Miên man sông Cầu

10:34, 03/05/2021

- Tháng tới em định thế nào?
 
Tôi đọc được tin nhắn của anh lúc 9 giờ sáng. Định nhắn lại, tôi sực nhớ ra, bên nhà đang giữa đêm. Thôi để anh ngủ. Anh vốn khó ngủ, chỉ tiếng động nhỏ cũng tỉnh giấc rồi thao thức đến sáng.
 
Tháng tới là tháng Mười. Năm nào mấy anh em cũng tụ nhà bác Cả. Tôi bay từ Nga về mất mười tiếng. Chú Chiến bay từ Pháp về mất mười hai tiếng. Bác Cả ở Thái Nguyên như cái cột mốc kệ thời gian trôi ngang dọc. Chúng tôi như con tằm chăng tơ mải mê. Nhưng sang tháng Mười, tôi dừng đón tour khách Việt Nam sang, chú Chiến đóng cửa shop thời trang đắt khách, đặt vé về quê.
 
Nhà tôi bên kia sông, nhìn sang cây gạo bên này. Căn nhà nhỏ chật ních hơi trẻ đang lớn. Mẹ tôi mặc tấm áo nâu, tóc chải bồng, mắt hiền nước sông. Trên cái giường dẻ quạt, mẹ, chị Mai cắm cúi thêu. Khung gỗ hình chữ nhật giữ căng tấm lụa trắng. Con sông, ngọn núi và dăm cánh chim bồ câu vỗ cánh trên mặt lụa. Mũi kim đều như từ tay một người. Thỉnh thoảng mẹ ngẩng nhìn khuôn mặt trái xoan trắng mịn của chị Mai, thoáng mỉm cười.
 
Chị Mai học lớp 8. Trường chị bên kia cầu Gia Bẩy. Sáng sáng mẹ đứng trong sân nhìn chị đạp xe qua cầu vào phố, ngọn tóc quệt qua quệt lại lưng áo tròn lẳn. Nấu cơm trưa xong mẹ lại ngóng lên cầu, đợi con gái ngả nón rẽ vào ngõ nhỏ.
 
Ba anh em tôi người đen loáng. Sáng Chủ nhật, đợi mẹ và chị Mai ngồi vào khung thêu, anh Cả nháy mắt, tôi và thằng Chiến luồn ra sau nhà. Chúng tôi vừa chạy vừa tụt quần áo, ném vào vườn rau, nhảy ùm xuống nước. Loáng cái đầu anh Cả lúc lắc bên kia sông. Tôi và thằng Chiến bám sau leo lên triền đê. Đoạn đê này cỏ non mịn, hoa xuyến chi trắng ngơ ngác. Chúng tôi lăn trên cỏ, mũi áp gốc xuyến chi. Đám cỏ nhàu tỏa mùi hiền lành dưới lưng. Anh Cả mau mắn ngồi dậy chạy đến chỗ cây gạo, chúng tôi ào theo.
 
Cây gạo mọc bên ghềnh đá nhô như cái mũi khoằm. Mẹ bảo cây gạo với ghềnh đá kiếp trước là vợ chồng. Anh chồng mũi khoằm và chị vợ mặc áo đỏ. Họ hay giận nhau, nhất là khi anh đẩy thuyền sang sông không quay đầu nhìn chị vỗ áo bồm bộp ở khúc quanh nước chạy ra chạy vào. Chị vỗ áo to hơn như nhắc, anh cau mặt khoặm cái mũi cao gồ mạnh tay chèo, thuyền nhổm tung trên mặt sóng, anh cười mỉm hất về phía vợ cái nhìn sau lưng. Rồi một ngày sông Cầu lên cơn giận thình lình, con sóng bạch tuộc giật phắt chiếc áo đỏ trên tay chị. Người vợ nhoài người cứu áo, chân nhẹ bẫng chìm vào ngọn nước. Anh chồng nghe tiếng kêu cứu quay thuyền về, nhưng chị như ngọn xuyến chi nát mềm. Nâng vợ trên tay, anh gào váng sông. Tiếng kêu tràn cuống họng thấm máu. Người hai bờ sông đổ ra, họ choáng váng nhìn cảnh lạ: Túp lều của đôi vợ chồng trẻ biến mất, một ghềnh đá khắc khổ nhô từ cây gạo mốc meo, hoa phất lửa rực lên trời.
 
Nghe mẹ kể chuyện anh em tôi cười rúc rích. Người biến thành cây thành đá dễ thế cơ ấy. Chị Mai dẻo tay thêu, tóc đen dính da mịn. Chị bắc cái nhìn lên vòm xanh xao xuyến. Giọng chị xa xôi thảng nhẹ: - Mẹ ơi, con nhìn thấy cái áo đỏ choàng trên ngọn cây thật đấy. 
 
