
- Tuyết ơi. Em thực sự là một học sinh ngoan. Em đã học khá lại biết giúp đỡ bạn, biết hy sinh bản thân gánh khuyết điểm cho bạn, biết giúp gia đình chính sách lúc tai nạn, người nghèo khó. Các cô đã được các bạn kể lại các sự việc, trong đó có Ba và Hòa. Em rất xứng đáng là Cháu ngoan Bác Hồ, một đội viên tốt. Em sẽ được công bố kết nạp Đội vào buổi chào cờ sáng thứ hai tuần sau và được chọn đi dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ của huyện đấy.
Tuyết cảm động ngấn lệ, nói ấp úng:
- Em cảm ơn hai cô và các bạn ạ.
Tấm khăn quàng đỏ được cô tổng phụ trách trao cho là một kỷ niệm sâu sắc của Tuyết trong thời gian sinh hoạt Đội. Tuyết luôn trân trọng giữ gìn, không lúc nào quên như luôn ghi nhớ nhiệm vụ của người đội viên vậy.
Sau buổi được công bố kết nạp Đoàn, Tuyết quyết định cất giữ tấm khăn quàng đỏ như một lời tự nhủ: Đoàn viên hay Đội viên cũng đều là cháu ngoan của Bác Hồ, luôn phải thực hiện đầy đủ lời Bác dạy.