Bây giờ thì lão đã chân chậm tay yếu, lại còn mắc thêm căn bệnh viêm đa khớp quỷ quái. Bình thường chả sao, cứ đến lúc trái gió giở giời, hai đầu gối lại sưng vù, nhức buốt. Vài ba tháng lão lại phải nằm mấy ngày là thường.
Minh họa: Thanh Hạnh |
Cũng may, có bốn đứa cháu nội, ngoại thì thằng cháu Tâm con út cô con gái lão vẫn đảo sang nhà chăm sóc ông. Ừ, hồi xưa, thằng Tâm là đứa làm lão thất vọng nhất. Trong bốn đứa cháu thì thằng Hoàng học giỏi Toán nhất huyện, con Nhi năm nào cũng được đi thi học sinh giỏi Văn cấp tỉnh, con Hoài học tiếng Anh, cả xã này chẳng đứa nào theo kịp. Chỉ duy có thằng Tâm là đụt.
Thoắt cái, cùng với sự học hành thành đạt, chúng nó đã đi công tác hết cả rồi. Vào lúc này, lão chỉ còn biết ngồi thẩn thơ bên bậu cửa để mơ về những ngày con cháu quây quần đầy nhà. Ồ, nhưng không! Dẫu có buồn trong cô quạnh một chút thật nhưng lão vẫn luôn sung sướng và tự hào vì được làm ông của mấy đứa trẻ đã trở thành những người có vị trí trong xã hội. Chúng nó làm cho lão mở mày mở mặt với thiên hạ. Người làng gặp lão, bao giờ cũng cất lời ca ngợi: “Làng ta chỉ có cụ Cần là sướng nhất.
Hai đứa cháu là thạc sĩ, một đứa làm nhà báo tận Trung ương. Cả xã này đến nằm mơ cũng chẳng có nổi”. Thì đúng thế. Lão sung sướng nhất là bởi nhà có những hai “ông” thạc sĩ, một “bà” nhà báo, mà chúng lại đều lớn lên từ bàn tay chăm bẵm của lão. Ừ, giá như thằng Tâm mà cũng giỏi giang được bằng một nửa các anh chị nó thôi thì có phải gia đình lão quá ư trọn vẹn không. Hồi các cháu còn ở nhà, lão luôn lấy sự học hành chăm chỉ, thông minh của ba đứa cháu kia để làm tấm gương cho thằng Tâm noi theo, nhưng rồi đâu lại đóng đấy.
Hình như cái giỏi giang tháo vát của gia đình đã bị các anh, chị nó lấy hết mất rồi. Thằng Tâm học trước quên sau. Đến năm thi vào cấp ba thì bị trượt, phải bỏ học. Lão chép miệng: “Nhưng mà thôi, thì bàn tay cũng có ngón dài ngón ngắn, biết làm sao”. Được cái, thằng Tâm là đứa ngoan ngoãn. Mẹ chẳng may mắc bệnh mất sớm, thỉnh thoảng nó vẫn theo phụ vôi vữa cho bố làm thợ xây, không đến nỗi phải ăn bám. Với lại, mấy sào ruộng nếu không có nó thì cũng biết quẳng cho ai được.
Nhưng tất nhiên, nghĩ đến mấy đứa cháu thì bao giờ hình ảnh của ba đứa kia vẫn luôn là những hình ảnh làm cho lão trở nên ấm áp. Lão có thọ thêm được nhiều năm nữa, chắc cũng do cái niềm vui, niềm tự hào ấy. Chúng là ánh hào quang của đời lão. Lão thất học, quanh năm ngày tháng chỉ biết bám đít con trâu, suốt đời lép vế với thiên hạ. Giờ đây, ra đường lão có quyền ngẩng cao đầu hãnh diện cũng chính là nhờ ở sự thành đạt của chúng nó. Người ta gọi lão là ông của hai vị thạc sĩ, là ông của bà nhà báo Trung ương. Thử hỏi cái sang trọng ấy làng xã mấy ai có được.
* * *
Dạo này đầu gối lão đau nhức luôn. Rồi không ngờ đến cái ngày lão phải nằm liệt giường.
