Cờ Tổ quốc

Truyện ngắn của Hồng Điệp 14:39, 01/09/2023

- Ông ơi! cháu về rồi ạ.

Đang hí húi sửa soạn bàn thờ Tổ quốc, nghe tiếng gọi, ông Nam vội nhìn ra cửa. Ông không tin vào mắt mình khi thấy Đạt, thằng cháu nội, sinh viên đại học năm thứ ba cao lớn, rắn rỏi bước vào nhà. Ông mừng rỡ hỏi:

- Sao cháu bảo Hè này không được về cơ mà. Vui quá, thế là cháu kịp về ăn Tết Độc lập với ông rồi.

- Dạ vừa rồi cháu tham gia chương trình “Quyên góp, trao tặng cờ Tổ quốc cho các chiến sĩ biển đảo Trường Sa và ngư dân vùng hải đảo” do Đoàn trường phát động ạ. Xong chương trình cháu về ngay với ông mà.

Ông Nam thầm nghĩ, vậy là nó trưởng thành thật rồi. Ông nở nụ cười mãn nguyện.

 Đặt ba lô xuống ghế, Đạt nhanh nhảu nói:

- Ông để đấy, cháu sửa soạn bàn thờ Tổ quốc cho ạ.

- Ờ… Mà cháu hộ ông treo lá cờ này lên trước cổng nhà mình đã.

Lá cờ Tổ quốc đã bạc màu vậy mà năm nào vào dịp lễ kỷ niệm ngày 19-8 và Tết Độc lập, Đạt cũng thấy ông nội lấy nó từ trong chiếc hòm gỗ ra để treo. Đạt vội nói:

- Ông ơi, cháu mang mấy lá cờ mới về đó. Ông thay chiếc này đi ạ.

- Không cháu ạ. Lá cờ này để đón các cụ về ăn Tết Độc lập với ông cháu mình đấy.

Minh họa Thanh Hạnh.

***

Sau Cách mạng Tháng Tám, từ khi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, người dân Bản Bung quê ông đón thêm một cái Tết mới là Tết Độc lập mừng ngày Quốc khánh 2-9. Những ngày này, gia đình ông Nam soạn sửa chu đáo lễ vật: Gạo nếp, gà, trầu cau, rượu, bánh... để cúng Tết Độc lập và không quên điểm tô cho nếp nhà sàn ẩn hiện bên sườn núi cao lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới. Vẻ đẹp thiêng liêng ấy chẳng những được xuất phát từ tình yêu và niềm tự hào dân tộc mà còn bởi lẽ mỗi khi nhìn sắc đỏ ấy ông như thấy cha mẹ bên mình.

Khi còn sống, mẹ ông từng kể cho ông nghe, gia đình mẹ có người anh trai sớm được giác ngộ lý tưởng cách mạng. Nửa tháng trước ngày Tổng khởi nghĩa 19-8, anh trai của mẹ dẫn một chàng thanh niên khôi ngô tuấn tú về nhà. Sau mẹ biết chàng trai đó là một cán bộ Việt Minh. Người thanh niên ấy đã giác ngộ mẹ tham gia may cờ để phục vụ cho cách mạng. Những đêm mùa Thu năm ấy, mẹ cùng người thanh niên khâu rất nhiều lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa. Anh ấy vẽ mẫu, hướng dẫn cách đặt ngôi sao cho đúng vị trí. Công việc may cờ tưởng chừng như rất đơn giản nhưng cũng chứa đựng rất nhiều hiểm nguy bởi vào thời điểm đó bọn mật thám Pháp dò la ráo riết truy tìm những người may cờ Việt Minh. Nếu phát hiện được, chúng sẽ bắt giữ người và đốt cờ ngay lập tức. Để may được những lá cờ, mẹ và một số cô gái trong bản đã phải chia nhau đi các chợ xa, bí mật mua vải, chỉ, ngồi khâu tay suốt đêm. Việc cất giữ cờ cũng phải hết sức bí mật, kỳ công để sau đó được chuyển cho các tổ chức bí mật của cách mạng. Rồi cái ngày trọng đại 19-8 ấy cũng đến, những lá cờ mẹ khâu bay lượn khắp bầu trời quê và hòa vào dòng người tuần hành giành chính quyền. Có lẽ với mẹ, đây là đoạn kí ức đẹp nhất bởi xen lẫn niềm tự hào dân tộc còn là một niềm hạnh phúc lớn lao vì mình đã có những ngày đêm miệt mài gửi gắm vào lá cờ.

