Bà Hường được cử làm Trưởng Ban Mặt trận tổ dân phố mới sáp nhập. Là giáo viên dạy đại học, đi bồi dưỡng, nghiên cứu nước này nước nọ, dự bao nhiêu cuộc hội thảo khoa học, ai cũng tôn vinh là người giàu kinh nghiệm. Ấy thế mà về hưu, sinh hoạt với bà con, làm cán bộ cơ sở lại bỡ ngỡ, lúng túng.
Hôm đó đi tập huấn trên thành phố, khi nói đến công tác thiện nguyện, ông chủ tịch Mặt trận Tổ quốc có gợi ý một số địa chỉ, bà Hường giật mình vì có tên bản của quê bà. Bà là người con của một bản gần biên giới, nhà nghèo nhưng có ông chú thoát ly, giúp đỡ ăn học nên từ nhỏ bà đã được học trường nội trú rồi đi học đại học. Hôm trước ngày thi vào trường, cả bản đến chơi, động viên vì cả bản chỉ có hai người đi thi.
Học xong, bà Hường được giữ lại làm giảng viên, rồi lấy chồng, sinh con, định cư ở thành phố, một năm chỉ đôi lần về thăm họ hàng. Biết rằng quê còn nghèo nhưng không biết làm gì để đền đáp. Từ hôm đi họp về, nghe ông chủ tịch Mặt trận gợi ý, lòng bà như sục sôi, bà muốn tổ chức một chuyến thiện nguyện về quê nhưng đắn đo. Làm như vậy có cá nhân hay cục bộ không? Bà đến xin ý kiến các ông, bà trong cấp ủy thì không ngờ ai cũng tán thành. Ông bí thư còn khuyến khích:
Cấp trên đã nêu ra địa chỉ, chắc chắn nơi đó còn nhiều khó khăn. Người khác quê, họ còn đến chia sẻ, ta có nghĩa tình nơi chôn rau cắt rốn thì tình cảm càng sâu nặng. Bác cứ lên kế hoạch đi, mọi người sẽ ủng hộ.Trăm nghe không bằng mắt thấy. Mấy chục năm xa quê chắc bây giờ thay đổi lắm. Bà Hường ra ga mua vé ngược về Cao Bằng. Phải hai ba lần đổi xe mới về đến bản. Thấy bà về đột xuất, mọi người trong họ vui nhưng có ý thắc mắc. Bà Hường nói với chị gái:
-Là em đi “công tác” tình nghĩa đấy. Về hưu rồi, làm trưởng ban Mặt trận tổ dân phố, em về xem có bao nhiêu gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo để chúng em lên tặng quà.
A lúi, nhiều đấy. Xã mình, bản mình còn khó khăn lắm. Mà cái việc này cứ gặp thằng Lâm con bà Son, nó đứng đầu Mặt trận xã đấy.Gặp anh Lâm, đi thử mấy nhà mà đôi chân mỏi nhừ. Lâu nay đi xe máy đến trường, ba bước lên bục giảng, nay leo núi, trèo dốc sao mà mỏi. Đã định chùn bước nhưng gặp những người còn nghèo ở đây thì tình cảm yêu thương, tình nghĩa quê hương trỗi dậy, cứ đi và hôm sau thì hết mệt. Nhưng bà lại lo các hộ cần đến tặng quà ở rải rác, xa nhau, lại nhiều thế, làm sao về tập hợp để có quà đến tận tay họ.Quay lại thành phố, bà Hường không về nhà ngay mà rẽ qua nhà ông bí thư chi bộ. Nghe bà kể chuyện và nỗi lòng băn khoăn. Ông bí thư động viên:
-Càng đến được nhiều nhà càng tốt bác ạ. Để em bàn luôn với tổ bên xem cùng tổ chức đi một chuyến. Khâu chuẩn bị là quan trọng, vội gì.
-Cảm ơn bí thư chi bộ, bà về nhà trong niềm tin háo hức.