Nghe tin dữ, con cháu lão kéo về đầy nhà. Lão nén đau, bảo:
- Đừng lo gì cho ông. Rồi ông sẽ khỏi. Đừng mất thì giờ vì ông. Cái cốt yếu là các cháu phải cố gắng công tác, luyện rèn để mỗi ngày một thêm tấn tới. Như vậy mới làm nên vinh dự cho gia đình ta.
Dù không nói thì chúng cũng chỉ ở lại với lão được một, đôi ngày. Công to việc lớn của chúng nó thì làm sao mà bỏ được.
Chúng đi rồi, lão lại chỉ còn một cách duy nhất là nằm trên giường mà mơ về chúng. Chao ôi! Nhưng dù thế nào thì lão cũng mát mặt vì lũ cháu tài giỏi của mình.
Rồi mỗi ngày lão lại ốm nặng hơn, Việc đi lại đối với lão đã trở thành một cực hình.
Thấy ông ốm nặng, thằng Tâm đã chuyển sang ở hẳn bên này. Một tay nó cháo não, thuốc thang cho ông ngoại. Những lúc đi vệ sinh hoặc nâng giấc, lão đều dựa vào một bờ vai của nó. Cái thằng tuy vậy mà khéo léo và chịu khó ra trò. Vất vả suốt ngày đêm bên ông mà không hề kêu ca, than vãn nửa lời.
Cảm kích nhất là vào những lúc sức khỏe của lão có vẻ đỡ hơn, thằng Tâm lại ngồi bên cạnh thủ thỉ kể chuyện cho ông nghe. Những câu chuyện mà hồi nhỏ chính lão đã kể cho lũ cháu. Bây giờ câu nhớ câu quên, hình như thằng Tâm cố kể lại để mong làm ông đỡ cơn đau. Cũng phải thôi, vì nó không có sự thông minh như mấy anh, chị nó. Nhìn dáng điệu như phải cố gắng moi óc để nhớ lại những chi tiết trong truyện của thằng Tâm, mà ông trào nước mắt.
Hai đứa cháu thạc sĩ gửi về cho ông mấy hộp thuốc chữa thấp khớp, nghe nói là đắt tiền và tốt lắm nhưng hình như bệnh lão đã quá nặng rồi nên uống mãi mà vẫn không thuyên giảm. Cô cháu nhà báo gửi về một lô báo Sức khỏe và Đời sống, trong đó có nói về các cách chữa bệnh thấp khớp của cả ta và Tây. Thằng Tâm bò ra đọc cả một ngày mà vẫn chẳng hiểu cách chữa nào là tốt nhất.
Lão thì biết rõ bệnh tình của mình chẳng còn mấy chốc nên cũng không mấy chú ý đến việc chữa trị.
Lúc này, thứ cần nhất đối với lão là một bàn tay yêu dấu, một bờ vai nâng đỡ lúc đứng lên nằm xuống, những câu chuyện cổ tích dù câu nhớ, câu quên. Đó là những thứ lão cần hơn hết thẩy mọi điều. Hạnh phúc biết bao khi mỗi lần gắng gượng mở mắt ra lão lại nhìn thấy gương mặt bần thần, âu lo của thằng Tâm cùng những câu nói run run trong nước mắt:
- Ông ơi, ông có thấy đỡ chút nào không?
Bệnh lão thì làm sao mà đỡ được nữa. Nhưng nhìn đứa cháu không lúc nào nỡ rời ông nửa bước kia, lão biết rằng, dù có phải ra đi thì cũng sẽ nhẹ nhàng như bước vào chốn thiên đường.
* * *
Ai đó đã nói, với những người sắp bước vào cõi vĩnh hằng thì trong lòng họ mọi ánh hào quang dù chói lọi đến bao nhiêu cũng sẽ dần một tắt.
Nhưng với lão hình như hơi khác. Cái vẻ mặt u buồn, những câu nói ngấp nga ngấp ngứng, ánh mắt đầy lo âu, xót xa của thằng Tâm nhập nhòa ở trước mặt lão kia lại giống như một ánh hào quang, một ánh hào quang không phát sáng nhưng hình như mãi mãi không lụi tàn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin