NỤ CƯỜI

09:13, 24/07/2022

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, trong khi cả họ chưa có một đứa cháu gái nào, Ngọc được xem như một bảo bối. Chính vì thế nên ông nội mới đặt cho nó tên là Ngọc. Ngọc học rất giỏi, nhất là môn Văn. Năm học lớp 6, Ngọc được tuyển vào tốp giỏi Văn đi thi tỉnh và đã đoạt giải Nhì với bài văn viết về mẹ.

Mẹ Ngọc là người phụ nữ quê mùa chất phác, sớm phải chịu cảnh góa bụa vì cha của Ngọc đã mất do một tai nạn thảm khốc. Mẹ cô phải bán tất cả những gì có thể, mong giữ được mạng sống cho cha cô, nhưng cuối cùng ông vẫn ra đi, để lại cho mẹ con cô một số nợ không nhỏ. Vì phải làm nhiều việc quá vất vả nên bà bị lao lực, tâm trạng luôn chìm trong nỗi buồn u ám. Hình như gương mặt mẹ chỉ rạng rỡ lên đôi phần mỗi khi nhìn thấy nụ cười của Ngọc. Nhiều lần bà nói với Ngọc: “Nụ cười của con là tài sản vô giá, là thần dược giúp mẹ có thêm sức mạnh, nghị lực để chống chọi với bệnh tật và vượt qua mọi khó khăn”. 

          Cũng như bao nhiêu cô gái khác, khi đến tuổi trưởng thành, Ngọc bước vào mối tình đầu đẹp như mơ, khiến bao người chứng kiến cũng phải ngưỡng mộ. Nhưng không hiểu sao trước mối tình của Ngọc, mẹ lại có một dự cảm mơ hồ về một sự bất an. Cứ nghĩ cảnh con gái đi làm dâu xứ người, không người thân bên cạnh là nước mắt bà lại đầm đìa. Và hơn thế, hình như bà âu lo nụ cười có nắng của con gái một ngày nào đó sẽ lịm tắt trước những mưu sinh cơm áo của cuộc đời.

          Những dự cảm của mẹ đã trở thành sự thật. Những ngày Ngọc về làm dâu, chẳng bút nào tả hết nỗi khổ của cô khi sống chung với đại gia đình nhà chồng. Giờ cô mới hiểu thế nào là “trăm dâu đổ đầu tằm”. Năm năm trời, với sự mong mỏi có mụn con đã bị dập tắt khi cầm tờ kết quả của bác sĩ trên tay “tinh trùng người chồng quá yếu, chỉ được 1% nên không thể thụ tinh”. Hơn hai năm, mất bao nhiêu tiền của để chữa trị hết thầy lang này đến bác sĩ khác, rồi hai lần đặt ống nghiệm, trải qua bao đau đớn về thể xác lẫn tinh thần vẫn không có kết quả.

Khi hy vọng đã tắt, niềm tin chẳng còn, Ngọc kiệt quệ cả tinh thần lẫn thể xác. Nằm điều trị một thời gian dài, cô teo một bên buồng trứng. Thế là “giậu đổ bìm leo”, gia đình bên chồng được dịp đay nghiến xỉa xói và bắt hai vợ chồng cô ly hôn. Cô chợt hiểu, bảy năm qua cô chỉ là công cụ sinh con, là người giúp việc không công cho nhà chồng.

          Rồi, việc gì đến cũng đến, bắt đầu từ việc chồng cô chuyển công tác xa nhà. Nơi anh ta đến là nơi có một người con gái mà lâu nay phải chờ cho Ngọc ngủ say anh ta mới dám nhắn tin, tâm sự. Vậy mà chỉ vài ngày sau, trên zalo, Facebook anh ta đã công khai đăng cảnh ôm hôn cô ta một cách không hề có chút ngượng ngùng. Rồi chính người con gái ấy đã thẳng thắn gọi điện cho Ngọc yêu cầu nhanh chóng hoàn tất thủ tục ly hôn…  Một ngày đẹp trời anh chồng đến đèo Ngọc lên toà án. Chỉ cần “xoẹt, xoẹt” vài cái là tan một cuộc hôn nhân.

