Xóm Vườn Tiên

15:56, 30/05/2021

Ở trong một xóm nhỏ mang tên Vườn Tiên có nhiều loài hoa cùng chung sống. Có loài lộng lẫy, kiêu sa, giàu sắc hương như hoa Hồng, Lay Ơn, Cẩm Chướng. Cũng có loài thường thường bậc trung như hoa Mướp, Bầu, Bí… Nghèo khổ nhất xóm Vườn Tiên là Mồng Tơi. Mồng Tơi nghèo lắm. Chẳng thế mà người đời vẫn bảo: “Nghèo rớt mồng tơi”. Mồng Tơi không có một chút sắc hương nào ngoài những chiếc lá xanh nhờn nhợt do thiếu nắng. Hình như Mồng Tơi cũng biết thân biết phận nên lúc nào cũng nép vào bờ giậu xiêu xiêu ở góc vườn.

Bọn hoa Hồng, Lay Ơn, Cẩm Chướng thôi thì nhận được đù lời khen của thiên hạ. Những lời thơ, khúc hát ca ngợi chúng nhiều vô kể. Hoa Nhài, hoa Cúc, tuy chưa đáng mặt hoa khôi, á hậu, nhưng hoa Nhài vẫn luôn vênh mặt tự hào vì người đời vẫn nói: “Thoang thoảng hoa Nhài mà lại thơm lâu”. Hoa Cúc thì luôn miệng ngâm nga câu thơ tình tứ: “Hoa Cúc vàng như nỗi nhớ dây dưa”. Ngay cả đến Phù Dung là loài hoa sớm nở tối tàn mà cũng suốt ngày khoe mấy câu thơ ai đó viết về nó: Nếu như có một ngày / Phù dung không nở nữa / Sáng lấy gì để thương / Tối lấy gì để nhớ.

Chao ôi! Chỉ có Mồng Tơi là chẳng có gì để hát, để ngâm, để phô trương với đời cả. Chẳng lẽ lại lấy câu “nghèo rớt mồng tơi” để khoe.

Cứ mỗi mùa hoa nở, các loài hoa lại đua nhau vươn mình khoe sắc thì Mồng Tơi lại úp mặt vào bờ dậu xiêu xiêu mà ngậm ngùi.
Trong vườn chỉ có chị Bầu, chị Bí là nhận ra điều đó. Hai chị em vốn là những người tốt bụng. Họ hàng nhà các chị có một câu ca để khuyên nhủ mọi người đoàn kết, chia sẻ lẫn nhau: Bầu ơi thương lấy bí cùng / Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
Một hôm chị Bầu, chị Bí cùng lên tiếng:

  - Thưa các bạn hoa, chúng tôi thấy em Mồng Tơi thật tội nghiệp. Chúng ta thì có bao nhiêu hương sắc mà em thì chẳng có gì. Tuy khác loài, khác họ nhưng chúng ta sống chung một vườn nên phải đùm bọc lẫn nhau.

Các loài hoa trong vườn tuy tính nết có phần tự kiêu tự đại nhưng lòng dạ cũng không đến nỗi nào. Nghe Bầu, Bí nói, chúng động lòng trắc ẩn, liền đồng thanh:

- Phải đấy, chúng ta nên giúp đỡ Mồng Tơi.

Sau một hồi tính toán, chúng quyết định mỗi loài hoa ngày nào cũng phải thả thật nhiều hương sắc ra xung quanh vườn rồi nhờ chị Gió thổi tạt sang để nhuộm hương sắc cho Mồng Tơi.

Ngày tháng qua đi. Các loài hoa miệt mài trong công việc với hy vọng Mồng Tơi sẽ không còn nhợt nhạt như bây giờ nữa, cho dù chúng sẽ phải bớt đi một chút sắc hương. Mồng Tơi cảm động lắm. Nó cũng cố sức vươn lên để hút ánh nắng, khí trời và đón nhận lòng từ thiện của bạn bè.

Bất chợt, vào một buổi đẹp trời, từ các kẽ lá Mồng Tơi như nhú ra những chấm li ti như hạt tấm.

