Truyện ngắn của Hoàng Thao Chỉ còn một tháng nữa là Tết Nguyên đán, ở Nga bây giờ đang là -2độ C. Hằng nằm cuộn tròn trong chăn ấm mà không tài nào ngủ được, nhớ lại những ngày này ở Việt Nam năm trước, nó còn làm thêm ở xưởng may gần nhà. Chủ nhật những ngày giáp Tết nghỉ làm, cả tụi con gái trong dãy nhà trọ lại tranh thủ rủ nhau đi sắm Tết. Áo mới cho mẹ - Phải là mẹ đầu tiên vì từ khi lớn lên Hằng chưa thấy mẹ tự sắm đồ mới cho mình vào ngày Tết bao giờ. Bao yêu thương dành dụm hết cho các con.
Những ngày mới sang Nga, Hằng tự nhủ chăm chỉ làm việc, tiền lương hàng tháng gom góp lại nó gửi về phụ mẹ nuôi hai em ăn học. Nhà có bốn mẹ con, Hằng là chị cả nên nó muốn gánh vác, san sẻ bớt gánh nặng trên dáng lưng còng tất tả của mẹ. Trời lạnh không biết căn bệnh khớp quái ác có còn hành hạ mẹ không? Mấy lần Hằng gửi thuốc về mẹ cứ trách mãi “Con đừng gửi thuốc làm gì cho tốn kém, chú ý chăm sóc bản thân. Mẹ vẫn khỏe, ở nhà khi nào đau mẹ sẽ cắt thuốc nam”. Hằng nhớ cái ấm thuốc nam đen bóng màu thời gian đã gắn bó nửa đời cùng mẹ. Có dạo đau nhiều, mẹ uống thuốc lá triền miên thay nước. Nhưng công việc nhà nông cứ luôn chân luôn tay, làm sao mà kiêng cữ được. Thế là căn bệnh khớp thành mãn tính cứ lớn dần theo sự trưởng thành của chị em nó. Có buổi Hằng gọi điện về, thằng em càu nhàu vì không cản được mẹ, đau mà vẫn cố bì bõm lội bùn. Nó khóc vì thương mẹ, thương cả những vụng về của hai thằng em trai lộc ngộc đang tuổi ăn tuổi lớn…
Khuya muộn, chị Hà gọi sang:
-Em ngủ chưa? Cháy, cháy!… Sạp hàng chung vốn trong chợ của chị bị thui sạch hết! Trắng tay rồi em ơi!…
Nó chưa kịp an ủi, chị đã tắt máy. Nó vội mở máy xem tin tức. Trong ngọn lửa dữ dội, khói bốc đen ngút trời nó như nhìn thấy gương mặt hoảng hốt, thất thần của chị. Ngoài kia mưa tuyết đang đóng băng mọi cảnh vật. Nó đưa tay vuốt dòng nước mắt nóng hổi lăn trên gò má, thương chị 27 xuân xanh vẫn một mình lăn lộn nơi đất khách quê người, bây giờ lại trắng tay, hay thương chính mình những ngày cuối năm cô đơn độc nơi đất khách… Sau biến cố đau đớn của gia đình, năm thứ ba, chị bảo lưu kết quả học tập, một mình xách va li sang xứ người mong có thể san xẻ bớt gánh nặng kinh tế trên vai mẹ. Năm thứ ba, nó gạt nước mắt xa quê hương vì không muốn hai thằng em trai phải bỏ học giữa chừng, mẹ chỉ biết dành dụm quên mình trong những cơn đau hành hạ triền miên. Nhưng sâu thẳm trong lòng nó muốn trốn chạy để quên đi nỗi tủi hận khi bị chê không môn đăng hộ đối với gia đình người ta…
Chiều trên đường đi làm về bắt gặp tấm băng rôn “Chúc mừng năm mới”, nó thấy lòng nao nao. Nhớ những phiên chợ Tết chen chúc đông vui, trẻ con háo hức theo mẹ đi chợ để mua quần áo mới, thổi bóng bay phùng mồm và ngắm hoa đào. Nhớ cả mùi thơm giản dị của nồi nước tắm cuối năm mẹ đun cho cả nhà. Nồi nước lá thơm cả tuổi thơ con mà không sao nhuộm xanh lại mái tóc pha sương của mẹ. Đêm Ba mươi Tết, mấy mẹ con ngồi quây quần bên nồi bánh chưng chờ bánh chín và cùng đón Giao thừa. Vậy mà năm nay “Xuân này con không về”…
Vào mùa vụ công việc nhiều, nhưng ở xưởng may của người Việt mọi người vẫn cố gắng sắp xếp để chuẩn bị Tết. Công nhân đại đa phần là những người trẻ. Cuối buổi làm chị tổ trưởng triệu tập cuộc họp. Để giữ phong tục tập quán quê nhà, Giám đốc quyết định tổ chức cho anh em tập chung đón Giao thừa tại xưởng. Kế hoạch được giao tới từng người, ai cũng háo hức cùng đếm ngược thời gian chờ đến thời khắc thiêng liêng ấy. Máy móc được xếp gọn lại nhường chỗ làm sân khấu. Các tổ sản xuất cùng nhau thi kéo co, thi gói bánh chưng, đố vui và hát văn nghệ… Thời tiết hôm nay như ấm lên bởi tiếng hát át tiếng mưa của các bạn trẻ. Hằng như lọt giữa hàng trăm con người đang quây quần bên bàn tiệc, có đủ bánh chưng, giò lụa, thịt gà… Không khí ấm cúng, sum họp giúp những con người cô đơn xích gần nhau hơn, vơi đi nỗi nhớ nhà.
