Cứ mỗi khi những ngày đông bắt đầu kết thúc và những tia nắng ấm lũ lượt kéo về báo hiệu Tết gần kề thì tôi lại thấy thằng nhóc ấy buồn tênh. Nó lê la khắp mọi nơi trên con đường làng, thi thoảng tạt vào nhà tôi, chẳng nói gì, chỉ ngồi hờ hững trên bậu cửa nhìn mông lung ra hàng rào cây dâm bụt đỏ rực một lúc, cũng chẳng nói tiếng nào với tôi rồi lững thững đi về.
Tôi chẳng biết tên thật của nó nhưng xóm tôi hay gọi nó là thằng Đá vì lúc nào mặt nó cũng lạnh như đá, chẳng nói chẳng cười. Người nó nhỏ thó lại đen đủi, mấy đứa nhỏ trong xóm cũng ít khi chơi với nó vì họ bảo khó gần. Nó sống với bà từ nhỏ, ba mẹ nó làm ở trên phố, cứ vài tháng lại về, ở non ngày rồi đi.
Nó không có bạn, tất nhiên, với cái tính không ai hiểu đang nghĩ gì thì lấy đâu ra bạn, tôi gần như là người nói chuyện nhiều nhất với nó ở trong cái xóm này. Lần đầu tiên chúng tôi nói chuyện là vào mùa Tết ba năm trước, tôi vốn là một gã lái xe ba gác, cũng thô kệch chẳng phải là người đáng để tâm sự, nhưng có lẽ nó tìm được nỗi đồng cảm về sự cô đơn. Trong khi xóm làng trở nên chộn rộn hơn vào những ngày Tết, những câu đối đỏ giăng lên mua từ các ông đồ, những chậu cây tắc tự trồng bắt đầu khoác lên mình những câu chúc ngắn và những chậu mai ùn ùn theo xe lên phố bán buôn thì duy chỉ có nhà tôi vẫn yên tĩnh. Tôi sống một mình, ba mẹ mất trong một lần đi biển, thứ duy nhất tôi còn lại chỉ là sức khỏe và chiếc ba gác “sang tay” từ ba, vì thế tôi chạy xe kiếm sống. Với tôi, Tết năm nào cũng chỉ là một ngày bình thường và tôi vẫn quần quật sớm hôm chạy mấy chuyến chở hoa đem bán cho thương lái. Mà thực ra chỉ ở một mình thì cũng không cần thiết phải trang hoàng nhà cửa làm gì, tôi cũng đi suốt ngày và cũng chẳng ai ghé căn nhà cuối xóm heo hút để chúc Tết tôi. Ấy thế mà đúng vào ngày Tết năm ấy, người đẩy cửa bước vào căn nhà hiu quạnh ấy lại là một thằng bé loắt choắt, nhìn tôi và buông thõng một câu:
-Chúc mừng năm mới.
Vậy là tôi với nó lại thành “bạn”, mỗi khi nó buồn hay thấy cô đơn, nó lại chạy qua ngồi trên bậu cửa nhà tôi, mắt nhìn về phía cổng làng, do nhà tôi có thể nhìn thấy rõ nhất những người bước qua cổng làng. Thi thoảng, khi xóm giềng ồn ào kéo pháo, hai bóng hình lặng lẽ ngồi cạnh nhau, cũng quan tâm tôi hỏi thăm nó:
-Ba má năm nay có về không?
-Vẫn trên phố.
-Tết đoàn viên mà sao không về?
Nó không trả lời, chỉ quắc mắt nhìn tôi có phần giận dữ rồi bỏ về. Thế nhưng qua mấy ngày Tết, nó lại ghé nhà tôi chơi cứ như không có chuyện gì xảy ra, nhưng cũng đủ để tôi biết có những chuyện không nên động vào, nhất là chuyện về ba má nó. Nó là một thằng bé có đôi mắt buồn, kỳ thực tôi không biết nó đang nghĩ gì, cứ gần Tết là nó lại trầm mặc, khác hẳn vẻ thường ngày. Tuy bình thường nó cũng ít nói nhưng ngày Tết lại dễ tức giận hơn.