Các loài hoa trong vườn mừng vui khôn xiết, càng ra sức thả thêm hương sắc của mình về phía Mồng Tơi.

Chẳng bao lâu, những chấm trắng li ti kia đã trở thành những chùm quả màu tím. Các lài hoa sững sờ nhìn Mồng Tơi nghèo khó xưa kia nay đã được trang điểm bởi những chùm quả tuy nhỏ bé nhưng long lanh như những viên ngọc màu tím, một màu tím hình như chỉ Mồng Tơi mới có. Mồng Tơi sung sướng rưng rưng nước mắt. Chao ôi! Thế là từ nay Mồng Tơi cũng đã có niềm kiêu hãnh như các bạn trong Vườn Tiên rồi. Nó nghiêng người cảm ơn các bạn.

Mỗi ngày Mồng Tơi một thêm tím biếc. Tuy vậy, Mồng Tơi vẫn hơi gợn một chút buồn. Các bạn hoa trong vườn, ai cũng có một câu thơ hoặc lời hát để ca ngợi vẻ đẹp. Đến như cô Cỏ May gày gò mảnh khảnh đứng tận rìa Vườn Tiên kia mà còn được một thi sĩ tặng một câu thơ nghe đến nao lòng: Trăng vàng đêm ấy bờ đê / Có người ngồi gỡ lời thề cỏ may

Vậy mà vẻ đẹp của Mồng Tơi vẫn chỉ là vẻ đẹp chìm khuất ở góc vườn.

Nhưng rồi bỗng một hôm, có chàng thi sĩ như từ trên trời rơi xuống Vườn Tiên. Chàng tha thẩn quanh vườn rồi dừng lại trước hoa Hồng định cất lời đọc thơ, nhưng hoa Hồng cứ lắc đầu nguầy nguậy. Chàng quay sang Lay Ơn, rồi Cẩm Chướng nhưng cũng bị cả hai khước từ. Tiếp đến là hoa Nhài, Huệ, Phù Dung cũng không ai chịu nghe những lời thơ ca ngợi chúng. Hình như các loài hoa muốn dành niềm vinh hạnh này cho Mồng Tơi.

Chàng thi sĩ lững thững dạo gót quanh vườn rồi ngẩn ngơ bước đến trước giậu Mồng Tơi. Chàng giật mình chợt nhận ra vẻ đẹp giản dị và thầm kín của Mồng Tơi. Trái tim run rẩy của chàng như ngừng đập. Chao ôi! Một loài cây vô danh mà cớ sao lại làm lòng chàng thổn thức đến vậy. Ô kìa! Màu tím như ngọc ngà của “cô bé” Mồng Tơi dường như đã gợi cho trái tim chàng về một nỗi niềm xa vắng. Bỗng chàng khẽ thốt lên: Vườn xưa bóng khuất lâu rồi / Mồng Tơi hoa tím để tôi chạnh buồn.

Chàng vừa dứt lời, các loài hoa trong vườn đồng loạt vỗ những bàn tay lá, reo lên:

- Hay quá! Hay quá! Thế là cuối cùng Mồng Tơi cũng đã có câu thơ ca ngợi rồi. Cảm ơn chàng thi sĩ.

- Hoan hô!

- Chúc mừng Mồng Tơi!

- Chúc mừng thi sĩ!

Chàng thi sĩ vênh mặt bước ra khỏi Vườn Tiên.

Lúc này các loài hoa trong vườn mới mới sực nhớ ra, vội gọi với theo:

- Chàng thi sĩ ơi. Thơ của chàng hay lắm nhưng chàng nhầm rồi. Không phải “hoa tím” đâu, mà là “quả tím” đấy. Chàng sửa lại câu thơ đi.

Nhưng thi sĩ không nghe được những lời thỉnh cầu ấy. Bóng chàng đã khuất xa trong gió thoảng.

Vì thế mà cho đến tận bây giờ câu thơ vẫn chưa được sửa lại.

Nhưng không sao cả. Mồng Tơi vẫn lấy làm tự hào và hạnh phúc lắm.