Tình yêu nhanh chóng đến với mẹ và chàng trai cán bộ Việt Minh ấy. Cảm xúc thiêng liêng và quý báu trong cuộc đời mẹ được nhân lên khi họ nắm tay nhau đi dưới rừng cờ đỏ sao vàng phần phật bay trong nắng, cùng reo vui ăn mừng ngày Độc lập(2/9/1945). Mẹ và chàng trai cán bộ Việt Minh, chính là cha của ông Nam đã thành vợ thành chồng. Sau niềm vui đất nước được độc lập, giống bao người, mẹ lại tiễn chồng cùng đoàn quân "Nam tiến". Ở nơi quê nhà mẹ sinh hạ ông Nam với nỗi nhớ mong đằng đẵng. Khi biết tin chồng hy sinh nơi chiến trường miền Nam, mẹ có một ước mong, thân xác ông sẽ được đồng đội bọc trong lá cờ Tổ quốc. Mẹ bảo ngày lên đường, cha ông có mang theo một lá cờ do chính tay bà khâu.

 Những ngày cuối đời, mẹ nằng nặc đòi khâu cờ. Chiều lòng mẹ, vợ chồng ông Nam đi chợ, chọn mua vải đỏ, vải vàng. Mắt mờ, tay run rẩy, mẹ vẫn chậm rãi khâu xong lá cờ đỏ sao vàng. Mẹ vui lắm khi thấy vợ chồng ông Nam ngồi bên cạnh chăm chú xem mẹ khâu. Khâu xong, mẹ trao lá cờ lại cho vợ chồn gông. Từ đó ông nâng niu lá cờ kỷ vật của mẹ như một báu vật. Chỉ đến ngày Tết Độc lập mới mang ra treo, không dùng những lá cờ khác.

***

Sáng nay, Đạt dậy sớm đưa ông nội lên huyện nhận Bằng khen của tỉnh về thành tích “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhân dịp Tết độc lập. Ông là một trong những cựu cán bộ xã có thành tích trong việc giáo dục, tuyên truyền về “lá cờ Tổ quốc linh thiêng” trong nhiều năm qua.

Bỗng Đạt nhớ lại. Ngày ấy, vào một đêm mưa bão, những lá cờ tại các trường phổ thông trong bản bị đổ, rách tướp vì gió to. Biết sáng mai có lễ chào cờ đầu tuần, ông nội đã gọi Đạt dậy sớm cùng đi mua những lá cờ mới, đến từng trường để thay từng lá cờ bị rách. Mồ hôi nhễ nhại mà ông nội cười thật tươi khi thấy thầy cô giáo cùng các bạn học sinh trong trường hướng ánh mắt, trái tim về lá cờ đỏ sao vàng tươi mới linh thiêng, hát vang bài Tiến quân ca. 

Từ đấy, các trường học trong bản thường mời ông đến kể những câu chuyện về lá cờ đỏ của Tổ quốc. Ông cũng là người trao tặng nhiều lá cờ cho những hộ khó khăn vùng núi cao, các cờ nhỏ cầm tay dành tặng cho các em học sinh mầm non.

Những ngày Đạt cùng thanh thiếu niên đi “bão” ăn mừng chiến thắng bóng đá, ông day dứt khi thấy những lá cờ vốn được nâng niu như vật báu còn mới nguyên mà tụi trẻ nỡ đang tâm để lại bên đường. Ông âm thầm đi thu nhặt. Sáng sau ông gọi Đạt dậy cùng ông giặt phơi sạch sẽ để chờ dịp trao tặng cho mọi người.

Nhớ lần Đạt nhận giải Nhất khi tham gia cuộc thi tìm hiểu về cờ Tổ quốc do Tỉnh Đoàn tổ chức, ông xúc động lặng người đem phần thưởng của Đạt thành kính dâng lên bàn thờ gia tiên.

***

- Ông ơi, hôm nay ông có dâng phần thưởng lên bàn thờ Tổ quốc và bàn thờ các cụ không ạ!

- Nhất định rồi cháu.

- Cháu cũng có quà tặng ông ạ. Năm học qua cháu đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc và được cử ra thăm đảo Trường Sa.

Đạt lấy từ trong ba lô một lá cờ đỏ có rất nhiều chữ ký của các chiến sĩ trên đảo trao ông. Ông Nam nghẹn ngào đón lá cờ từ tay cháu.

Ông nhìn ra ngoài cổng, trong cái nắng của những ngày thu đầu tháng chín trong veo. Hình ngôi sao vàng trên lá cờ kỷ vật của mẹ ông lấp lánh đẹp lạ thường. Ông như thấy cha mẹ mình đang về dự Tết độc lập cùng đất nước và hai ông cháu.