Ngay tối đó, bà đã nhận tin vui. Bà con tổ bên hoàn toàn hưởng ứng. Họ hẹn ngày cử người sang để bàn bạc.
Thế là chỉ tuần lễ họp bàn, tuyên truyền, tất cả các hộ gia đình đều đóng góp. Tiền bạc, quần áo, chăn màn cho đến sách vở, thậm chí các thực phẩm như mì tôm, mì chính… đều đã được đem đến nhà bà Hường. Bà cẩn thận ghi chép vào sổ sách. Ngày phân loại, đóng gói quà tặng thật vui, các bà các chị đang làm thì có mấy cô gái lạ đến. Một cô giới thiệu:
-Chúng cháu ở cửa hàng chuyên đóng đồ lưu niệm, sinh nhật, mừng thọ. Các bác để chúng cháu đóng gói, giá cả chúng cháu lấy nhẹ hơn thị trường.
Bà Hường đứng lên:
-Cảm ơn các cháu, nhưng đây là quà từ thiện, phải do chính tay chúng tôi làm. Nếu bỏ tiền ra thuê thì mất ý nghĩa.
-Ối, các bác cầu kỳ chúng cháu là thợ chuyên nghiệp, đến tay người dùng lịch sự, gọn gàng vẫn hơn.
Thôi, cảm ơn, chúng tôi cũng biết làm mà. Qua làm bà con mới biết làm từ thiện là như thế nào chứ.Chỉ tuần lễ tất cả đã đóng gói xong theo định lượng mà bà Hường nắm được qua chuyến đi về quê. Đâu là quà cho người có công, người cao tuổi, hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn... Tất cả được xếp đầy hai gian nhà. Bà Hường vừa vệ sinh thu dọn vừa ngắm nhìn rất mãn nguyện. Nghĩ đến ngày số quà này được trao tặng, bà bồi hồi.
Bà đang định vào chuẩn bị bữa cơm chiều thì có hai người đàn ông bước vào. Họ từ giới thiệu là người của công ty vận tải. Họ nhìn các kiện hàng bảo:
-Các bác giỏi thật. Chỗ này phải đầy hai xe tải đấy. Thế bác đã có xe vận chuyển chưa ạ?
-Chúng tôi vừa đóng gói xong nên chưa tìm xe - Bà Hường thật thà.
-Vậy để công ty cháu cho hai xe tải, một xe chở khách giúp bà con.
-Thế thì tốt quá, các bác tính thế nào? Xã tôi còn cách ga Cao Bằng mấy chục cây.
Ông khách cười cười hạ giọng:
-Chúng cháu tính nhẹ hơn thị trường vài giá, cả công bốc xếp. Số tiền thanh toán tính lùi cho riêng bác hai mươi phần trăm, coi như bồi dưỡng bác tạo điều kiện cho bọn cháu...
Bà Hường nghe thấy gai gai ở thái dương, bà dứt khoát:
-Gần sáu trăm hộ dân không tiếc công tiếc sức đóng góp tặng quà cho hơn hai trăm bà con dân tộc. Đây là tình là nghĩa của mọi người. Xin lỗi, chúng tôi có đơn vị vận chuyển giúp rồi.
Tiễn hai vị khách, bà Hường sang ngay nhà ông bí thư, nghe bà kể chuyện, ông bí thư cười tươi:
-Bác cứ yên tâm. Nhà khách du lịch Hoa Hồng đã nhận giúp ba xe không lấy tiền rồi.
-Thế ạ? Quý quá!
Mấy ngày về quê tặng quà, có ngày mưa, có ngày nắng, chuyến đi có già có trẻ, đường xa vất vả nhưng đã đem lại tình cảm yêu thương vô bờ sự gắn kết sâu sắc những người tổ dân phố ở thành phố với một xã, làng bản nơi biên giới xa xôi. Chuyến tặng quà thăm hỏi từ thiện ấy, mãi mãi không mờ phai trong tâm trí bà Hường.