Hoa và cờ đỏ thắm. Nét mặt ai cũng hân hoan rạng ngời. Cầu Bến Tượng điệu đà uốn nhịp, mặt cầu thênh thang thỏa sức gió đùa. Cầu mới, cầu mới! Mọi người náo nức lên cầu, ai cũng muốn đặt chân lên mặt nhựa đen bóng, vịn tay lên lan can thơm mùi sơn, ngắm sông Cầu trong sương bảng lảng. Tách khỏi dòng người háo hức, tôi dướn mắt nhìn về nơi ấy, tiếc quá, mắt tôi vướng bởi khúc quanh của sông nên không thể nhìn thấy thứ tôi thương nhớ: Cầu Gia Bẩy.
Khác hẳn thường ngày, hôm nay cầu Gia Bẩy thảnh thơi soi bóng xuống mặt nước phẳng lì. Gánh nặng gần thế kỷ trĩu vai cầu nay được sẻ chia. Chàng trai Bến Tượng vươn mình đón lấy trọng trách, để Gia Bẩy được ngơi nghỉ phần nào. Phút tĩnh lặng của cầu khiến tôi bồi hồi nhớ, bồi hồi thương những gì đã trôi qua bấy lâu, ở cây cầu này.
Nếu nói về tuổi, cầu Gia Bẩy đã gần trăm rồi. Vóc dáng của cầu, ngày đó là hoành tráng và đáng tự hào. Những “bách niên giai lão” người Thái Nguyên còn nhớ cầu Gia Bẩy xưa bằng bê tông cốt thép dài gần 100 mét, rộng gần 4 mét, tải trọng dưới 10 tấn, đặt trên con đường huyết mạch nối Quốc lộ 1B từ Lạng Sơn qua Thái Nguyên. Đầu năm 1947, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Phá cho rộng, phá cho sâu, phá cho bọn Pháp không lợi dụng được", người dân Thái Nguyên đã tự tay dỡ, phá bỏ tất cả công trình cơ quan công sở, đường giao thông, cầu cống, nhà cửa của mình để ủng hộ kháng chiến. Và, cầu Gia Bẩy đã bị quân và dân ta phá sập. 8 năm sau, cầu được dựng lên từ mố cầu cũ, hình dáng như cũ, có vai trò quan trọng về quốc phòng và kinh tế; là điểm vui chơi, hẹn hò của thanh niên hai bên cầu và các khu phố lân cận.
Bà Nguyễn Thanh Thủy (69 tuổi), cư dân cũ của tiểu khu Gia Bẩy, khu phố Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) nhớ như in kỷ niệm bên cây cầu. Bà kể: Những năm 1960, khu phố Hoàng Văn Thụ có tiểu khu Chiến Thắng, Gia Bẩy và Quán Triều. Tiểu khu Gia Bẩy gồm các cư dân ở khu vực đầu cầu, phía Thành phố. Cầu ngày đó là địa điểm vui chơi, hẹn hò, hóng mát của mọi người. Khung cảnh nơi ấy rất thanh bình, nên thơ. Nước sông trong vắt, nhà nhà gánh nước sông về dùng. Bến sông cát thoai thoải, cá mương quấn quýt đớp chân người. Trên sông, những chiếc bè nứa, tre, luồng của ông Hùng, ông Khẩn… dài hàng trăm mét đưa từ thượng nguồn về, neo nghỉ dưới bóng cầu. Chiều chiều trẻ con bơi lội, người lớn tắm giặt, vui đùa vang động khúc sông. Những đêm trăng sáng, gái trai hẹn ra cầu ngồi chơi, ngắm trăng, hát trêu nhau: Nước sông Cầu vừa trong vừa mát/Cầu Gia Bẩy lắm cát dễ đi/ Chị (Y) đứng đấy làm chi/ Để cho anh (X) đi đi về về. Dạo ấy người dân chủ yếu đi bộ, thỉnh thoảng có người đi xe đạp qua cầu. Trẻ con mang hoa ngọc lan, mang ổi ra cầu bán…
Tôi sinh ra ở Tiểu khu Gia Bẩy. Nơi ấy có phố Bến Than, bởi có một bãi rộng tập kết than, phục vụ chất đốt cho toàn Thành phố. Than từ mỏ than Quan Triều theo xe goòng đưa về bến. Mấy chục người đàn bà Bến Than chuyên việc xúc than, đội than xuống thuyền. Những thuyền than đầy ắp lững lờ trôi sông về xuôi. Đàn bà Gia Bẩy nổi tiếng chăm chỉ và quyết đáp. Có câu ca rằng: Nước sông lẫn với nước ngòi/ Con gái Gia Bẩy cầm roi dạy chồng. Cũng từ nhu cầu vận chuyển mà nơi đây ra đời Hợp tác xã Cờ Hồng gồm vài chục “tay lái” xe trâu, xe ngựa. Nghề cắt cỏ nuôi trâu ngựa mang lại cơm áo cho nhiều gia đình nơi đây.
Người Gia Bẩy khéo tay, nấu ăn giỏi. Sáng sáng, hai bên dãy phố thơm nức mùi phở, mùi cháo gà bà Dế, xôi vò chè đường của bà Năm (toét), bánh giò ông Điền, ông Khôi Nguyên. Tiếng rao pánh pao đê, pánh pao đê của một người Tàu cùng với mùi bánh bao lan tỏa. Cửa hiệu cắt may quần áo của ông Khánh Hưng, Khánh Ký nổi tiếng đến tận bây giờ.
Cuộc sống của cư dân Gia Bẩy đang bình yên, hạnh phúc, thì ngày 17/10/1965, máy bay Mỹ ném 3 quả bom xuống cầu Gia Bẩy. Cây cầu gục đổ, 71 người dân vô tội khu vực hai đầu cầu bị thiệt mạng. 15 chiến sĩ Trung đội tự vệ chiến đấu bảo vệ cầu hy sinh tại trận địa. Bà Mai Hợp, 70 tuổi, nhà ở phố Tân Long (khu vực Công an tỉnh hiện nay) là người thoát chết trong trận bom khủng khiếp ấy. Bà kể: “Dứt loạt bom thứ nhất, tôi lao lên khu vực cầu xem tình hình thế nào vì tôi có bạn học ở đó. Người ta ngăn tôi lại, không cho đi, thế nên tôi thoát chết”. Bà Hợp bùi ngùi: Đầu cầu Gia Bẩy ngày đó có cây phượng vĩ to lắm, hoa nở đỏ rực, dưới tán phượng mấy bà người Mán chân quấn xà cạp ngồi bán thuốc cỏ cây chữa bệnh. Sau trận bom, tất cả tan tành.
Phút chốc, khu phố sầm uất nhộn nhịp bên cây cầu thơ mộng trở nên lạnh lẽo, hoang vắng. Người dân gồng gánh đi sơ tán. Người chạy vào Phúc Trìu, người vào Phúc Xuân, người dạt lên Võ Nhai, Định Hóa, Đại Từ. Họ được người bản địa cưu mang, cho ở nhờ, bày cho cách cuốc đất trồng khoai, sắn, gieo hạt chè… kiếm ăn. Nhịp cầu gãy gập đau đớn, người ta gấp rút làm cầu treo cách cầu Gia Bẩy một đoạn (khu vực vườn hoa Thành phố hiện nay), gọi là cầu Gốc Đa, cho người đi bộ và xe thô sơ sang sông. Riêng ô tô và xe vận chuyển nặng thì đi qua ngầm Bến Tượng và phà Văn Thánh. Con đường yết hầu Thái Nguyên - Lạng Sơn vẫn thông suốt. Đến năm 1973, cầu Gia Bẩy được sửa lại, tiếp tục gánh vác nhiệm vụ nặng nề của mình. Khó có thể tính hết cây cầu đã cõng bao nhiêu lượt xe, người qua lại. Trong chiến tranh bảo vệ biên giới (1979), rất nhiều binh đoàn bộ đội, đơn vị dân quân tự vệ; hàng ngàn lượt xe quân sự chuyên chở vũ khí, lương thực qua cầu Gia Bẩy, hướng về phía Bắc.
Cây cầu nhỏ bé, cũ kỹ mà bền bỉ, thủy chung đến thế.
Năm 1991, trên vị trí cũ, cầu Gia Bẩy được làm mới, dài hơn, rộng hơn, vẫn mang dáng vẻ giản dị, thô sơ “ăn chắc mặc bền”. Người xe qua cầu ngày càng đông, đầu cầu bên Thành phố nhiều thời điểm tắc nghẽn, người dồn trên mặt cầu mỏng manh. Nhưng cây cầu kiên trung vẫn gồng mình chịu đựng.
Dường như có mối quan hệ kỳ lạ nào đấy giữa cây cầu và con người nơi đây. Cầu bền bỉ hàng thế kỷ, chứng kiến bao đau khổ, niềm vui của con người. Người quyết tử giữ cầu, sống cần cù chịu khó như cầu. Trong mỗi người phảng phất bóng dáng cầu và cây cầu mang tâm hồn người Gia Bẩy. Khi chân tôi đặt lên mặt cầu, mỗi bước đi của tôi như ngân lên một câu chuyện. Cầu, chứng nhân lịch sử bắc qua 2 thế kỷ; cầu, đi qua chiến tranh và hòa bình; cầu, quá khứ thảo thơm và niềm tự hào ngấm ngầm của người Gia Bẩy; cầu, dường như có linh hồn.
Rồi mai đây, bắc qua dòng sông này, khu vực Thành phố Thái Nguyên có đến 7 cây cầu cứng, không còn cảnh “con độc” như Gia Bẩy ngày nào. Mỗi cây cầu sẽ được chăm chút mang một dáng vẻ, ngôn ngữ biểu đạt của kiến trúc hiện đại. Cầu Gia Bẩy đã lên chức “cụ” ở các phương diện. Nhưng với tôi, Gia Bẩy vẫn là cây cầu thương yêu, gần gũi nhất và đẹp nhất.
Nằm thảnh thơi bên cầu, hẳn 15 chiến sĩ tự vệ Khu phố Hoàng Văn Thụ không thể không mỉm cười hài lòng ngắm Thành phố dần trở nên duyên dáng. Cây cầu các anh chị đã dùng dòng máu thanh xuân bảo vệ năm xưa vẫn ngày ngày đỡ những bàn chân nối hai bờ thương nhớ.