          Thân tàn ma dại cùng nỗi tuyệt vọng đến cùng cực, cô lang thang ngoài đường, bước chân như vô định. Bỗng có tiếng phanh xe “két” kéo dài… tiếp theo là tiếng người tài xế quát vào mặt cô: “Muốn chết à, đồ điên”. Phải, cô đang muốn chết. Chỉ có cái chết mới giải thoát cho cô khỏi mọi nỗi đau khổ… Bất chợt có tiếng chuông điện thoại. Là của người thân dưới quê. Cô mở máy, chưa kịp thưa thì đầu bên kia tiếng anh con bác gấp gáp:

          - Mẹ yếu lắm rồi, anh vừa đưa mẹ đi cấp cứu, cô thu xếp công việc rồi về ngay kẻo không kịp nhìn mẹ lần cuối đâu! 

          Tai Ngọc ù đi, đất dưới chân như sụt lở, cô lảo đảo ngồi xuống bên đường, nước mắt giàn giụa trên khuôn mặt hốc hác. Cô gào lên trong đau đớn và ân hận vì đã bỏ phí những năm tháng không được bên mẹ. Cô ân hận vì nhất thời đã có ý nghĩ điên rồ muốn chết. Cô ân hận vì lâu nay mình quá ích kỉ trước nỗi đau riêng mà quên rằng, cô đối với mẹ có ý nghĩa như thế nào… Nỗi đau của cô đã thấm vào đâu so với tình thương yêu của mẹ dành cho cô. Nghĩ đến đây, cô vùng đứng dậy một cách mạnh mẽ. Cô phải vượt qua nỗi đau của mình để có thể đem về cho mẹ nụ cười nguyên vẹn ngày xưa, nụ cười mà mẹ đã xem như thần dược, giúp mẹ có sức mạnh chiến thắng bệnh tật…

          Ngọc vội vàng thu xếp đồ dùng cá nhân rồi thuê một chiếc taxi, về bệnh viện ngay trong đêm. Nhìn thấy mẹ dáng hình gày gò lọt thỏm giữa giường bệnh, lại thêm dây truyền và máy thở, Ngọc lao đến, quỳ bên mẹ cất tiếng gọi nghẹn ngào:

           - Mẹ, mẹ ơi con về với mẹ rồi đây. Ngọc của mẹ đang ở bên mẹ đây. Mẹ tỉnh lại nhìn con đi mẹ ơi…

          Những ngày chăm sóc mẹ trong viện, Ngọc đã gạt đi mọi nỗi đau buồn, luôn giữ trên môi một nụ cười thường trực. Nhiều lúc cô cười thành tiếng giòn tan để mong mẹ nghe thấy. Rồi một ngày, mẹ cô từ từ mở mắt. Mẹ nhìn xung quanh và ánh mắt dừng lại ở khuôn mặt có nụ cười tươi rói của cô. Mắt mẹ chợt long lanh, gương mặt hồng tươi trở lại... Ngọc sung sướng ôm mẹ, cười trong nước mắt.

          - Mẹ tỉnh rồi… Mẹ tỉnh rồi!

          Mẹ nói khẽ nhưng rất tỉnh táo:

          - Ngọc đấy hả con… Nụ cười của mẹ đã về đấy ư…

                                                                * * *

          Ngày mẹ ra viện, cả khoa hồi sức cấp cứu ai cũng nói việc mẹ cô bình phục đúng là một kỳ tích. Mẹ nhìn Ngọc, nói với mọi người: 

          - Thuốc tiên của tôi đấy.

          Ngọc biết là mẹ không chỉ nói để cho cô vui. Nhìn gương mặt mẹ hồng hào tươi tỉnh trở lại, Ngọc chợt nhận ra rằng nụ cười không chỉ là niềm vui mà đôi khi còn là sự cứu rỗi của một đời người.