Những mùa Tết cứ qua đơn giản, đến năm thứ hai, khi pháo nổ đầy đường, nhà nhà sắm cho mình tiếng cười, nó lại lân la sang nhà tôi rồi ngồi phịch xuống thềm nhìn ra phía cổng làng:
-Khi những cánh chim mỏi mệt, nó có bay về tổ không?
Tôi định trêu nó quá lãng mạn nhưng rồi đột nhiên thấy đôi mắt hoe đỏ của nó đang nhìn những cánh chim ngang trời bay qua, tôi chợt sững lại. Cũng từ lúc ấy tôi mới biết, dù luôn tỏ ra mạnh mẽ nhưng nó cũng chỉ là một đứa trẻ, với những ngày đoàn viên nó luôn ngóng ra cổng làng là vì nó mong ba mẹ trở về.
-Sao không điện thoại bảo về, bảo nhớ? Tết người ta về quê hết, phố vắng tanh mà, ở lại làm gì?
-Vì kiếm tiền, người ta về hết rồi nên công việc cứ đầy ra đấy, Tết làm gì lương cuäng cao.
Nó nói như chực khóc, nhưng tràn đầy trong đó là cả sự thấu hiểu, lần đầu tiên trong cuộc đời tôi lại thấy mình quá nhỏ bé trước một đứa trẻ. Nó biết nó cần họ nhưng nó cũng biết ở phương trời xa họ mỏi mệt nên nó giấu kín tình cảm trong lòng, không vì sự ích kỉ của mình mà kìm chân họ. Nhưng dù cho có gồng mình cách mấy tôi cũng chưa bao giờ thấy nó khóc, cái cảnh một đứa trẻ khi thấy nước mắt chực rơi rồi bặm môi lại không cho nó rịn ra ngoài thực sự gây ấn tượng cho tôi suốt những ngày xuân năm ấy.
Tết năm nay tôi kết thúc làm sớm, nghĩ đến nó thế nào tôi lại lần ra chợ mua cây tắc, có lẽ mọi năm đón Giao thừa cùng nó và bà nó trở nên quá quen rồi nhưng chưa bao giờ tôi lại nghĩ đến một mùa Tết cần có những gì. Từ ngày có nó, đột nhiên tôi lại cảm thấy cuộc sống trở nên bớt cô đơn hơn rất nhiều, có lẽ sự tồn tại của nó đã là một sự an ủi vô hình với tôi trong khi tôi chẳng thể làm gì cho nó. Ít ra tôi muốn Tết năm nay có thể làm nó có dư vị của một gia đình. Đột nhiên khi vừa bước vào sân nhà nó, tôi nghe tiếng khóc của nó rất to, lập tức chạy vào, bên trong nhà nó đang ôm lấy ba nó, ông bế bổng nó lên xoa đầu, đồ đạc sau một chuyến đi xa vẫn còn lỉnh kỉnh. Nó chưa bao giờ khóc, tôi chưa bao giờ thấy vậy mà giờ lại thấy nó như mềm nhũn trong vòng tay ba. Vừa nhìn thấy tôi nó vội tuột xuống chạy ào lại rồi vừa khóc vừa cười nắm lấy tay tôi lắc lắc. Trông nó bây giờ thật… dở hơi chứ chẳng còn tỏ vẻ già đời như trước giờ làm tôi bật cười. Cảm xúc không có tuổi. Đột nhiên lòng tôi trở nên ấm hẳn. Năm nay thằng nhỏ sẽ không phải ngồi bâng quơ nhìn ra cổng làng nữa, năm nay ba mẹ nó về đón Tết với nó. Năm nay những cánh chim ngang trời trở về bến đậu… Năm nay thằng nhỏ sẽ cười hạnh phúc bên gia đình nó.
Khi tôi vừa bước ra sân chực về nó gọi với theo:
-Về tắm rồi sang nhà em trang trí cây tắc để kịp đón giao thừa đó nhé?
Tự nhiên tôi có cảm giác, tôi cũng có một gia đình.