Hoa khế tím

10:17, 10/07/2018

Vườn nhà chị Đường trồng rất nhiều khế ngọt. Mùa này, 4,5 cây khế nhà chị đang ngập tràn sắc hoa.

Chị hay mời tôi ngồi ở bàn uống nước bằng đá dưới gốc khế gần cổng. Nhấp chén trà hoa nhài thơm do chính tay chị pha, chúng tôi cùng bàn chuyện văn chương. Ngắm nhìn hoa khế, tôi thấy vẻ đẹp giản dị đến nao lòng. Màu tím pha trắng của cánh hoa tạo nên sự bảng lảng, nhẹ nhàng, không rực rỡ cầu kỳ, mà tựa như thiếu nữ thôn quê giản dị, làm giảm bớt cái oi nồng mùa hạ. Khi những tia nắng lấp lánh xuyên qua vòm khế, tôi và chị đều ngẩn người.

Hôm ấy, lúc tôi sang chị đang ngồi bần thần với rất nhiều đồ đạc trên bàn. Nhìn qua, tôi đoán đó là kỷ vật xưa cũ của chị. Thấy tôi, chị mời uống nước rồi bảo:

- Mấy ngày nữa chị bốc mộ tắm cho anh nhà. Chị đang băn khoăn không biết có nên đốt hết những kỷ vật trước đây của anh chị không?

Chị đưa cho tôi xem một tập thư và bảo: - Đây là những lá thư mà anh chị đã viết cho nhau suốt những năm kháng chiến. Còn đây là chiếc khăn tay chị thêu tặng anh ngày anh từ biệt vào chiến trường miền Nam. Tôi cầm tập thư lên, nhìn qua thấy nét chữ rõ ràng, đẹp đẽ liền trêu:

- Chị không sợ em đọc hết những chuyện tình yêu giấu kín của hai người sao?

- Có gì bí mật đâu, tình yêu hồi xưa của anh chị trong sáng lắm. Yêu nhau mấy năm mà chỉ dám cầm tay nhau, nụ hôn đầu đời anh ấy hôn lên trán chị.

Cả tập thư được chị Đường xếp gọn ghẽ. Giữa tập thư chợt rơi ra một tấm ảnh. Tôi xem kỹ đó là bức ảnh đen trắng có hình ba cô gái đều tầm độ tuổi 18 đôi mươi, trong đó một cô tết tóc đuôi sam. Tôi hỏi:

- Chị là cô gái tết tóc đuôi sam phải không ạ? Em biết ngay là hồi trẻ chị rất đẹp mà? Thực ra, tấm ảnh đã mờ, tôi nhìn không kỹ nhưng vừa đọc được đoạn thư này của anh nhà nên đoán thế: “Em ơi, tình yêu của chúng ta vậy là đã sáu năm rồi. Sáu năm, xa cách nhiều hơn những lần gặp gỡ, song anh luôn tin tưởng tình yêu ta dành cho nhau gấp bội lần. Những đêm dài hành quân bên nước bạn, những ngày tháng sốt rét dai dẳng, trong đầu anh chỉ có hình ảnh của em, đôi mắt sáng như biết cười, mái tóc tết đuôi sam và cả hương hoa khế tím theo anh suốt chặng đường hành quân. Anh tin ngày chiến thắng, ngày chúng ta sum họp sẽ không xa nữa”.

- Đúng rồi, hồi xưa tóc chị dài ngang hông, dày và mượt lắm.

Lướt qua một lượt tập thư, tôi thấy anh viết giản dị mà cảm động, có bức thư còn kèm theo cả bài thơ anh sáng tác dành tặng riêng chị hay mẩu báo đăng bài Tình ca của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: “Đừng yêu ai, em nhé/ Chỉ yêu mình anh thôi...:.

“Anh là chính trị viên đơn vị, lại đọc rất nhiều sách nên văn phong em khen hay là phải”, chị cười nói với tôi mà như đang nói với chính mình, dòng hồi tưởng về thời thơ ấu chảy tràn: Khi chị lớn lên, cây khế ngọt đã duyên dáng trước ngõ nhà rồi. Nép bên ngõ, khế nở hoa đẹp đủ mê lòng người, cho quả ngọt đến tít mắt mà mỗi khi vào vụ, mẹ chị trưa vẫn mắng xa xả tụi trẻ con rình không có người ở nhà là vào bứt trộm. Dưới gốc khế rợp mát, chị và lũ bạn trong xóm chơi đánh chuyền, ô ăn quan. Chán rồi, lại chuyển sang chơi nhảy ngựa, hoặc dùng dây chun buộc vào gốc khế để nhảy dây. Chị là con gái nhưng nghịch lắm, suốt ngày leo trèo cây khế. Vào mùa quả sai lúc lỉu, là là giăng mắc, chỉ cần trèo cao hai mét, rồi với tay ra là túm được một chùm khế. Cây khế không cao lắm, dễ trèo nhưng cành giòn dễ gãy. Hồi chị học lớp 6, trèo cây khế mải với chùm quả ở xa mà đã bị ngã gãy tay phải bó bột. Nhà anh Thu ở làng kế bên, bố anh là thầy lang chuyên bốc thuốc. Chị đã quen anh như thế. Anh lớn hơn chị 7 tuổi. Cuối năm đó, anh đi bộ đội, lên đường vào Nam đánh giặc. Trẻ con nhanh quên nên chị chẳng nghĩ sẽ gặp lại anh khi đang là thanh niên xung phong thuộc Đại đội 915 Bắc Thái làm nhiệm vụ ở Linh Sơn sau gần 10 năm xa cách.

* * *

... Chị Đường đang nằm võng nghỉ trưa cùng mấy đồng đội ở một nhà dân bên Linh Sơn. Chợt tiếng cái Thái từ đâu chạy về hớt ha hớt hải:

- Đường ơi, có một anh bộ đội đẹp trai lắm đang tìm mày kìa.

Mấy cô ngồi từ võng bật dậy nhao nhao:

- Đâu đâu, Đường ơi mày chết nhé, có người yêu lúc nào mà không khai báo với chị em hả?

Chị Đường ngồi dậy đỏ mặt nói:

- Tao nói thật mà, làm gì có người yêu nào đâu mà chúng mày cứ trêu.

Rồi một người dong dỏng cao vận bộ quân phục màu cỏ úa bước tới chào mọi người, hướng ánh mắt về phía Đường:

- Đây là Đường đúng không? Vẫn tết tóc đuôi sam như ngày xưa nhỉ?

Chị Đường còn đang ngơ ngác chưa nhận ra ai thì mấy cô gái đằng sau đang liếc trộm anh bộ đội rồi xô đẩy nhau làm chị ngã dúi về phía anh. Sau khi biết anh là người quen cùng làng chị Đường, lũ bạn ý tứ rút lui cho hai người trò chuyện. Cũng từ hôm ấy, chị Đường biết anh tên Thu, chính là con ông thầy lang đã bó bột cho chị thuở nhỏ. Giờ anh là sĩ quan thuộc sư đoàn bộ binh chiến đấu trong chiến trường miền Nam. Đợt về phép thăm nhà, anh qua hỏi thăm và biết được chị Đường đang tham gia thanh niên xung phong ở đây nên tìm đến. Từ đó, hai người thường xuyên thư từ liên lạc với nhau. Tình yêu của họ không biết từ khi nào chớm nở, nhẹ nhàng, sâu kín. Giữa hai người chưa có gì hơn một cái nắm tay. Lời yêu của anh, lời hẹn ước sẽ kết duyên khi nước nhà thống nhất cùng nụ hôn trên trán anh trao vội cho chị dưới gốc cây khế của một nhà dân ở Linh Sơn.

