Hơn cả một đóa hoa

Truyện ngắn của Kỳ Giang 09:56, 02/07/2023

Chẳng ai biết được ngày mai mình gặp ai. Định mệnh đôi khi đến bất ngờ như ta lật trang sách vừa mua được. Anh sôi nổi trong buổi hội thảo, nhưng tôi luôn có cảm giác dưới đáy mắt kia là một vùng áp thấp. Khi về phòng, lần giở những bức ảnh tập thể, tôi không hề thấy bóng dáng gầy gò ấy. Tôi thì khác, chụp ảnh để báo cáo lãnh đạo Hội và lưu lại khoảnh khắc cho riêng mình, cất kỹ trong ổ lưu trữ Gmail, không khoe trên Facebook hay Zalo.

Minh họa: Thanh Hạnh
Minh họa: Thanh Hạnh

Tan hội thảo, tôi lạc lõng trên triền cát, đôi chân trần mặc con sóng vuốt ve, xung quanh sôi động nhạc và tiếng cười của thanh niên tắm biển, trẻ em nghịch nước. Ngắm hoàng hôn tím ngắt trên biển, tôi nhớ nhà. Giá như được cùng cha mẹ ngồi bên nhau trong giây phút này thì vui biết bao! Nhẩm tính, đã mười lăm năm, tôi bôn ba ở thành phố, những lần về quê chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đời người xa xứ, có được bao nhiêu lần trở về căn nhà nhỏ bên suối? Có lẽ nào người trẻ bây giờ vô tâm đến thế?  

San cho tôi chút cô đơn của cô được không? Bữa tiệc xa xỉ quá mà bỏ phí, cô thật kỳ lạ.

Anh ngồi xuống bên cạnh, rít điếu thuốc đang cháy dở. Thấy tôi đưa mắt nhìn, anh giải thích trước khi nhận lời chào:

Tệ quá, mỗi ngày tôi hút hết một bao. Mẹ thấy con trai đốt sức khỏe thế này hẳn rất buồn. Nỗi buồn của người già găm rất sâu trong ngực, cảm giác như có kiến bò trong giấc mơ từng đêm.

Chúng tôi kể cho nhau nghe hoàn cảnh của mình như người cùng nhà lâu ngày mới gặp. Bữa tối chỉ vài món quen thuộc nhưng rất ngon miệng kéo chúng tôi gần nhau hơn. Anh nói rất nhiều về mẹ. Tôi mường tượng tuổi thơ anh ngọt ngào trong lời ru và được chăm chút nơi miền quê thanh bình với sóng biển đón từng thuyền cá lúc bình minh. Biến cố gia đình thành cơn bão cuốn anh rời xa mẹ, tới thành phố hoa lệ nhưng cô đơn nơi gác trọ.

Còn tôi, sự thiếu thốn về vật chất đã khắc lên tính cách những hoài nghi và độc lập, để không cần dựa dẫm vào bàn tay hay bờ vai của ai đó. Thương rồi thì sao? Chúng tôi ở cách nhau cùng trời cuối đất. Bao giờ được cầm tay lần nữa? Tôi không biết. Khi chia tay về khách sạn, anh nói: “Bất cứ khi nào, khi em cần, hãy đến tìm anh”.

***

Tôi không tìm đến anh nhưng hình bóng anh luôn hiện hữu từ công việc đến lúc ngồi một mình với cuốn sách để trên bàn. Anh khuyên tôi biết thương bản thân, chăm tập thể dục, mua sắm và làm đẹp. Điều mà một người phụ nữ chỉ vùi đầu vào bàn giấy tìm ý tưởng mới thường bỏ qua. Bữa sáng của anh giống tôi, chỉ khác là tôi phải lót dạ một vài lát bánh mì trước khi vị đắng ngọt đó ngoài Bắc vốn đậm đặc dễ làm chúng ta say. Công việc của anh gặp trục trặc, chúng tôi thức trắng đêm an ủi nhau, nói về tương lai mờ mịt thì rơi nước mắt.

- Anh không thể cho mẹ biết mình bất tài như thế này, cũng chưa đem lại hạnh phúc cho em.

