Vợ chồng người thương binh

14:23, 07/07/2018

Bà Hợp về quê ăn giỗ mấy hôm mà ruột nóng như lửa đốt. Ông ấy ở nhà một mình chả biết ăn uống xoay sở ra sao. Bảo cho đứa cháu sang nhà giúp thì không nghe. Có đủ chân tay thì chả nói, đằng này mất một chân. Bom đạn chiến trường nay mới ngấm, thi thoảng lại cơn vật vã đau xương cốt, rối loạn thần kinh. Nhà vườn rộng, ao sâu. Càng nghĩ càng lo.

Ăn giỗ xong là bà ra bến, lên xe khách về ngay. Vào nhà không thấy ông đâu, ra sân, ra vườn cũng không thấy. Quái lạ, ông này đi đâu thế nhỉ?

- Ông ơi, ông ở đâu đấy?

- Tôi đây, ở bờ tre. Bà ngồi nghỉ, chờ tôi một lát nhé.

Bà chạy vội ra bờ tre. Ông đang xoay trần, hai tay gồng lên, lưng cong xuống, bàn chân còn lại và cái chân gỗ đang cố làm trụ để kéo cây tre vừa chặt nhưng ngọn tre bị kẹt nên chưa rút được.

Bà la to:- Ông làm cái gì thế. Ngã bây giờ. Kẹt rồi còn kéo cái gì. Để tôi.

Buông gốc tre, ông cười làm lành: - Tôi biết bà sắp về nên ra oai để bà thấy rồi tham gia cho vui ấy mà.

- Cái ông lão này, vớ vẩn. Ra oai với vợ bao năm rồi mà chưa thỏa mãn à. Xem đây.

Bà nói rồi nâng gốc tre, vặn sang trái một chút, chạy sang bên phải mấy bước, ngắm đúng tầm bà kéo đánh soạt, ngọn tre tuột ra khỏi khóm tre già ngon như rút đũa ăn cơm vậy.

Ông lại cười: - Biết tài bà rồi. Người ta bảo thứ nhất chặt tre, thứ nhì ve gái là ở đó. Bà chưa về tôi cứ để phần bà. Đàn bà gần bẩy chục như bà hiếm lắm, chỉ tôi mới có.

Bà cầm dao, róc cành, róc mấu rồi nâng lên vai phăng phăng vác về. Đặt cây tre trên sân bà quay lại chờ ông cùng đến bể nước rửa chân tay. Xoa nước mát lên mặt, ông cười hóm hỉnh trêu bà:

- Gớm, bà về tôi như tỉnh lại. Bà đi vắng tôi buồn quá. Từ nay có đi đâu thì đi một ngày thôi.

- Ông vớ vẩn, lúc nào cũng như trẻ con.

*        *
*

Cô Hợp năm đó là bí thư chi đoàn xã. Trong một dịp chi đoàn lên thăm thương binh ở huyện, cô thấy có một thương binh nặng tên Hòa cụt mất chân phải đến giữa bắp đùi, đầu, tay đều bị băng bó. Vì mất nhiều máu nên thở yếu ớt. Không hiểu sao Hợp lại thấy gần gũi thân thiết với anh Hòa như thế. Hợp xin trạm cho cô hàng ngày lên săn sóc anh. Thế là cứ sau bữa cơm chiều, Hợp lại đi như chạy đến trạm để gặp anh. Vì tay anh bị gẫy xương nên cô phải bón cháo cho anh. Một lần anh ngần ngừ rồi hỏi Hợp:

- Em với tôi không thân thiết, không họ hàng, sao em lại tình nguyện giúp đỡ tôi.

Hợp nhìn anh rồi nói tránh:

- Anh bị thương nặng, chi đoàn cử em đến chăm sóc cho anh nên em đến.

- À, thế là nhiệm vụ của đoàn phải không. Vậy kính thưa cô bí thư chi đoàn, ngày mai tôi được tháo bột, sẽ tự mình lo cho bản thân được, coi như cô đã hoàn thành nhiệm vụ, trở về nhà được rồi.

- Dạ, thì cứ để ngày mai. Nếu anh lành tay em chúc mừng, còn có hoàn thành nhiệm vụ hay chưa còn do tập thể chi đoàn công nhận, cho phép về thì em mới được về. Thế nếu em tiếp tục ở lại anh không thích à.

- Để ngày mai anh nói nhé.

Trái tim Hợp rung động. Cô đã dối lòng, bịa ra chuyện chi đoàn phân công. Mấy tháng gần gũi chăm sóc cho Hòa, Hợp thấy như có một sợi dây vô hình, đang gắn cô vào với anh. Qua trạm cô biết anh là con của một gia đình nông dân, chưa có vợ, trước khi bị thương anh là đại đội trưởng. Cách anh nói năng, cư xử rất thân thiện, nhẹ nhàng khiến cô càng yêu mến anh hơn. Cô biết Hòa hỏi chỉ là để thăm dò mà thôi. Hợp nhìn anh rồi thấy mình cũng phải trêu lại:

- Vâng, nhưng chuyện ngày mai thì để mai. Nay em hỏi anh nếu sau ngày mai, có cô nào ở quê lên đón anh về để chăm sóc thì anh có về không.

Hòa trố mắt nhìn Hợp. Cô gái này cũng hóm hỉnh lắm đây. Tuy vậy anh vẫn thật thà:

- Làm gì có cô nào. Mười bẩy tuổi anh đã lên đường nhập ngũ. Lành vết thương anh sẽ về nhà nhờ các cụ phục vụ mà thôi.

- Anh đừng có mà nói dối. Em đợi một tháng nữa xem có cô nào lên là chết với em đấy.

Cả hai cùng cười. Mỗi người đều đang giấu ý nghĩ riêng của mình.

Số phận mỉm cười với Hòa. Ngày hôm sau chiếu chụp, bác sĩ đọc phim nói như reo:

- Chúc mừng đồng chí, vết gẫy đã liền, lát nữa chúng tôi sẽ tháo bột, nhưng đồng chí chưa được vận động mạnh. Chúng tôi sẽ hướng dẫn cho đồng chí và cô Hợp biện pháp luyện tập phục hồi. Khỏe như đồng chí chắc sẽ chặt tre, cày ruộng được đấy.

Hợp sung sướng như không có gì bằng. Giờ đây cả hai đã thầm yêu nhau. Đây chính là nguồn động lực giúp họ gần nhau hơn. Hòa nhìn Hợp trêu:

- Vậy từ mai tôi tự xúc cơm được rồi, đồng chí có nhớ lời hứa với chi đoàn không.

Hợp đấm nhẹ vào vai Hòa:

- Nhưng còn hẹn một tháng để xem mặt vợ sắp dạm ngõ của anh rồi em mới về cơ mà. Ông bác sĩ nghe thấy góp chuyện:

- Chà chà, cô Hợp chắc ăn ghê. Chờ một tháng chứ một năm cũng không có ai ở quê ra như cô nói đâu. Chỉ có người mấy tháng nay chăm sóc đồng chí Hòa thôi, cho trạm ăn cỗ đi.

Cuối năm đó, sau khi an dưỡng về, đám cưới giản dị đơn sơ của họ diễn ra trong niềm vui của hai làng cách nhau trên trăm cây số. Mấy chục năm sống bên nhau không ít lần vết thương tái phát, đau đớn phải đi viện, đầu đau như búa bổ mỗi lần thời tiết thay đổi nhưng ông bà Hòa - Hợp như có một điều gì đó thiêng liêng, gắn bó hơn máu thịt. Họ dựa vào nhau trong ngôi nhà lá đơn sơ với tình yêu, hạnh phúc chân thành. Nay các con đã ở riêng, chỉ còn lại hai vợ chồng già, nhưng họ vẫn giữ được cuộc sống trẻ trung như xưa.

Vào  đến nhà bà Hợp mới hỏi vặn: 

- Thế ông chặt tre làm gì. Hàng rào thì vẫn còn tốt, có gì phải chặt tre.

Öng Hòa gãi tai:

- Bà đừng giận tôi mà tội. Tôi chặt tre định đan cái rổ, cái rá tặng bà khi bà về quê lên.

Lườm ông, bà Hợp trách yêu:

- Ông già mà vẫn như trẻ con!