* * *

Qua câu chuyện chị kể tôi được biết chị Đường là một trong số tám người bị thương trong trận Mỹ đánh bom tháng 9-1972 xuống Thái Nguyên năm đó. Không may, chị bị hỏng một tay, đồng thời mảnh bom găm vào ngực với tỷ lệ thương tật qua giám định là 31%. Vết thương ở ngực khiến chị mặc cảm và đã quyết định cắt đứt liên lạc với anh. Khi hết thời hạn tham gia thanh niên xung phong, chị được điều về cửa hàng ăn uống của huyện. Dù nhiều người thân mai mối nhưng chị đều từ chối không muốn tiến tới hôn nhân với ai. Còn anh, sau ngày giải phóng miền Nam, trên mình còn dấu tích của 10 lần bị thương, anh nghỉ phép về thăm nhà và đi tìm chị. Rồi họ đã kết hôn như lời hẹn ước dưới gốc khế tím ngắt hoa năm nào ở Linh Sơn. Lấy nhau rồi nhưng anh chị vẫn sống trong xa cách vì đơn vị anh đóng quân tại phía Nam, mình chị ở quê tảo tần nuôi con trai lớn lên. Mãi đến năm 1984, anh mới được chuyển ra Bắc và làm chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự huyện nhà. Tiếng là làm gần nhưng cơ quan anh cũng cách nhà mấy chục cây số nên thỉnh thoảng anh chị mới được sum vầy. Rồi cũng đến ngày anh về nghỉ chế độ, chị những tưởng hai người có những ngày tháng cuối đời hạnh phúc bên nhau. Thế nhưng vết thương trên người khi trái gió trở trời hành hạ khiến anh thường xuyên đau ốm và mất cách đây mấy năm vì bạo bệnh.

Chị Đường dừng lời, đôi mắt ngước nhìn lên cây khế, chợt nói vu vơ:

- Năm nay các loại quả có lẽ đều sai cô nhỉ?

- Vâng, cây trái được mùa người dân cũng mừng. Mà hè rồi, không biết thằng Minh có cho con về thăm bà không?

Câu hỏi của tôi như vô tình khiến chị buồn, chị nhẹ nhàng bảo:

- Công việc của hai vợ chồng nó bận lắm. Đợt tới bốc mộ bố, Minh nói sẽ đưa cả nhà về. Chợt chị dừng lời hỏi tôi: Cô thấy thằng Minh giống bố hay mẹ?

- Em thấy giống cả bố cả mẹ chị ạ. Cháu nó ngoan ngoãn, giỏi giang, giờ làm lãnh đạo to rồi hả chị?

Chị Đường cười hiền dịu:

- Lãnh đạo to gì đâu. Nó là đồn trưởng biên phòng ở Cao Bằng, vợ dạy học gần đó. Ai cũng bảo thằng Minh giống bố, từ nét mặt đến giọng nói và tính tình nhưng thật ra cháu không phải là con đẻ của vợ chồng chị. Anh bị nhiễm chất độc hóa học nên chị có mang hai lần sinh xong đều bị hỏng.

Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, chị chậm rãi kể: Minh là con của một đồng đội chị hồi ở Đại đội thanh niên xung phong 915. Sau khi rời lực lượng thanh niên xung phong, vợ chồng cô ấy về quê lập nghiệp, chẳng may cả hai bị tai nạn mất, để lại đứa bé chưa đầy 1 tuổi cùng mế già. Vợ chồng chị lên thăm, thương con quá nên đã ngỏ lời đón về nuôi.

- Cháu Minh có biết chuyện không chị?

- Khi nó xây dựng gia đình chị đã cho nó biết sự thật. Minh cũng đã về trên quê để thắp hương cho bố mẹ đẻ và bà của mình. Mấy lần cháu ngỏ lời đón chị lên ở cùng vợ chồng nó nhưng chị không đồng ý. Ngôi nhà này, vườn cây này có cả bóng hình của ông ấy, sao chị có thể bỏ đi?

Tôi gật đầu đồng cảm với chị. Bất chợt những cánh hoa khế theo gió rơi đầy xuống, mùi hương bảng lảng cả một khoảng sân. Có lẽ hình bóng và tình yêu chị dành cho anh nhà mãi mãi chẳng bao giờ phai nhạt trong ký ức. Cũng như cây khế trong vườn nhà được chị lấy giống từ vùng đất Linh Sơn kia, bao năm sau khi anh ra đi, vẫn đơm trái ngọt ngào.