- Em gửi anh hình cây nấm này. Anh thấy không? Giữa mặt đường vỡ nát, dưới cơn mưa tầm tã. Nó vẫn hiên ngang vươn mình chỉ để sống có một ngày. Có thể chiều nay sẽ lụi tàn nhưng nó đã cho em một bức hình đẹp. Anh đã gửi cho em khi chiều buông lang thang ngoài khu trọ, em cất để ngắm mỗi khi gặp khó khăn.

Công việc được giải quyết, tôi vui mừng sau một tháng nặng nề trôi, anh đã tìm lại được nụ cười. Thực lòng, tôi thấy anh làm ba bốn việc vất vả cùng một lúc nên đã từng ước giá như anh quên đi mối tình nhiều cách trở này để toàn tâm lo cho sự nghiệp. Với hy vọng có thể gặp nhau cho đến năm năm mươi tuổi nhưng bao nhiêu lần đắn đo chặn số, tôi đã không làm được.

Nhớ có lần, anh đợi mưa cả tiếng chờ mình, nhớ tiếng thầm thì bên tai trong cái ôm thật chặt, tôi trách anh vô cớ vì không cho mình đặt vé máy bay để gặp nhau giữa bộn bề lo toan và bao lần lỡ hẹn. Tôi càng sợ đến ngày sinh nhật và từng nghĩ sẽ bỏ công việc ổn định này để vào với anh, đến đâu thì đến. Nhưng trên vai tôi còn niềm tin của cha mẹ, còn tương lai của bản thân và anh, anh cũng không để tôi chật vật hơn sau bao nhiêu sóng gió phủ lên cả tuổi thơ của cả hai người. Anh dạy tôi biết tiết kiệm tiền để lo cho tương lai.

- Sinh nhật em, anh chẳng chuẩn bị được gì. Sau về với nhau, anh bù nhé.

- Ngày này, em thường mua gì đó cho cha mẹ. Họ mới là người cho em sự sống này.

Có phải vì thế mà anh thương tôi không? Ngay trong cơn say khi giải quyết công việc cùng đối tác, anh vẫn nhớ gọi điện chỉ để nói câu “mẹ nó ngủ ngon nhé” và ngồi đợi tôi đi chuyến xe khách về chịu tang cậu đến hơn một giờ sáng mới tắt đèn đi ngủ, dù cả ngày hôm sau anh làm khối lượng công việc cộng dồn.

Chúng tôi ước mình có với nhau một cậu bé kháu khỉnh, nghịch ngợm và lanh lợi. Cả hai không chịu cảnh “một túp lều tranh hai trái tim vàng” mà quyết tâm chuẩn bị vật chất, thậm chí cả đất đai, nhà cửa để xây dựng một gia đình nhỏ. Vì thế, hai đứa vẫn xa nhau.

Anh gửi quà cho cha mẹ tôi đều. Tôi muốn đáp lại thì anh từ chối. Anh động viên rằng mẹ anh cũng sẽ thương nếu có người thương con trai mẹ, người đó hơn cả đóa hoa ngày lễ. Chân của anh bị đau. Anh nói nếu đi viện sẽ mất một tháng nằm điều trị. Gánh nặng mưu sinh chưa cho anh nghỉ ngơi. Mẹ anh không biết những lọ cao xoa dịu tạm thời đã sử dụng suốt mấy năm qua cũng gặm nhấm tôi khi anh thả mình xuống võng sau giờ làm qua màn hình điện thoại. Những phụ nữ biết ra quyết định thường hạnh phúc.

Anh hay nói “sao cũng được” nhưng tôi cần có quan điểm của mình khi gặp việc hệ trọng. Một ngày, đang rảo bước dọc con đường đầy cỏ dại, tôi thấy một bóng dáng quen thuộc bên chiếc ba lô nhỏ. Như cơn gió, tôi chạy đến ôm lấy anh. Bên tai tôi có tiếng thì thầm: - Anh không thể đợi thêm được nữa, em à. Nỗi nhớ trong ngực anh đã đầy. Tuy nhiên, trong tất cả cuộc chiến dù Thủy Tinh có năm lần bảy lượt tiến lên thì Sơn Tinh vẫn thắng nhé. Chỉ có tôi hiểu anh nói gì và hạnh phúc không lời nào tả xiết.