Trên sân khấu giọng anh MC trẻ sang sảng: “Xin chào tất cả mọi người. Trước tiên xin gửi lời cảm ơn tới Giám đốc công ty đã tạo điều kiện cho anh em công nhân viên đón một cái Tết xa nhà thật vui vẻ ấm áp và tràn đầy hạnh phúc…”. Có thể sau này, nhớ lại những tháng ngày vất vả tha hương cầu thực, đây sẽ là cái Tết ấn tượng nhất của Hằng.
Những lao động sang đây làm việc mỗi người một hoàn cảnh, nhưng ai cũng gặp nhau ở cái đích cuối cùng là kiếm tiền để cải thiện đời sống ở quê nhà. Ngày qua ngày, từ sáng sớm tới tối muộn đều là thời gian ở xưởng sản xuất, Hằng cũng bị cuốn theo guồng quay miệt mài ấy. Cứ mải mê làm tới khi về đến phòng trọ thì mệt nhoài chỉ muốn ngủ luôn không buồn đi đâu nữa, nhìn bạn bè xung quanh lần lượt kết đôi thỉnh thoảng nó cũng thấy chạnh lòng. Tháng trước em trai gọi điện sang: “Anh ấy ly hôn rồi! Chị ấy vô sinh và gia đình anh không chịu được thói hợm mình, chảnh chọe cậy ta con nhà, khinh khỉnh tất cả, không tôn trọng ai trong nhà của chị ấy. Anh không đáng để chị phải bận tâm nhiều đến thế. Chị về thôi, sợ thêm tuổi lại ngại học hành. Về đi! Chị em mình sẽ cùng chung vai, phấn đấu, chắc cũng ổn. Mẹ bảo: Con gái có thì, chị vất vả với các em đủ rồi cũng phải nghĩ cho mình. Em vừa học vừa làm thêm, đỡ được mẹ đôi phần. Mẹ lúc nào cũng lo cho chị, sợ lại lỡ làng…”. Thế là mỗi mùa Xuân sang chị em con thêm một tuổi, cứng cáp trưởng thành hơn. Nhưng vẫn không san bớt được lo toan xếp chồng thành nếp nhăn trên đuôi mắt bắt đầu mờ đục của mẹ.
Sau những tiết mục văn nghệ sôi nổi là màn bắn pháo hoa, tất cả anh chị em cùng đếm ngược thời gian chờ Giao thừa. Trong giây phút thiêng liêng ấy, không gian như trùng lại rồi vỡ òa khi những quả pháo hoa rực rỡ nổ tung sáng rực bầu trời. Nó thấy mình thật bé nhỏ, muốn dành hết vất vả, âu lo làm tất cả để cho những người thân yêu nhất của mình được vui vẻ, hạnh phúc. Nhưng giờ này ở quê chắc mẹ đang bần thần ngồi tính tuổi, thương cô con gái chưa biết tự lo cho mình. Đang miên man suy nghĩ nó bỗng giật mình vì có một bàn tay ấm áp siết chặt bàn tay. Hóa ra mùa Xuân không chỉ mang tới niềm vui, giúp con người xích lại gần nhau hơn. Năm nào cũng thế, khi quả pháo hoa cuối cùng tắt, mọi người cùng nhau đi hái lộc và trao nhau những lời chúc năm mới ấm áp. Anh trao cho nó cành hoa nho nhỏ ngập ngừng: Anh hái tặng em cả mùa xuân của mình …
Hơn mười hai giờ, mọi người tranh thủ gọi điện về quê chúc Tết. Nó rưng rưng, nhắm mắt lại như ngửi thấy mùi thơm của hương trầm, tiếng chúc Tết râm ran, giọng mẹ ngân ngấn như sương: “Sang năm về nhé… học cho xong còn tính chuyện xây dựng gia đình, một mình lang thang đất khách quê người vậy thôi. Mẹ nhớ con!”… Nó cố ngăn những giọt nước mắt nóng hổi nghẹn ngào. Mẹ là vậy, cả cuộc đời chưa bao giờ hết lo lắng cho các con. Mẹ hãy vui lên, sang năm con sẽ mang cả mùa Xuân của con về ăn Tết cùng mẹ.