Chúng tôi tụ tập bên gốc gạo, mặt đứa nào cũng háo hức. Thằng Chiến nằm soài trên lớp lá khô, hai tay đỡ cằm, mắt không rời anh Cả. Xoa tay vào thân cây thì thầm câu gì đó, anh Cả thò vào hốc cây lôi ra bọc ni-lông. Anh gượng nhẹ mở bọc, lấy ra cái phong bì, chúng tôi châu đầu hau háu nhìn từng dòng từng dòng. Chúng tôi phát hiện ra chỗ mẹ cất thư của bố, lấy trộm mang ra đây đọc. Lá thư gần nhất đề ngày 10 tháng 9 năm 1965. Giấy xé từ sổ tay, bút mực Cửu Long chỗ đậm chỗ nhạt. “Em yêu của anh. Cố gắng thay anh nuôi các con nhé. Chẳng bao lâu nữa thắng giặc anh về, chúng mình làm thêm đứa con gái nữa nhé”. Lần nào đọc đến câu ấy ba anh em cũng cười bò ra. Anh Cả thần người hỏi: Đố hai đứa tả được bố. Tôi nhanh nhảu: Bố cao cao. Thằng Chiến le te: Bố đen sì. Anh cười he hé: Nghe hơi bắc nồi chõ mẹ nói chứ gì. Mỗi tao nhớ mặt bố thôi. Tao đẹp trai giống bố nhất. Anh ưỡn vồng ngực lép xẹp, trồi mấy dẻ xương non, vuốt bọc ni lông cho vào lòng cây gạo rồi nhún người lao xuống dòng nước xanh mướt. Tôi và thằng Chiến nhảy theo. Chúng tôi tụt quần đùi, lặn xuống. Chân ghềnh đá họ hàng nhà ốc béo mẫm sin sít, chúng tôi chỉ việc bốc đẫy tay dồn căng ống quần. Ba thằng trần truồng bơi về, lẻn chái bếp đổ ốc vào chum rồi múc nước giếng tắm ào ào. Mẹ nghe tiếng động cắm kim vào bọc vải xỏ dép đi ra thì cả ba quần áo khô ráo nhìn mẹ cười khì khì
***
 
Anh Cả đợi chúng tôi ở nhà thờ. Đó là căn nhà gỗ kiến trúc cổ biệt lập trong khuôn viên nhà anh. Chúng tôi đứng trước ba tấm ảnh tươi màu truyền thần: Bố mặc quân phục, mẹ tóc chải bồng mắt hiền như nước, chị Mai mặt tròn tóc đen xòa ngang má.
 
“Vậy mà đã hơn nửa thế kỷ rồi. Đời người thật ngắn”- anh Cả thầm thào. Tôi nhìn những đốm hương lập lòa, một đám cháy bỗng phực trong óc. Hôm ấy, chúng tôi qua sông đọc thư bố. Tôi thấy chị Mai dựng xe đạp vào nhà thêu cùng mẹ. Bức lụa phải hoàn thành sớm để hợp tác xã chuyển kịp chuyến hàng xuất khẩu. Chúng tôi ngửa mặt nhìn cây gạo. Vòm lá thật lỳ lạ, chịu xanh nhợt nhạt để dồn nhan sắc cháy bỏng cho hoa. Anh Cả nhặt chiếc lá úa chợt đáp xuống mùåt, vuốt vuốt trên tay.
 
Đoàng… đoàng…. uâng… ùng…. ríu… ríu…
 
- Máy bay thả bom.
 
Anh Cả hét, túm tay tôi và thằng Chiến chạy díu vào ghềnh đá. Ở đây có một cái hầm bê tông, chúng tôi nhiều lần chui thám hiểm. 
 
- Gục đầu vào giữa hai chân, bịt tai lại…
 
Chúng tôi răm rắp nghe lời. Mắt thằng Chiến đỏ ké, anh Cả ôm ghì nó, chìa lưng ra cửa hầm che cho các em.
 
Roành… roành… ú… ú…víu… víu…
 
Âm thanh chói gắt băm nát bầu trời. Lá gạo rụng kín mặt sông.
 
Ùng…ùng…ùng…ùng…
 
- Pháo ta bắn trả đấy - anh Cả náo nức. Anh ôm chúng tôi chặt hơn. Mắt thằng Chiến bớt đỏ nhưng tóc nó xoăn tít khét mùi thuốc súng. Một bên tai tôi ù đặc, mặt đen nhẻm.
 
Còi báo yên, chúng tôi ra khỏi chỗ nấp. Mới đó mà đất trời đổi khác. Cây gạo bị bom phạt ngang thân, ngọn cây chúi lòng sông, nhựa ứa ròng ròng. Chúng tôi cùng nhìn sang sông. Trời ơi, nhà đâu? mẹ đâu? chị Mai đâu? Chúng tôi vừa hét vừa bơi như điên. Nước sông mặn chát. Hố bom đất đỏ rộng ngoác chiếm chỗ căn nhà chật ních hơi trẻ đang lớn. Tấm lụa thêu đàn chim xoãi cánh trên bầu trời xanh tả tơi vắt xõa bến sông.
 
 ***
 
Dâng hương xong chúng tôi rủ nhau ra triền sông quen thuộc. Vẫn thế, ghềnh đá lặng câm bên cây gạo im lìm. Một vòng sẹo nổi đánh dấu chỗ thân cây bị bom phạt. Từ đó ba chạc ngọn chĩa lên thách thức. Vòm lá bất chợt reo khe khẽ như gặp cố nhân. Chúng tôi cùng ngoảnh mặt ngắm cầu mới. Thời gian tôi xa nhà đủ cho người ta sinh cây cầu bề thế. Dáng cầu như tia nắng in trên nền trời bình yên. Chúng tôi hút mắt vào mố cầu cuối cùng, cây cột trụ chịu lực rắn rỏi thay chỗ căn nhà chật ních hơi thở trẻ con. Tiếng anh Cả thoảng trong gió: “Hôm khởi móng, họ mời anh đến, họ nhờ anh nói với mẹ và chị Mai về công trình trọng điểm này. Cây cầu xưa vẫn giữ cho mẹ và chị Mai ngày ngày đạp xe vào thành phố. Họ cũng hứa sẽ đặt ở đó một tấm bia tưởng niệm, ghi tên mẹ, tên chị Mai và trận bom kinh hoàng ngày ấy. Nhưng anh bảo không cần như vậy. Bởi nếu đặt bia để ghi nhớ đau thương thì thành phố mình chỗ nào chẳng có”.